Loạt bài tàu ngầm "Made in Việt Nam" do ông Phan Bội Trân chế tạo đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận.
Để có thêm cái nhìn nhiều chiều, chúng tôi đã liên hệ với Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích chính trị - quân sự đến từ Học viện quốc phòng Australia.
Sau khi cân nhắc những thông tin mà chúng tôi cung cấp, Giáo sư Carl Thayer đã đồng ý chia sẻ quan điểm của mình về tàu ngầm của ông Phan Bội Trân.
Theo những gì mà ông Phan Bội Trân giới thiệu trước đó, tàu ngầm Yết Kiêu 1 do ông chế tạo có chiều dài 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn 1 tấn.
Tàu chạy bằng động cơ điện 3 pha và có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Vỏ tàu được làm từ vật liệu composite với nền nhựa và cốt là sợi thủy tinh, giúp con tàu gần như trong suốt.
Đặc biệt, ông Trân cho biết, tàu ngầm Yết Kiêu có thể chạy với tốc độ lên tới 50 hải lý/h.
"Với ưu điểm là nhẹ nên tàu ngầm của tôi chạy với tốc độ khoảng 50 hải lý/h, hơn một chiếc tàu khu trục, đó là một sự đột phá" , ông Trân nói.
Về vũ khí trên tàu, ông Trân cho hay tàu có thể được trang bị ngư lôi tự sản xuất theo quy định của Nhà nước.
"Ngư lôi này sẽ chạy nhanh hơn ngư lôi của đối thủ, bắn không phải dạng đục lỗ mà là loại ngư lôi có thể bắn gẫy đôi đối thủ.
Ngoài ra, còn có những loại vũ khí khác... Vũ khí này được điều khiển và đuổi bám tấn công đối thủ tùy theo hướng của xạ thủ" - Ông Trân mô tả.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng lời giới thiệu về tàu ngầm Yết Kiêu đã bị thổi phồng, nếu không muốn nói là phi thực tế
Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Giáo sư Carl Thayer nhận định:
"Chế tạo một chiếc tàu ngầm có thể đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ được yêu cầu đang vượt quá khả năng của Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ngay đến Australia cũng gặp rất nhiều khó khăn lớn khi đóng tàu ngầm diesel-điện lớp Colin, thậm chí khi đã hoàn thiện, chúng vẫn có vô số vấn đề.
Theo tôi, những lời giới thiệu về tàu ngầm Yết Kiêu đã bị thổi phồng, nếu không muốn nói là phi thực tế".
Chiến thuật bầy sói
Bên cạnh việc chế tạo tàu ngầm, ông Trân còn tiết lộ, mình đang nghiên cứu một modul tiếp vận trên biển, giúp tàu ngầm có thể hoạt động cách xa căn cứ mẹ khoảng 1.000km mà không gặp khó khăn, trở ngại gì về việc thiếu nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm….
Kinh phí để nghiên cứu modul này sẽ được trích ra từ số tiền thừa kế của ông.
Ông Trân chia sẻ, tàu ngầm của ông đáp ứng được hai yếu tố: Rẻ và mạnh. Hạm đội tàu ngầm như vậy khi hoàn thiện sẽ mạnh ngang với Hạm đội 7 của Mỹ.
Về chiến thuật tác chiến, ông Trân cho biết sẽ sử dụng "chiến thuật bầy sói" để tiêu diệt tàu chiến của đối phương.
Chiến thuật này từng được các tàu ngầm U-boat của Đức sử dụng trong Trận chiến Đại Tây Dương (1939-1945) hay các tàu ngầm Mỹ khi đối phó với tàu chiến Nhật tại Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
Nhận định về "chiến thuật bầy sói" mà ông Trân đưa ra, Giáo sư Thayer cho rằng:
"Loại tàu ngầm như mô tả quá nhỏ để có thể mang theo ngư lôi hạng nặng đủ khả năng làm tổn hại một chiếc tàu khu trục, khinh hạm hay tàu hộ tống chủ lực của đối phương. Con tàu sẽ có tầm hoạt động cực kỳ hạn chế và chỉ có thể lặn xuống trong một thời gian ngắn.
Các tàu ngầm lớp Kilo được cải tiến của Việt Nam có thể hoạt động hiệu quả theo nhóm. Tuy nhiên, cần nhớ lại rằng các tàu ngầm theo chiến thuật "bầy sói" của Đức chỉ phóng được ngư lôi và chúng phải tiếp cận tương đối gần với các mục tiêu.
Trong khi đó, tàu ngầm hiện đại vừa có thể mang ngư lôi hạng nặng, lại vừa được trang bị các tên lửa hành trình chống tàu có thể phóng khi tàu đang lặn. Chúng có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lớn hơn. Tàu ngầm Yết Kiêu sẽ thiếu những khả năng này".
Tương lai tàu chiến "Made in Việt Nam"
Nói về những khó khăn và triển vọng trong việc tự chế tạo tàu chiến ở Việt Nam, Giáo sư Thayer nhận định:
"Các xưởng đóng tàu của Việt Nam đang từng bước chế tạo các tàu chiến với kích cỡ lớn hơn và tinh vi hơn, phù hợp với yêu cầu tác chiến của Hải quân và Cảnh sát biển Việt Nam.
Việt Nam đã phải trì hoãn kế hoạch đóng các khinh hạm cỡ lớn nhưng lại có được kinh nghiệm thông qua việc lắp ráp các thiết bị, phụ tùng do Nga cung cấp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tự đóng tàu pháo dựa trên các thiết kế của Nga. Việt Nam đã chế tạo thành công tàu pháo TT-400TP và đóng nhiều tàu có lượng giãn nước 2.000 tấn.
Sẽ mất một khoảng thời gian để Việt Nam có thể làm chủ công nghệ đóng tàu nhưng Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm khi tham gia đóng các tàu hộ tống tàng hình lớp SIGMA tại Việt Nam.
Cách hiệu quả nhất để có được kinh nghiệm trong lĩnh vực này là thông qua chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất".
(Còn tiếp...)
- Gặp người VN làm "tàu ngầm tàng hình, tốc độ hơn tàu khu trục"
- Ông Trân: Họ bảo tàu ngầm của tôi "không biết có nổi được không?"
- Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7
- Ông Phan Bội Trân: 6 tháng có thể làm được 1.000 chiếc tàu ngầm
- [Cận cảnh] Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có gì đặc biệt?