Cặp bài trùng JF-17 và CM-400AKG
Trong bài viết mới đây trên National Interest, cây bút David Axe cho biết Không quân Pakistan đang trở nên mạnh hơn với việc đưa vào trang bị hàng loạt tiêm kích đa năng JF-17 Thunder. Ở thời điểm hiện tại Pakistan đang có trong biên chế 107 chiếc JF-17, số máy bay này sẽ dần thay thế cho những tiêm kích F-16, Mirages và J-7 đang dần lỗi thời.
Tuy nhiên, thông tin trên không phải làm điểm khiến David Axe quan tâm tới phi đội JF-17 của Pakistan mà nằm ở việc dòng chiến đấu cơ này sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh CM-400AKG.
Tiêm kích JF-17 của Pakistan mang theo tên lửa CM-400AKG trong một lần bay thử nghiệm. Ảnh: Rabbit.
Cụ thể, để tăng cường năng lực chống hạm cho không quân, Pakistan đã đặt mua 60 tên lửa CM-400AKG từ Trung Quốc trong giai đoạn từ 2017-2018. Số tên lửa này được xem như "những cánh tay nối dài" giúp Islamabad vô hiệu hóa hạm đội tàu chiến của Ấn Độ nếu xung đột giữa hai quốc gia nổ ra.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Ấn Độ có lực lượng hải quân vượt trội hơn Pakistan về mọi mặt. Do đó Pakistan muốn sử dụng không quân để bù đắp chênh lệch về lực lượng khi hai nước phải "chạm mặt nhau" trên biển.
Việc kết hợp JF-17 với CM-400AKG được xem là bước đi sáng suốt của Pakistan khi loại tên lửa có khả năng giúp Islamabad kìm chân tàu sân bay Ấn Độ trên Biển Ả Rập.
Được biết, CM-400AKG là một trong nhiều mẫu tên lửa chống hạm do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) chế tạo, được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải – 2012.
Tên lửa CM-400AKG (ở ngoài cùng) được giới thiệu cạnh JF-17 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: Errymath.
Theo AVIC, CM-400AKG là sự bổ sung tuyệt vời cho kho vũ khí của JF-17 như một giải pháp nâng cao khả năng tác chiến chống hạm của dòng tiêm kích này. Chính điều này đã khiến Pakistan quyết tâm có được CM-400AKG bằng mọi giá.
Với tiềm lực của Pakistan khi đó họ khó có thể tự phát triển ra một dòng tên lửa chống hạm có các tính năng kỹ chiến thuật như CM-400AKG, do đó cách nhanh nhất là đi mua.
Bản thân Trung Quốc khi bán CM-400AKG cho Pakistan cũng mang đến cho họ nhiều cái lợi, bởi trao cho Islamabad các tên lửa chống hạm siêu thanh có khả năng tấn công tàu sân bay là cách tốt nhất để Bắc Kinh hạn chế những mối đe dọa từ Hải quân Ấn Độ trong khu vực.
Sức mạnh đáng gờm của "sát thủ tàu sân bay" Trung Quốc
Theo David Axe, Trung Quốc hoặc có thể là Pakistan đã hoàn tất việc thử nghiệm tên lửa CM-400AKG trên JF-17, khi các bức ảnh về quá trình trên được công bố vào năm 2018.
Dựa trên các thông tin về CM-400AKG được AVIC công khai thì loại tên lửa này có trọng lượng 910 kg, chiều dài hơn 6,5 m và có đường kính 400mm. Tên lửa có thể mang theo đầu đạn phân mảnh nặng 136kg hoặc đầu đạn xuyên phá nặng 182kg, tầm bắn hiệu quả từ 100 đến 240 km.
Hình ảnh hiếm hoi về quá trình thử nghiệm tên lửa CM-400AKG. Ảnh: defence.pk.
Cũng theo AVIC, CM-400AKG được trang bị hệ thống dẫn đường đa kênh tùy thuộc vào mục đích chiến thuật, tên lửa có thể sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, hồng ngoại, radar thụ động, hay dẫn đường quán tính.
Đáng chú ý là việc sử dụng đồng thời cả hệ thống dẫn đường radar thụ động và hồng ngoại giúp tên lửa có bán kính lệch mục tiêu (CEP) chỉ từ 5-10 mét.
CM-400AKG cũng được giới thiệu có thể thay đổi hành trình bay ở pha cuối giúp nó tránh được hệ thống phòng không của đối phương, trong khi vận tốc của tên lửa lên đến Mach 5 (tương đường 6.174 km/h).
Một số nhà quan sát cũng đánh giá, nếu dựa trên các số liệu mà AVIC công bố CM-400AKG có phần vượt trội hơn tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos của Ấn Độ ở một số điểm. Cụ thể, BrahMos chỉ tốc độ bay vào khoảng Mach 3 (3.704km/h) và có tầm bắn tối đa 290km.
Theo báo cáo được AVIC công bố, trong tác chiến tiêm kích JF-17 có khả năng phóng CM-400AKG từ độ cao 7.800 đến 11.800 mét, tốc độ bay của tên lửa có thể đạt đến Mach 9.
Tiêm kích JF-17 Thunder của Không quân Pakistan biểu diễn tại triển lãm hàng không Air Show Radom 2018.