4. Khinh hạm Gepard 3.9
Đứng tiếp theo trong danh sách những chiến hạm có năng lực phòng không tốt nhất khu vực là 2 chiếc Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam.
Mặc dù chỉ được trang bị hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) nhưng có thể nói rất khó để các phương tiện tấn công đường không (cả máy bay cũng như tên lửa diệt hạm siêu âm và cận âm) vượt qua được 2 lớp phòng thủ của Gepard 3.9.
Phía trước mũi tàu Gepard 3.9 được lắp đặt một module Palma, đây là hệ thống CIWS có hình dạng và chức năng tương tự như Kashtan, nhiệm vụ chính là tiêu diệt tên lửa đối hạm, máy bay cũng như các mục tiêu cỡ nhỏ trên mặt nước và trên bờ.
Module tác chiến của hệ thống Palma hoạt động hoàn toàn tự động, mỗi module gồm 8 tên lửa Sosna-R lắp sẵn trong container kiêm ống phóng và 2 bệ pháo 6 nòng tự động cỡ 30 mm AO-18KD (với 1.500 viên đạn).
Tên lửa 9M311 Sosna-R có tầm bắn 8 km, vận tốc 1.100 m/s, trần bay 3,5 km tạo thành lớp phòng thủ bên ngoài. Nếu mục tiêu bay nào vượt được qua thì 2 khẩu pháo AO-18KD có tốc độ bắn 5.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 4 km sẽ làm nốt công việc còn lại.
Pháo và tên lửa nhận lệnh từ hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện đa kênh 3V-89, bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa và kênh điều khiển laser.
Phía sau đuôi tàu Gepard 3.9, ngay cạnh sàn đáp trực thăng là 2 ụ pháo phòng không AK-630M. Hệ thống AK-630M trang bị pháo siêu tốc AO-18 tương tự như module Palma, có tốc độ bắn 5.000 phát/phút, sơ tốc đạn 900 m/s, bắn rơi được tên lửa đang bay đến ở cự ly lên tới 4 km.
Tháp pháo được điều khiển từ xa bởi radar kiểm soát hỏa lực MR-123 Vympel và đài quan sát hỗ trợ, 2 loại đạn chính của AK-630M là đạn nổ phá mảnh OF-84 hoặc đạn vạch đường phá mảnh OR-84.
Hộp tiếp đạn của pháo dạng băng tự động chứa được 2.000 viên đạn và khoảng 1.000 viên dự trữ trong một thùng chứa khác, hệ thống sử dụng cơ cấu khóa nòng cơ khí để nạp đạn và hất vỏ đạn sau khi bắn.
5. Khinh hạm Lekiu
Lekiu hiện là lớp chiến hạm mạnh nhất của Hải quân Hoàng gia Malaysia, gồm có 2 chiếc KD Jebat (F-29) và KD Lekiu (F-30) được đóng tại Glasgow, Scotland. Mặc dù mang số hiệu F-30 nhưng KD Lekiu lại được hạ thủy trước KD Jebat và được chọn làm tên định danh cho lớp khinh hạm này.
Mặc dù lượng giãn nước khá lớn và được lắp đặt hệ thống điện tử hết sức hiện đại nhưng vũ khí trang bị của Lekiu có thể nói là chưa tương xứng, tàu chỉ được trang bị tên lửa chống hạm MM40 Exocet Block 2 tầm bắn 70 km và ngư lôi chống ngầm A244 tầm bắn 13,5 km.
Hỏa lực phòng không của Lekiu gồm 16 tên lửa Sea Wolf được phóng từ bệ phóng thẳng đứng. Tên lửa Sea Wolf có tầm bắn 1 - 10 km, trần bay 3 km, vận tốc Mach 3 và mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 14 kg.
Đây là một loại tên lửa khá cũ, được thiết kế từ năm 1967 và chính thức phục vụ trong biên chế Hải quân Hoàng gia Anh từ năm 1979. Mặc dù có chức năng "bắn và quên" nhưng Sea Wolf lại không được đánh giá cao khi chống lại tên lửa đối hạm bay bám biển.
Do vậy, nếu đánh giá một cách khách quan thì mặc dù thuộc phân lớp frigate nhưng năng lực phòng không của Lekiu còn thua kém một số chiến hạm thuộc hạng corvette hay missile boat hiện đại trong khu vực.