Điều nguy hiểm nào chờ đợi thủy thủ trong tàu ngầm của ông Trân?

Lý Minh Sơn |

Chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân vẫn để nước lọt vào bên trong, ướt đến ngang bụng thủy thủ.

Trong những kỳ trước, chúng tôi đã đăng tải video ghi lại cuộc thử nghiệm tàu ngầm mini Yết Kiêu tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Hải quân. Người trực tiếp thử nghiệm chiếc tàu chính là "cha đẻ" của con tàu: Ông Phan Bội Trân.

Tư liệu này cung cấp nhiều thông tin khá thú vị về con tàu, như cách lắp ráp, chuẩn bị cho tàu xuống nước; cách người điều khiển ra/vào tàu; hoạt động của tàu khi ở chế độ nổi và lặn...

Cũng từ những thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Văn Đức Bình - Viện đóng tàu Quân sự.

TS. Văn Đức Bình cho biết, bản thân ông đã xem video quay lại buổi thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu và cũng đã gặp trực tiếp ông Phan Bội Trân.

Vị chuyên gia này cho hay, sau khi xem video ghi lại cuộc thử nghiệm, ông thấy "có một số vấn đề".

Video thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu 1

Thứ nhất là để vào chiếc tàu đó, người thủy thủ chui vào từ phía dưới. Điều này đồng nghĩa với việc, để vào tàu thì thủy thủ phải nâng tàu lên cao, sau đó chui vào và phải có cả một hệ thống nâng lên và chuyển ra biển.

Và điều bất tiện nhất là khi đã chui vào tàu, nếu không đưa tàu lên trên cạn và nâng cao lên thì người thủy thủ không thể chui ra ngoài. Thế nên, nếu làm cửa tàu ở trên thì sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Thứ hai là tư thế ngồi không được thoải mái lắm khi người lái tàu cứ phải duỗi 2 chân về phía trước. Điều này không có lợi cho việc điều khiển tàu khi đi xa.

Thứ ba là yếu tố kín nước. Về điều này chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân chưa thành công khi vẫn để nước vào trong và ướt đến ngang bụng.

Bởi tàu kín nên nước chỉ rò vào trong tàu qua cửa tàu mà không thể choán toàn bộ thể tích của khoang tàu bên trong. Do đó, còn một khoảng không khí để thủy thủ thở.

Nhưng như vậy cũng không khiến chiếc tàu ngầm đi xa, chưa kể, nếu lặn xuống sâu, áp suất nước lớn sẽ ép không khí trong khoang tàu, khiến thủy thủ có thể bị áp suất không khí rất lớn tác động đến đầu và họ sẽ không thở được, gây nguy hiểm.

Nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu-Viện Kỹ thuật Hải Quân
Đại tá Bùi Sỹ Tạo
Để tàu ngầm lặn được, nổi được, an toàn cho người thủy thủ thì phải qua rất nhiều khâu thiết kế với các cơ quan thiết kế riêng. Hiện nay, ở Việt Nam, mới chỉ có Viện Kỹ thuật Hải quân làm việc này và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm.

Thứ tư là hệ thống quan sát. Chỉ với 2 tấm kính nhỏ (chưa biết độ dày của kính), tầm quan sát của thủy thủ sẽ rất hạn chế.

Cũng không biết chiếc kính tiềm vọng - một thiết bị cực kỳ quan trọng đối với một chiếc tàu ngầm có hoạt động hiệu quả hay không.

Kính tiềm vọng để quan sát khi tàu di chuyển

Hình ảnh kính tiềm vọng của tàu ngầm Yết Kiêu.

Thứ năm là khả năng cân bằng của chiếc tàu. Thử nghiệm ở hồ không có sóng thì như vậy, nhưng nếu đưa ra biển thì chưa biết được chiếc tàu đó sẽ hoạt động như thế nào.

Cuối cùng là hệ thống truyền thông tin của tàu ngầm. Với một chiếc tàu ngầm đơn giản như thế, việc truyền thông tin có thể sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Về ý tưởng dùng vật liệu composite cốt sợi thủy tinh làm vỏ tàu, TS. Văn Đức Bình cho hay: “Tôi cũng đã vào xưởng chế tạo của ông Trân. Ông Trân đúc vỏ tàu bằng khuôn theo công nghệ thô sơ nên tôi nghĩ rằng khó có thể có được vật liệu làm vỏ chắc chắn.

Tôi chưa thấy ai sử dụng vật liệu composite làm vỏ tàu ngầm bao giờ.

Bình thường, các công ty chế tạo tàu ngầm thường dùng vỏ thép cường lực được thiết kế đặc biệt. Khi thử nghiệm các tàu ngầm với vỏ bằng thép chỉ cần lặn đến 50 mét nước, nếu để một hộp thịt hộp bên ngoài tàu thì thấy bị bẹp.

Điều đó cho thấy lớp vỏ mà không được làm bằng vật liệu chắc chắn thì rất khó có thể có những bước tiến tiếp theo trong quá trình chế tạo tàu ngầm.

Đối với môt chiếc tàu ngầm được chế tạo với vỏ thép cường lực, dù lặn sâu 50 mét hay 100 mét thì vẫn có khả năng chịu được nhưng nó bị tác động bởi một áp lực rất lớn tạo nên ứng sức mỏi trong cấu trúc vật liệu làm lớp vỏ.

Chính vì thế, một chiếc tàu ngầm hoạt động khoảng 5 năm thì giá trị của tàu đó chỉ còn một nửa. Điều đó cho thấy lớp vỏ quan trọng như thế nào.

Còn việc để tàu có thể mang được vũ khí thì còn một khoảng cách xa bởi, một quả ngư lôi đã dài khoảng 5 mét và nặng đến 2 tấn, chưa kể đến hệ thống máy bắn và hệ thống điều khiển”.

Trước việc có ý kiến cho rằng với những người tiên phong chế tạo tàu ngầm ở Việt Nam như ông Phan Bội Trân và ông Nguyễn Quốc Hòa (chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01 ở Thái Bình) không được quan tâm, hỗ trợ, TS. Văn Đức Bình cho rằng:

Việc giúp đỡ là rất khó bởi ở Việt Nam, không mấy người có kiến thức về chế tạo tàu ngầm. Còn về việc hỗ trợ tiền thì đó phải là một dự án chắc chắn thành công thì mới được đầu tư”.

Theo nhận xét của TS. Văn Đức Bình: “Chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân còn nhiều điểm nên xem xét thêm.

Cụ thể, thứ nhất là cần phải xem xét về vấn đề vật liệu. Đó là loại vật liệu chưa thấy được dùng trên các tàu ngầm. Và để đánh giá được tàu ngầm thì phải có bản thiết kế chế tạo và những tính toán về cân bằng ổn định, tính chịu sóng, sức cản, tính đi biển, tính ăn lái…

Thứ hai là những yếu tố để đảm bảo về an ninh, tính mạng cho thủy thủ bên trong. Và cuối cùng, theo tôi, để có được những sản phẩm được đánh giá cao thì nên tham khảo thiết kế của nước ngoài - những nước chuyên chế tạo tàu ngầm”.

(Còn tiếp...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại