Trong bài trước, ông Phan Bội Trân đã chia sẻ nguyên lý cấu tạo mà theo ông là "đơn giản" của một chiếc tàu ngầm, cũng như công nghệ mà ông đã ứng dụng để giúp tàu ngầm Yết Kiêu có khả năng tàng hình trước các phương tiện săn ngầm. (Xem tại đây)
Dưới đây là phần tiếp theo của cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Phan Bội Trân.
PV: Khi chế tạo tàu ngầm, ông đã gặp phải những khó khăn như thế nào?
Ông Phan Bội Trân: Quá trình sản xuất về kỹ thuật thì không có khó khăn nhưng không có sự hậu thuẫn tinh thần.
Bạn cứ thử nghĩ xem, nếu bạn đá bóng mà không có người cổ vũ cho bạn mà cứ phải nghe những lời cổ vũ từ phía cổ động viên của đối thủ thì bạn sẽ cảm thấy không hứng thú và có thể bị dao động.
Tôi ở bên Pháp 32 năm và làm ở công ty của Pháp sản xuất linh kiện trực thăng, linh kiện tàu ngầm… Tôi quen việc đó và việc gặp một chiếc tàu ngầm đối với tôi cũng như việc bạn gặp một chiếc xe máy thôi.
Đối với nhiều người, một chiếc tàu ngầm có thể sẽ rất xa lạ bởi nó ngầm dưới nước. Khi hoạt động, ra khơi thì nó ra ban đêm, khi về thì cũng về ban đêm bởi những vấn đề bảo mật. Chính những người ở căn cứ tàu ngầm cũng không bao giờ thấy chiếc tàu ngầm.
Khi tôi nói chuyện ra với mọi người thì mọi người cho đó là chuyện hoang đường, không tin nhưng tôi vẫn phải cố gắng để vượt qua điều đó.
Ở Việt Nam, tôi có 2 đứa con, một đứa năm nay 7 tuổi và đứa út 3 tuổi. Vợ tôi ban đầu không ủng hộ. Khi nghe tôi nói chuyện về tàu ngầm, bà ấy lắc đầu và nghĩ chắc tôi đang gặp vấn đề gì đó trong đầu, não bộ hình như không ổn.
Mà bà vợ tôi không phải là người duy nhất. Những người nghe tôi nói thì gần như không ai muốn nghe. Họ đều nghĩ tôi có vấn đề gì trong đầu.
Khi làm xong, tôi mời bên Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh sang. Và cũng qua Chủ tịch Hội là Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, tôi mới quen hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân.
Từ đó, tôi đề nghị mượn cái hồ của trường để thử nghiệm tàu. Khi mới nghe lời đề nghị của tôi, ông hiệu trưởng bảo để ông ấy qua xem trước, chứ đem về trường ngay thì chính ông ấy cũng sợ những người trong trường chỉ trích.
Lúc đầu tôi cho chiếc tàu ngầm lặn xuống trong chiếc bể bằng gỗ. Những người đứng cạnh ông hiệu trưởng khi ấy, sau này, kể lại với tôi rằng: Lúc đó, ông ấy đứng ở phía trên chiếc bể và nói “lặn thì được nhưng không biết có nổi được không?”.
Chỉ 5 phút sau, do có máy bộ đàm, tôi điện lên trên và hỏi: “Các vị có câu hỏi gì không?”. Họ nói là: “Không”. “Vậy thì để tôi nổi lên”, tôi nói lại với họ như vậy. Khi thấy tôi nổi lên, họ mừng lắm vì chiếc tàu ngầm đã lặn được và nổi được.
Sau đó, ông hiệu trưởng chấp thuận cho tôi mang tàu qua cái hồ của trường để thử. Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân có nguyên cả một hệ thống để thử: Bác sỹ, Ban nội vụ, Phòng công nghệ…
Hôm tôi thử, nhiều người trong trường tò mò và cũng muốn ra xem thử. Khi tôi cho tàu lặn, nổi và chạy vòng vòng, mấy ông ở trường vỗ tay rầm rầm.
Ngoài ra cũng còn một khó khăn nữa là tôi muốn chiếc tàu ngầm phải được sản xuất với 100% điều kiện trong nước.
Hồi tôi ở bên Pháp thì những linh kiện mua được dễ dàng bởi đó là một nước công nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì khác.
Sản xuất một chiếc tàu ngầm là một chuyện còn sản xuất tàu ngầm với điều kiện trong nước là một chuyện khác. Chỉ đến khi chiếc tàu ngầm của tôi vận hành trơn tru, tôi mới tin là có thể chế tạo tàu ngầm với điều kiện của Việt Nam.
Chuẩn bị cho tàu ngầm Yết Kiêu xuống nước thử nghiệm ở Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân
PV: Sau khi thử nghiệm thành công, thái độ của những người trong gia đình ông cũng như những người xung quanh ông như thế nào?
Ông Phan Bội Trân: Sau khi thử nghiệm tàu ngầm thành công, vợ tôi ủng hộ tôi 100%.
Cả hai đứa nhỏ nhà tôi cũng biết tôi chế tạo tàu ngầm và chúng tỏ ra rất thích. Hai đứa nhỏ nhà tôi cứ nhắc hoài rằng: “Khi nào đi thì cho đi theo”.
Tuy nhiên, chiếc tàu ngầm chỉ có một chỗ nên không cho đi theo được. Tôi có chương trình, khi nào tôi nhận thừa kế xong thì tôi sẽ sản xuất một chiếc tàu ngầm 3 chỗ. Nhưng đó là chiếc để chiến đấu luôn chứ không phải là chiếc để đi chơi.
Vì bà vợ tôi ban đầu không tin nên với anh em họ hàng, tôi không cho biết nhiều về việc tôi sản xuất tàu ngầm. Tôi hiểu tâm lý như vậy nên tôi cứ âm thầm làm. Nhưng bây giờ, khi đã biết rồi thì họ rất hoan nghênh và ủng hộ.
Lúc tôi làm thì tôi làm bí mật và không ai biết. Việc giữ bí mật cũng không gây ra sự khó chịu nào cho tôi nhưng tôi hiểu rằng việc giữ bí mật đó là bí mật quốc phòng.
Ông Trân bên chiếc tàu ngầm của mình.
PV: Ông có nói rằng qua Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm mà ông quen được hiệu trưởng Trung cấp kỹ thuật Hải quân và từ đó mới có cơ hội thử nghiệm tàu ngầm. Xin ông có thể chia sẻ nhiều hơn về sự giúp đỡ của ông Lê Kế Lâm?
Ông Phan Bội Trân: Khi mọi người không ai tin tôi, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm có dặn tôi: “Đây là chủ đề nhạy cảm. Phải nói ít, làm nhiều. Làm xong mới nói. Làm chưa xong mà nói ra thì cũng không có lợi gì cả, mọi người không tin thì nói ra cũng vô ích”.
Đó là người từng trải nên tôi nghe ông ấy. Ông Lê Kế Lâm giúp đỡ tôi rất nhiều. Cần liên hệ với ai thì ông giới thiệu.
Việc quen Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cũng rất tình cờ. Có một lần tôi đọc báo thấy nói về Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh và ông Lê Kế Lâm nên tôi đã xin địa chỉ và số điện thoại rồi liên hệ với ông ấy.
Lần đầu tiên tôi gặp, ông ấy rất ủng hộ. Ông Lê Kế Lâm rất giỏi về kiến thức và kỹ thuật, không chỉ về tàu ngầm mà cả về ngư lôi, tên lửa, máy bay. Khi nói chuyện với ông ấy, tôi có cảm giác như nói chuyện với người trong nghề. Rất thích!
Ngay khi nói chuyện với ông Lê Kế Lâm, tôi đã nghĩ rằng đây chính là người sẽ giúp tôi mở toang cánh cửa thành công đối với công việc chế tạo tàu ngầm.
Ông Lê Kế Lâm không những ủng hộ mà còn hướng cho tôi phải đi hướng nào để có thể có kết quả tốt nhất. Điều đầu tiên ông ấy nói với tôi là phải nói ít, làm nhiều.
Thứ hai là ông ấy biết trước là làm xong chiếc tàu ngầm đó thì phải nhờ ai để đi thử.
Thứ ba là ông ấy biết tôi phải liên hệ với ai để công việc được hoàn chỉnh.
PV: Cảm xúc khi ông chế tạo xong chiếc tàu ngầm với những điều kiện ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Bội Trân: Khi tôi làm ở trên cạn xong thì tôi đã rất vui rồi. Còn khi cho tàu lặn thì khác.
Ngày trước tôi cùng các đồng nghiệp ở bên Pháp chế tạo chiếc tàu ngầm cho Libya thì chỉ làm trên cạn chứ họ không cho mình lặn thử vì họ có người rồi. Còn ở Việt Nam thì không ai dám thử nên tôi tự thử.
Cảm giác lúc đó đặc biệt lắm. Nếu bạn đã đi tàu nổi rồi thì sẽ thấy sóng nước bên ngoài, chiếc tàu lắc lư… Nhưng nếu ngồi trong chiếc tàu ngầm thì lại khác.
Chiếc tàu ngầm đó vững tuyệt đối, không tròng trành, không lắc lư… Khi nhìn ra thì mình sẽ thấy nước ở xung quanh, mặt nước ở phía trên.
Cảm giác đó không thể tả được, nó lâng lâng, rất thú vị, rất thoải mái. Hai đứa nhỏ nhà tôi cứ nằng nặc đòi tôi cho xuống nhưng không được.
(Còn tiếp...)
** Mọi ý kiến, phản hồi, đóng góp, xin vui lòng nhập vào ô Bình luận bên dưới bài viết. Trân trọng!