Thông tin này được Thiếu tướng Abdul Karim Khalaf, người phát ngôn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq đưa ra trong một cuộc họp báo tại Baghdad hôm 26/4.
"Iraq và Mỹ sẽ thảo luận về việc sắp xếp thời gian biểu rút toàn bộ quân Mỹ về nước trong các cuộc đàm phán vào tháng 6 tới", tướng Khalaf cho biết.
Theo tướng Khalaf, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ được tiến hành dựa trên nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân được Quốc hội Iraq thông qua vào đầu năm nay.
Mỹ có thể chấp nhận việc thu hẹp các hoạt động quân sự ở Iraq nhưng không bao giờ có chuyện từ bỏ "miếng bánh béo bở" này. Ảnh: AFP
Tướng Khalaf còn cho biết, các hoạt động an ninh song phương giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục, ngay cả sau khi Mỹ rút quân.
Được biết, kể từ sau vụ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani (3/1), Mỹ đã bắt đầu cắt giảm số binh sĩ đồn trú ở các căn cứ ở Iraq xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Một phần của sự cắt giảm trên là theo yêu cầu của chính quyền Baghdad.
Thông tin Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Iraq cũng gây ngạc nhiên lớn cho giới quan sát, bởi theo họ điều này khó có thể diễn ra trong thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần.
Nhận định trên xuất phát từ việc các căn cứ ở Iraq là một trong những "mắt xích" quan trọng giúp Mỹ duy trì khả năng hiện diện quân sự ở Trung Đông. Ngoài mặt quân sự, các căn cứ trên còn có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Washington tại Iraq, cụ thể hơn là các mỏ dầu ở miền Nam nước này.
Mặt khác, với căng thẳng giữa Mỹ - Iran hiện tại, trong trường hợp xung đột nổ ra thì các cứ căn liên hợp ở Iraq sẽ trở thành "bàn đạp" quan trọng giúp Washington thực hiện các cuộc tấn công đáp trả Tehran. Vì vậy, Mỹ sẽ không vội vàng rút quân trong giai đoạn này.
Ngoài ra, Mỹ còn lo ngại việc Iran sẽ trở thành "kẻ thế chân" thay họ kiểm soát Iraq thông qua lực lượng dân quân PMU. Với cái đà đó Tehran sẽ từng bước mở rộng phạm vi ảnh hưởng của họ lên chính quyền Baghdad. Đây là điều Washington không bao giờ muốn và sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn.
Từ ba điểm trên có thể thấy Mỹ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định rút quân khỏi Iraq, quá trình chuẩn bị cho một kế hoạch như vậy có thể sẽ kéo dài nhiều năm.
Thông tin Mỹ và Iraq chuẩn bị thảo luận lộ trình rút quân là thật nhưng từ đây cho đến thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán chính thức còn tới tận hai tháng, mọi thứ đều có thể thay đổi trong khoảng thời gian này.
Ngay cả khi hai bên đạt được một thời gian biểu rút quân cụ thể thì quá trình này diễn ra như thế nào còn tùy thuộc vào thái độ của Mỹ. Tựu trung lại, việc Mỹ rút hay ở không nằm trong tay người Iraq, điển hình như cách Washington bỏ ngoài tai nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài được Quốc hội Iraq thông qua ngày 5/1.
Còn việc Mỹ đồng ý cắt giảm quân số đồn trú hay chủ động đề xuất một cuộc đàm phán rút quân đơn giản chỉ là cách làm yên lòng chính quyền Baghdad, bởi kể từ đầu năm cho tới nay Iraq đã trải qua quá nhiều bất ổn.
Liên quân do Mỹ đứng đầu bàn giao căn cứ ở Mosul cho Quân đội Iraq.