LTS: Sau khi loạt bài phỏng vấn kỹ sư Phan Bội Trân về dự án chế tạo tàu ngầm mini Yết Kiêu được đăng tải, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi, đóng góp rất tâm huyết của độc giả.
Trong thư gửi về tòa soạn, độc giả Lê Hoàng ở Hà Nội đã nêu ra một số thắc mắc với cha đẻ của tàu ngầm Yết Kiêu.
Mặc dù có một số điểm tương đồng với ý kiến của độc giả Nguyễn Việt Dũng- Đại úy sĩ quan QĐND Việt Nam trong bài viết trước (xem tại đây) nhưng để có cái nhìn đa chiều hơn, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của anh Lê Hoàng chia sẻ cùng "cha đẻ" tàu ngầm Yết Kiêu.
Khi giới thiệu về mẫu tàu ngầm của mình, kỹ sư Phan Bội Trân đã rất tự tin khi cho rằng con tàu có khả năng tàng hình hoàn toàn trước đối thủ, đạt tốc độ vượt cả tàu khu trục và hoàn toàn có khả năng mạnh ngang với Hạm đội 7 của Mỹ.
Chưa bàn tới việc tác chiến với đối thủ là Hạm đội 7, có những câu hỏi mà dường như vị kỹ sư này đã “bỏ quên”, hay chưa có lời giải đáp.
Tàu ngầm Yết Kiêu tàng hình thế nào trước sonar?
Theo kỹ sư Phan Bội Trân, với thiết kế hoàn toàn bằng vật liệu composite, tàu ngầm Yết Kiêu của ông sẽ có khả năng “tàng hình” trước các loại radar của tàu nổi.
Điều này có thể tạm coi là đúng, nếu vật liệu composite có khả năng hấp thụ và tán xạ sóng radar trong khi nổi trên mặt nước.
Nhưng tác giả đã quên rằng môi trường tác chiến của tàu ngầm là dưới lòng biển, nơi song radar vô dụng hoàn toàn. Ở đó, các phương tiện chống ngầm không dựa vào radar, mà là sóng âm (sonar).
Để tàng hình dưới lòng biển, một chiếc tàu ngầm sẽ phải bảo đảm khả năng chống các loại sonar chủ động và thụ động. Sonar chủ động được tàu nổi hoặc tàu ngầm phát ra, với mục tiêu thu được tín hiệu phản xạ từ tàu ngầm đối phương.
Về nguyên lý, sonar chủ động hoạt động giống hệt radar, nhưng có ưu điểm là cực kỳ hiệu quả ở môi trường nước. Liệu lớp vỏ composite của tàu ngầm Yết Kiêu có khả năng hấp thụ sóng âm hay không?
Nếu vật liệu này hấp thụ được sóng âm và biến con tàu trở thành vô hình, tại sao các cường quốc quân sự như Mỹ và Nga vẫn chỉ sử dụng gạch cao su (Anechoic tiles) để phủ bên ngoài những con tàu ngầm của mình?
Bên cạnh sonar chủ động, đối phương còn có thể phát hiện mục tiêu thông qua các cảm biến sonar thụ động. Cảm biến này sẽ thu tín hiệu âm thanh phát ra từ lòng đại dương, trong đó có cả tiếng động từ tàu ngầm.
Liệu kỹ sư Phan Bội Trân đã nghĩ tới việc cách âm cho động cơ và chân vịt của tàu hay chưa?
Tàu ngầm K-222 của Liên Xô (Nga) có tốc độ tối đa lên tới 45 hải lý/h
Tốc độ tới 50 hải lý/giờ có thực sự mang tính thực tế?
Chiếc tàu ngầm giữ kỷ lục thế giới về tốc độ hiện nay là tàu K-222, chiếc tàu duy nhất thuộc Đề án 661 Anchar của Liên Xô, với tốc độ tối đa khi lặn là xấp xỉ 45 hải lý/giờ.
Để đạt được tốc độ này, các kỹ sư Liên Xô đã phải sử dụng vật liệu titanium cho toàn bộ thân tàu, thay vì sử dụng thép. Điều đó giúp thân tàu tránh được những hư hại khi di chuyển với tốc độ cao.
Bên cạnh đó, K-222 phải sử dụng tới 2 động cơ hạt nhân mới có đủ động lực để đạt tốc độ 45 hải lý/giờ. Liệu chiếc tàu ngầm nhỏ bé của kỹ sư Phan Bội Trân sẽ sử dụng động cơ loại gì để có thể chạm tới con số 50 hải lý/giờ?
Một bài học khác rút ra từ K-222 chính là tốc độ luôn tỷ lệ thuận với tiếng ồn. Là chiếc tàu ngầm nhanh nhất thế giới, K-222 cũng đồng thời là một trong những tàu ngầm có độ ồn cao nhất và dễ bị phát hiện nhất bởi sonar.
Giả sử kỹ sư Phan Bội Trân có thể chế tạo một chiếc tàu ngầm với tốc độ 50 hải lý/giờ, làm thế nào để chiếc tàu đó giữ im lặng và "tàng hình" trước các hệ thống sonar hiện đại?
Biên đội tàu ngầm mini 50 chiếc sẽ tác chiến như thế nào?
Theo ông Phan Bội Trân, để tấn công một tàu khu trục, ông có thể sử dụng tới 50 chiếc tàu Yết Kiêu để tấn công. Nhưng làm thế nào để 50 chiếc tàu này phối hợp tấn công, hay sẽ là phương án mạnh ai nấy đánh?
Bên cạnh đó, nếu không có cách hệ thống định vị và liên lạc, làm sao để biên đội tàu Yết Kiêu tìm ra chiếc tàu khu trục của đối phương? Đây không phải mục tiêu cố định ở gần bờ, chúng luôn di chuyển ở cách bờ tới hàng trăm km.
Làm sao những chiếc tàu ngầm bé nhỏ của kỹ sư Phan Bội Trân có thể tìm kiếm và thực hiện một cuộc tấn công bài bản vào tàu đối phương?
Hệ thống chống ngầm RBU-6000 có mặt trên hầu hết các tàu mặt nước của Liên Xô (Nga)
Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ sống sót thế nào trước vũ khí chống ngầm?
Theo tôi, khi tiếp cận tàu địch thì tàu Yết Kiêu ở dưới tầm radar của đối phương, nên sẽ không bị phát hiện. Vì thế tên lửa, pháo và pháo phòng không sẽ không làm gì được tàu ngầm của ông.
Bên cạnh đó, khi tiếp cận ở cự ly khoảng 2.000 m thì đó là khoảng cách quá gần, nếu 50 chiếc cùng vào bao vây, chiếc tàu khu trục của địch sẽ không chạy thoát được.
Tuy nhiên, kỹ sư Phan Bội Trân dường như đã quên các loại vũ khí chuyên dùng để diệt tàu ngầm và ngư lôi. Không ai lại đi lấy pháo hạm và pháo phòng không để bắn tàu ngầm, trừ khi chúng đang nổi trên mặt biển.
Với người Nga, họ trang bị hệ thống chống ngầm RBU-6000 trên hầu hết các tàu nổi. Loại vũ khí này có tầm bắn từ 350 - 6.000 m, thừa sức tiêu diệt các tàu ngầm Yết Kiêu trước khi chúng kịp tiếp cận để tấn công.
Đó là chưa kể tới các hệ thống tên lửa chống ngầm với tầm bắn tới 50 km. Trong khi đó người Mỹ lại có hệ thống ASROC với tầm bắn 22 km.
Ngoài ra, các trực thăng trên tàu khu trục cũng được trang bị tổ hợp chống ngầm tiên tiến, bảo đảm khả năng tiêu diệt các tàu ngầm "ầm ĩ" như Yết Kiêu từ trước khi chúng có thể nhìn thấy mục tiêu của mình.
- Gặp người VN làm "tàu ngầm tàng hình, tốc độ hơn tàu khu trục"
- Ông Trân: Họ bảo tàu ngầm của tôi "không biết có nổi được không?"
- Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7
- Ông Phan Bội Trân: 6 tháng có thể làm được 1.000 chiếc tàu ngầm
- [Cận cảnh] Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có gì đặc biệt?
- "Tàu ngầm ông Trân" làm được điều "vượt sức tưởng tượng"?
- Điều nguy hiểm nào chờ đợi thủy thủ trong tàu ngầm của ông Trân?
- Tàu ngầm "Made in Việt Nam": PGS.TS Lê Hồng Bang lên tiếng
- Chuyên gia quân sự Úc chê tàu ngầm của ông Trân thế nào?
- CHIA SẺ CỦA ĐỘC GIẢ
- Những câu hỏi "chết người" về tàu ngầm của ông Phan Bội Trân