Nga có lặp lại bi kịch của TQ khi dùng máy bay "trêu ngươi" Mỹ?

Vy Lam |

Vụ va chạm với máy bay trinh sát Mỹ đã khiến phi công Trung Quốc mất mạng.

Theo bài viết đăng ngày 27/7 trên website của hãng tin CNN, sự xuất hiện của 2 máy bay ném bom Nga ngoài khơi California hôm 4/7 được xem là một động thái đầy ẩn ý của Nga nhằm vào Mỹ.

Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) cho biết, một thành viên phi hành đoàn Nga đã gửi lời chúc mừng qua tần số khẩn cấp, khi 2 máy bay F-15 của Mỹ tiếp cận chiếc máy bay ném bom để đánh chặn.

Thông điệp của viên phi công Nga như sau: "Chào buổi sáng, các phi công Mỹ. Chúng tôi tới đây để chúc mừng nhân Ngày Quốc khánh 4/7 của các bạn".

Trước đó cũng trong ngày 4/7, hai chiếc Tu-95 đã bị phát hiện không xa ngoài khơi Alaska. Hai tiêm kích F-22 đã xuất kích để ngăn chặn.

Tại sao Nga điều máy bay ném bom áp sát Mỹ?

Theo chuyên gia mảng châu Âu Nick de Larrinaga của tạp chí quốc phòng IHS Jane's Defence Weekly, đây là một phần trong kế hoạch của Tổng thống Putin nhằm tái khẳng định vị thế của nước Nga trên sàn quốc tế.

"Ông ấy (Tổng thống Putin) thấy rằng vị thế chính trị của Nga và sự tôn kính dành cho nước Nga đã suy giảm rất nhiều kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc" - Ông de Larrinaga nói.

Theo ông de Larrinaga, vì vậy, "khoe cơ bắp" là một phần nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm đảm bảo rằng Nga nhận được sự tôn kính mà nước này xứng đáng nhận được, đồng thời thể hiện rằng Nga "vẫn là một cường quốc quân sự toàn cầu và là một lực lượng đáng gờm".

Máy bay ném bom Tu-95 của Nga

Máy bay ném bom Tu-95 của Nga

Trong khi đó, ông Adam Kinzinger, một cựu binh Không quân Mỹ, cho rằng chuyến viếng thăng của các máy bay ném bom Tu-95 nên được xem là "hành động hung hăng" nhằm thị uy sức mạnh của Nga.

"Nếu các bạn có bất cứ nghi ngờ nào về khả năng tái diễn Chiến tranh Lạnh, tôi muốn nói rằng có những động thái điều động cho phép chúng ta nhận biết điều đó" - ông Kinzinger nói với CNN.

"Tôi cho rằng có một sự tái diễn, có vẻ không tới mức độ như trong những năm 1980, nhưng là sự tái thiết lập các quy luật Chiến tranh Lạnh, trong đó, cả 2 phía đều ra sức thị uy lực lượng".

Kinzinger, đảng viên Đảng Cộng hòa bang Illinois, từng giữ chức vụ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ví von động thái này của Nga như hành vi "bắt nạt học đường": "Đôi lúc, một đứa trẻ nhỏ bé trong lớp học lại hóa ra là 'kẻ bắt nạt' ghê gớm nhất".

Theo ông de Larrinaga, khá bất thường khi phi công Nga "giao tiếp" với các máy bay đánh chặn hoặc nhân viên kiểm soát không lưu.

Dường như lời chào có phần kém trang trọng của các phi công Nga gửi qua kênh liên lạc khẩn cấp trên máy bay mang theo một thông điệp cụ thể.

Ông Kinzinger tin rằng Nga đang tìm cách "thử" phương Tây bằng những đợt xuất kích như vậy.

Những nguy hiểm

Máy bay Nga hiện diện trong không phận quốc tế, nơi chúng hoàn toàn được phép hoạt động. Song, theo ông de Larrinaga, vẫn có những nguy hiểm tiềm ẩn.

Đã có những phản ảnh rằng máy bay Nga không bật thiết bị phát đáp, vấn đề này đã trở thành tâm điểm tranh cãi trên khắp châu Âu - nơi không phận đông đúc hơn, do nó làm dấy lên nguy cơ va chạm với máy bay dân sự.

Ngoài ra còn có nguy cơ va chạm với các máy bay quân sự được điều động để ngăn chặn máy bay Nga.

"Nguy cơ tai nạn gia tăng bất cứ khi nào máy bay quân sự của 2 quốc gia tiến tới gần nhau nhưng không thông báo" - ông de Larrinaga nói.

Theo ông de Larrinaga, Nga và những nước từng điều động máy bay đánh chặn đều phản ảnh rằng đối phương tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm. Ngay cả khi phi công có kỹ năng cao thì va chạm vẫn có thể xảy ra.

Năm 2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã va chạm với máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ khi tiến hành đánh chặn tại khu vực đảo Hải Nam. Hậu quả là phi công Trung Quốc đã thiệt mạng, còn máy bay Mỹ đã may mắn hạ cánh khẩn cấp an toàn dù bị hư hại.

Trung Quốc sau đó đã đổ lỗi vụ việc cho Mỹ và tạm giữ phi hành đoàn người Mỹ trong hơn 1 tuần.

Chiếc EP-3E khi đang bị giữ tại Hải Nam
Chiếc EP-3E của Mỹ khi bị giữ tại Hải Nam

Ông de Larrinaga nhận định, mặc dù Nga đã đầu tư những khoản tiền lớn cho quân đội nhưng lực lượng này vẫn kém phương Tây về năng lực và trang bị. Không quân Nga đang bắt các máy bay của mình hoạt động quá mức dù rất nhiều chiếc trong số này đã già cỗi.

Kết quả là họ đã thiệt hại một số máy bay trong thời gian gần đây, trong đó có vụ rơi máy bay ném bom Tu-95 ở Nga.

Ông Kinzinger lại cảnh báo về một nguy cơ lớn hơn, trong đó một quốc gia khó đoán biết như Nga sẽ "có thể có một bước đi sai lầm", chẳng hạn như tính toán rằng nước này có thể "động tới" Estonia, Latvia hay Lithuania mà không kích động NATO đáp trả.

Theo ông Kinzinger, trên thực tế, điều đó có thể dẫn tới chiến tranh khu vực nhưng cũng có khả năng là chiến tranh thế giới do NATO buộc phải bảo vệ lãnh thổ của mình.

Máy bay Nga có dọa được Mỹ?

Người phát ngôn của NORAD không coi vụ việc ngày 4/7 là mối đe dọa nhưng nói rằng nó "có khả năng gây bất ổn" do diễn ra không báo trước và các máy bay ném bom của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Mỹ cho biết, trong cả 2 trường hợp, các máy bay Nga đều không xâm phạm không phận Mỹ. Chiến đấu cơ Mỹ đã kèm sát máy bay Nga cho tới khi chúng rời khỏi khu vực.

Vài ngày sau khi xảy ra vụ việc, một quan chức quân đội Mỹ nói với CNN rằng vị trí xảy ra vụ chạm trán (cách bờ biển miền trung California gần 40 dặm) khá khác thường do các máy bay Nga thường không mạo hiểm bay sâu về phía nam.

Theo vị quan chức, trong khi các phi vụ đánh chặn này được xem như "chuyện thường ngày" theo quan điểm của quân đội thì Lầu Năm Góc lại nhìn nhận chúng như một "thông điệp" mà Tổng thống Putin gửi tới nước Mỹ trong Ngày Quốc khánh.

Hiện tượng mới?

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cả Nga và Mỹ đều tiến hành các chuyến tuần tra tầm xa tới gần không phận của đối phương. Tần suất hoạt động này giảm xuống khi căng thẳng dịu đi.

Tuy nhiên, theo ông de Larrinaga, vào năm 2007, Tổng thống Putin đã khôi phục các chuyến tuần tra tầm xa và điều máy bay ném bom tới gần không phận Mỹ, Nhật, cũng như châu Âu.

"Trong vài năm qua, đặc biệt là năm ngoái và năm nay, với cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã tiến hành một loạt các đợt điều động" - ông de Larrinaga nói.

Nhật Bản cho biết nước này đã phải điều động máy bay chiến đấu 324 lần để chặn máy bay Nga trong 6 tháng đầu năm ngoái, con số này đã tăng đáng kể so với năm trước đó.

Tiêm kích F-15C hộ tống máy bay ném bom Tu-95 Nga xuất hiện gần Alaska năm 2006. Ảnh: Wiki
Tiêm kích F-15C "hộ tống" máy bay ném bom Tu-95 Nga xuất hiện gần Alaska năm 2006. Ảnh: Wiki

NATO cũng ghi nhận sự gia tăng trong các hoạt động trên không của Nga tại châu Âu, đặc biệt là quanh khu vực Baltic và đánh chặn máy bay Nga gần như đã trở thành "việc thường ngày".

Cũng trong năm nay, Anh đã điều chiến đấu cơ ngăn chặn 2 máy bay ném bom Nga xuất hiện gần không phận nước này.

Trước khi vụ việc trong tháng này diễn ra, các máy bay quân sự Nga đã nhiều lần bị ngăn chặn khi đến gần không phận Mỹ.

Tháng 4/2014, các chiến đấu cơ Mỹ đã xuất kích chặn máy bay ném bom Nga ngoài khơi Alaska và California. Trước đó, 2 phía đã nhiều lần chạm trán ở Thái Bình Dương.

Ngoài ra, các máy bay chiến đấu Mỹ cũng từng chặn máy bay quân sự Nga ngoài khơi California năm 2012, cũng vào ngày 4/7.

Tướng Mỹ: Nga là mối đe dọa lớn nhất

"Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của chúng ta" - Tướng Joseph Dunford nói với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong buổi điều trần hôm 9/7.

"Nếu các bạn muốn nói tới quốc gia có thể mang lại mối đe dọa tồn vong với nước Mỹ, tôi sẽ nói đó chính là Nga" - ông Dunford nói.

Tướng Joseph Dunford, Tư lệnh Thuỷ quân Lục chiến, người được Tổng thống Obama đề cử giữ chức Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ. (AP/Cliff Owen)
Tướng Joseph Dunford,

Nhìn chung, hoạt động quân sự của Nga đã gia tăng kể từ tháng 3/2014, khi các quốc gia phương Tây phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và hậu thuẫn lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.

Chẳng hạn, hồi tháng 5, Nga đã khiến các quan chức phương Tây vô cùng bức xúc khi triển khai 12.000 binh sĩ và một loạt máy bay, vũ khí trong cuộc tập trận quân sự bất ngờ ở tây bắc đất nước.

Theo các chuyên gia, đây là màn phô trương sức mạnh của Nga để đáp trả cuộc tập trận quân sự "đã được lên kế hoạch và thông báo từ lâu" của châu Âu, do Na Uy dẫn đầu.

Và vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Putin đã tuyên bố bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa vào kho vũ khí hạt nhân của quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại