Lần đầu tiên nghe ông Phan Bội Trân chia sẻ về dự định đóng tàu ngầm, ông Lê Kế Lâm đã nói ngay "Làm tàu ngầm không đơn giản đâu..."
Nhưng sau đó, chứng kiến nhiệt huyết của người kỹ sư ở Pháp về, ông Lâm đã khuyến khích, động viên ông Trân rất nhiều. Không những thế, ông còn đóng góp những ý kiến về chuyên môn kỹ thuật và quân sự cho các ý tưởng của ông Trân.
PV: Thưa ông, với sự hiểu biết của mình về tàu ngầm, theo ông, chiếc tàu có kích thước bao nhiêu đối với loại vỏ composite thì đạt được hiệu quả tối ưu?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Theo như anh Phan Bội Trân nói với tôi, anh ấy có thể sản xuất được loại dài khoảng 20 mét, bề ngang 2 mét. Như vậy là đủ rồi.
Rõ ràng chiếc tàu đó đã có đủ không gian để chứa hệ thống máy, ắc quy, hệ thống thông tin liên lạc và cả vũ khí nữa. Nếu đạt được ở mức đó thì tốt.
Anh Phan Bội Trân có nói với tôi rằng nếu được đầu tư, có các chuyên gia của cơ quan Nhà nước phối hợp với anh ấy như các kỹ sư hóa, sinh hóa và hóa công nghiệp thì có thể giải quyết công việc đó.
PV: Thưa ông, ông Phan Bội Trân có chia sẻ rằng ông ấy dùng composite làm vỏ tàu vì vật liệu này rất nhiều ưu điểm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nếu thống kê trên các tàu ngầm đang hoạt động thì số tàu sử dụng kim loại làm vỏ có vẻ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.
Phải chăng vật liệu composite còn có điểm yếu nào đó khiến nó chưa thể trở thành loại vật liệu lý tưởng cho công nghiệp sản xuất tàu ngầm?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Tôi không phải là chuyên gia về hóa học nhưng qua đọc sách báo thì tôi thấy vật liệu composite sợi thủy tinh mới ra đời cách đây vài chục năm.
Do đó việc ứng dụng nó vào thực tiễn mới chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất tàu cá ở Nhật Bản và Hàn Quốc với tải trọng vài trăm tấn.
Còn về việc làm vỏ tàu quân sự thì chưa có nước nào đưa vào sử dụng.
Lý do thứ nhất là làm vỏ composite sợi thủy tinh phải có khuôn. Mà việc chế tạo một cái khuôn sẽ rất phức tạp và đắt hơn là làm một cái vỏ bằng thép.
Thứ hai là khả năng chịu lực. Với vỏ tàu bằng thép, người chế tạo đã giải quyết được vấn đề này một cách đơn giản.
Chúng ta đều biết rằng khi lặn xuống biển, cứ mỗi 10 mét thì áp suất tăng thêm 1 atmosphere (atm) (Áp suất không khí là 1 atmosphere). Nếu bây giờ lặn sâu 100 mét, áp suất đã tăng thêm 10 atm.
Nếu vỏ tàu làm bằng thép với dạng tròn dễ hơn là dùng vật liệu composite sợi thủy tinh. Có thể, vì lý do đó mà cho đến này chưa có một nước nào chế tạo tàu ngầm quân sự lớn bằng vật liệu composite sợi thủy tinh.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu về loại vật liệu composite sợi thủy tinh này, tôi thấy nó có những ưu điểm rất lớn: Không bị nhiễm từ, giảm được tiếng ồn cũng như phản xạ âm thanh trong nước biển.
Đó là điểm mạnh của vật liệu composite so với vỏ sắt mà trong tương lai, có thể sẽ được các nhà chế tạo tàu ngầm tận dụng triệt để.
Cận cảnh tàu ngầm Yết Kiêu
PV: Ông Phan Bội Trân có chia sẻ rằng: Tàu nhỏ nên sẽ di chuyển nhanh hơn (khoảng 50 hải lý/h) cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất và có khả năng chế tạo hàng loạt.
Nếu trong tương lai, những chiếc tàu như vậy được Hải quân sử dụng thì chiến thuật chiến đấu sẽ là dùng số đông để tấn công mục tiêu. Theo ông, đó có phải là một điểm mạnh về chiến thuật?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Chiến thuật đó cha ông ta đã sử dụng. Thời xưa, Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên ở sông Bạch Đằng đã dùng chiến thuật đó.
Khi ấy, chiến thuyền của nhà Trần rất nhỏ nhưng lại rất nhanh và nhiều. Ngược lại, chiến thuyền của quân nhà Nguyên to nhưng lại di chuyển chậm.
Ngay cả thời chúa Nguyễn Phúc Chu đánh quân Anh để bảo vệ Côn Đảo, quân Việt khi đó cũng sử dụng các tàu chiến nhỏ, ít người, di chuyển thật nhanh, đánh nhiều hướng. Rõ ràng, chiến thuật đó là chiến thuật du kích, dùng số đông và nhanh để áp đảo.
Tuy nhiên, đó là chiến thuật ngày xưa và áp dụng cho các tàu chiến trên mặt nước. Còn hiện nay, đã có những loại vũ khí như súng 6 nòng, 30 ly bắn hơn 2.000 phát/phút nên số đông bây giờ chưa chắc đã ăn.
Nhưng nếu đánh ngầm trong lòng biển thì lại khác. Tàu ngầm của đối phương sẽ không thể có được vũ khí như tàu chiến mặt nước. Nếu dùng số đông, tập kích nhiều hướng thì sẽ rất ổn.
Ông Trân bên chiếc tàu ngầm của mình.
PV: Một số bạn đọc cho rằng nếu trong tương lai những chiếc tàu ngầm mini như của ông Phan Bội Trân muốn được Hải quân sử dụng thì phải được trang bị thêm vũ khí.
Tuy nhiên, với trọng lượng của vũ khí thêm vào tàu, những ưu điểm về tốc độ chưa chắc đã còn được như trước. Chuẩn Đô đốc đánh giá như thế nào về những suy nghĩ này?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Sự hoài nghi của các nhà khoa học cũng như các bạn đọc như thế là đúng.
Loại tàu ngầm nhỏ như vậy không thể dùng tên lửa phóng dưới nước được. Nhưng sử dụng ngư lôi thì còn phải suy nghĩ. Nếu chúng ta cải tiến một dạng ngư lôi mà không cần ống phóng, điều này cũng có thể.
Anh Trân có nói với tôi, nếu ngư lôi không cần ống phóng thì có thể đó là một loại vũ khí tối ưu dùng cho loại tàu ngầm mini này. Tuy nhiên, để có được ngư lôi không cần ống phóng thì cần phải cải tiến kỹ thuật.
PV: Qua việc ông Phan Bội Trân tự chế tạo tàu ngầm với hy vọng cống hiến cho đất nước, Chuẩn Đô đốc có lời nhắn nhủ nào đến thế hệ trẻ Việt Nam - những người chủ tương lai của đất nước?
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm: Qua việc làm của ông Phan Bội Trân cũng như những người say mê sáng chế của Việt Nam, tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng hãy dấn thân hơn nữa, không tự ti. Hãy học tinh thần khỏi nghiệp và sức sáng tạo của thanh niên Israel.
Xin trân trọng cảm ơn Chuẩn Đô đốc đã trả lời phỏng vấn!
(Còn tiếp...)
** Mọi ý kiến, phản hồi, đóng góp, xin vui lòng nhập vào ô Bình luận bên dưới bài viết. Trân trọng!
- Gặp người VN làm "tàu ngầm tàng hình, tốc độ hơn tàu khu trục"
- Ông Trân: Họ bảo tàu ngầm của tôi "không biết có nổi được không?"
- Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7
- Ông Phan Bội Trân: 6 tháng có thể làm được 1.000 chiếc tàu ngầm
- [Cận cảnh] Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có gì đặc biệt?