Những câu hỏi "chết người" về tàu ngầm của ông Phan Bội Trân

Nguyễn Việt Dũng |

Chỉ lặn sâu 4 m, tàu ngầm mini của ông Phan Bội Trân liệu có thoát được máy bay săn ngầm? Lớp vỏ bằng composite của tàu liệu có móp méo nếu tàu chạy ở tốc độ cao?...

LTS: Sau khi loạt bài phỏng vấn kỹ sư Phan Bội Trân về dự án chế tạo tàu ngầm mini Yết Kiêu được đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp rất tâm huyết của độc giả.

Trong thư gửi về tòa soạn, độc giả Nguyễn Việt Dũng (Đại úy sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam) ở Hà Nội bày tỏ sự trân trọng đối với quyết tâm dám nghĩ dám làm của ông Phan Bội Trân.

Tuy nhiên, về một số chi tiết kỹ thuật, chiến thuật của chiếc tàu ngầm mini mà ông Trân chia sẻ trong các bài phỏng vấn, độc giả Nguyễn Việt Dũng cho rằng cần phải bàn kỹ hơn.

Anh Nguyễn Việt Dũng cũng bày tỏ mong muốn những ý kiến của mình sẽ được chuyển đến "cha đẻ" tàu ngầm Yết Kiêu.

Dưới đây, xin trân trọng giới thiệu ý kiến của anh Nguyễn Việt Dũng:

Kính gửi ông Phan Bội Trân,

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự khâm phục của mình đối với khát vọng và đặc biệt là quyết tâm chế tạo tàu ngầm tại Việt Nam của ông.

Tuy nhiên, sau khi đọc kỹ loạt bài phỏng vấn ông, cũng như xem những hình ảnh cận cảnh về tàu ngầm mini Yết Kiêu 1, tôi thấy có một số thắc mắc muốn được trao đổi lại.

Vấn đề đầu tiên, tôi cảm thấy rất băn khoăn về thông số tốc độ tối đa có thể lên tới 50 hải lý/h của tàu, đây là một kỷ lục thế giới đúng như trong bài phỏng vấn ông đã từng cho biết.

Tuy nhiên, ông chỉ dựa vào các phép tính mô phỏng để nội suy ra kết quả trên hay là còn một phương pháp thực nghiệm nào khác?, vì khoảng cách giữa thử nghiệm bằng mô hình và thực tế vẫn còn rất lớn.

Các máy tính mạnh nhất cũng chưa có khả năng cho ra những kết quả chính xác tuyệt đối, nhất là khi thử nghiệm trong một môi trường phức tạp như dưới lòng biển.

Thêm vào đó, con tàu của ông có kích thước quá nhỏ nên tôi cho rằng ngư lôi không thể bố trí bên trong thân tàu mà sẽ phải treo ngoài như nhiều tàu ngầm mini khác.

Vậy khi treo một quả ngư lôi có kích thước và trọng lượng gần tương đương với con tàu bên ở ngoài thì sức cản của nước và công suất động cơ hiện nay có còn cho phép tàu chạy tới 50 hải lý/h?

Hệ thống đẩy Pump-jet của tàu ngầm Triomphant

Giả sử cả 2 yếu tố trên đều đã được giải quyết thì một con tàu ngầm dùng chân vịt thông thường sẽ gây ra tiếng ồn vô cùng lớn khi hoạt động ở tốc độ cao, rất dễ để đối phương có thể phát hiện.

Tôi được biết những tàu ngầm chạy nhanh nhất và im lặng nhất thế giới hiện nay như Sea Wolf của Mỹ hay Triomphant của Pháp đều dùng động cơ phản lực nước chứ không dùng chân vịt.

Vậy chúng ta sẽ phải khắc phục nhược điểm trên bằng cách nào, chưa kể đến việc tàu ngầm sẽ chạy được quãng đường dài bao nhiêu hải lý ở vận tốc tối đa, liệu nó còn đủ nhiên liệu để chạy về cảng sau khi ra đòn tấn công?

Vấn đề thứ hai, như ông nói, vật liệu composite giúp tăng tính tàng hình của con tàu, tôi thực sự không thấy vấn đề này quá quan trọng và mang lại nhiều lợi ích, thậm chí còn ngược lại nữa là khác.

Tôi được biết, tàu ngầm tàng hình chủ yếu là nhờ động cơ chạy êm và có lớp ngói cách âm bao phủ.

Vật liệu composite tôi cho rằng có tác dụng lớn nhất là giảm tính nhiễm từ của con tàu. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng những tàu ngầm cỡ lớn mới đủ độ nhiễm từ để máy bay săn ngầm phát hiện.

Còn với những tàu ngầm mini, đặc biệt là thuộc dạng “bỏ túi” như chiếc Yết Kiêu thì có làm bằng thép cũng không thể đủ độ bộc lộ từ trường để tố cáo vị trí của nó dưới đáy biển được.

Kích thước quá nhỏ của chiếc Yết Kiêu sẽ không đủ độ nhiễm từ để bị phát hiện kể cả khi làm bằng thép?

Vật liệu composite theo tôi có lợi thế là làm chiếc tàu nhẹ hơn, giúp tăng tốc độ hành trình nhưng cũng có nhược điểm là rất dễ bị ăn mòn trong môi trường nước biển và có độ bền vững không cao so với thép.

Tôi rất lo ngại rằng khi chạy tốc độ cao thì vỏ tàu sẽ bị móp méo do áp lực nước.

Vấn đề thứ ba liên quan đến chiến thuật sử dụng. Trong thực tế tác chiến, tàu ngầm thường phục kích, tắt máy nằm rình mồi tại vị trí hạm đội đối phương có thể chạy qua rồi bất ngờ ra đòn tấn công.

Tôi thấy hầu như không có một quốc gia nào sử dụng phương thức chờ đối phương triển khai xong rồi mới cho tàu ngầm cơ động từ cảng ra để đánh.

Vậy nếu áp dụng chiến thuật trên thì chiếc Yết Kiêu sẽ lấy không khí thế nào khi động cơ hoạt động cầm chừng và thời gian nằm rình mồi sẽ được bao lâu khi kích thước của tàu quá bé, khó bảo đảm khả năng bám biển dài ngày.

Một điều làm tôi lo ngại nữa là trong loạt bài phỏng vấn vừa đăng, tôi chưa hề thấy ông nói đến việc con tàu sẽ làm cách nào để định hướng khi lặn.

Tôi nghĩ rằng chiếc Yết Kiêu khá đơn sơ và sẽ rất khó bố trí các hệ thống cảm biến hay định vị thủy âm hiện đại để dò đường mà điều này lại là tối quan trọng với tàu ngầm.

Trong bài phỏng vấn, ông nói rằng chiếc Yết Kiêu có độ sâu lặn chỉ khoảng 4 m là đủ để tàng hình với radar đối phương. Về điểm này thì tôi đồng ý với ông.

Tuy nhiên, hiện tại ngoài dùng radar và công nghệ “nghe” truyền thống thì các máy bay săn ngầm còn có công nghệ “nhìn”, có thể nhìn xuyên sâu tới hơn 50 m nước khi thời tiết tốt, công nghệ này đặc biệt hữu dụng khi bắt tàu ngầm chạy nông.

Vậy độ sâu lặn rất nhỏ của chiếc Yết Kiêu liệu có khả thi trong tác chiến?

Tàu ngầm mini Kaiten của Nhật Bản

Ngoài ra, ý tưởng sử dụng tàu ngầm mini với số lượng lớn để tác chiến gần bờ thực ra cũng không phải là mới có.

Ngay từ Thế chiến thứ Hai, Hải quân đế quốc Nhật đã sản xuất một số lượng cực lớn tàu ngầm mini Kaiten để nhằm chống lại các cuộc tấn công của hạm đội Đồng minh. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng có thể nói là quá nhỏ bé.

Tôi rất lo ngại rằng chiếc Yết Kiêu sẽ đi vào vết xe đổ đó, nhất là khi còn quá nhiều băn khoăn về tính khả thi của các thông số kỹ thuật như tôi đã trình bày ở trên.

Tôi rất mong được ông phân tích nguyên nhân thất bại của họ và những bài học rút ra khi chế tạo chiếc Yết Kiêu (tất nhiên nếu đó không phải là bí mật cần giữ kín).

Kính chúc ông sức khỏe, thành công!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại