Khi nói về chiếc tàu ngầm của mình, một trong những điều mà ông Phan Bội Trân tâm đắc nhất là vỏ tàu được làm bằng composite, một loại vật liệu mà theo ông là có rất nhiều ưu điểm: Rẻ tiền, trong suốt với radar, và nhẹ (giúp tàu đạt tới tốc độ 50 hải lý/h)
Nhưng liệu điều đó có gây ấn tượng với các chuyên gia kỹ thuật quân sự Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi của chúng tôi với Đại tá Bùi Sỹ Tạo - Nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân.
PV: Thưa Đại tá, thời gian qua, dư luận khá quan tâm đến việc ông Phan Bội Trân chế tạo một chiếc tàu ngầm mini với vỏ tàu bằng composite nền nhựa, cốt sợi thủy tinh, cũng như việc ông khẳng định quyết tâm chế tạo tàu ngầm hoàn toàn với điều kiện Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về ý tưởng, quyết tâm chế tạo tàu ngầm mini với loại vỏ đặc biệt như thế?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Tôi rất ấn tượng với ý tưởng sử dụng những nguyên vật liệu do Việt Nam có thể sản xuất để tạo ra một chiếc tàu ngầm 100% “Made in Vietnam” của anh Phan Bội Trân.
Tôi được biết, bên Pháp, anh Trân có tham gia vào chương trình chế tạo tàu ngầm mini cho Trung Quốc với khả năng xuống đến độ sâu hơn 5km để có thể cắm cờ dưới lòng biển.
Để tàu ngầm lặn được, nổi được, an toàn cho người thủy thủ thì phải qua rất nhiều khâu thiết kế với các cơ quan thiết kế riêng. Hiện nay, ở Việt Nam, mới chỉ có Viện Kỹ thuật Hải quân làm việc này và Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm chế tạo tàu ngầm.
Tôi cũng được biết, anh Trân có tài liệu về tàu ngầm của Pháp. Nhưng tôi nghĩ rằng, vẫn còn cần nhiều tài liệu nữa thì mới đủ thông tin để chế tạo một chiếc tàu ngầm hiện đại và tất nhiên, các tài liệu này mình phải bỏ tiền ra để mua bản quyền.
Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, nếu anh Trân làm chiếc tàu ngầm thế hệ thứ hai thì phải có nhiều người tham gia để có thể phát huy được nhiều điểm tốt từ ý tưởng của anh ấy, đặc biệt là khâu thiết kế và kiểm tra của đăng kiểm về thiết kế và vật liệu.
Đại tá Bùi Sỹ Tạo - Nguyên Trưởng phòng Vỏ tàu thuộc Viện Kỹ thuật Hải quân.
PV: Thưa Đại tá, ông nhận định như thế nào về việc ông Phan Bội Trân quyết định sử dụng vật liệu composite nền nhựa, cốt sợi thủy tinh? Có ý kiến cho rằng vật liệu nhựa thì khó có thể bền trong môi trường nước biển?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Vật liệu composite chịu được nước biển. Sắt và nhôm bền nhất là do các lớp oxit bảo vệ. Nhưng nếu bị rách lớp oxit, kim loại đó rất dễ bị phá hủy trong môi trường nước biển.
Composite khắc phục được những điểm yếu của kim loại sắt và nhôm, chịu được mặn. Độ bền cũng được.
Hiện nay có rất nhiều loại vật liệu composite trong đó có loại composite sandwich (có 3 lớp, lớp cốt vật liệu được kẹp giữa 2 lớp) mà tôi đã sử dụng để chế tạo xuồng Hải quân CQ.
Tuy nhiên, tôi được biết, chiếc tàu ngầm của anh Trân mới chỉ được thử nghiệm trong bể, không có vấn đề gì. Còn ở biển, vì sóng 4 phương, 8 hướng nên còn phải tính toán nhiều hơn để có thể chịu được sóng biển cũng như những dòng nước, độ sâu…
Vỏ tàu ngầm Yết Kiêu được làm bằng vật liệu composite.
PV: Chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân chưa thể đưa vào chiến đấu bởi còn thiếu nhiều thứ và còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhưng thưa Đại tá, đó hẳn là một sản phẩm thú vị không chỉ với giới quân sự…?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Chiếc tàu ngầm mini của ông Phan Bội Trân có thể dùng cho Hải quân đào tạo thủy thủ và tập luyện trong thực tế. Thứ hai là nó có thể được sử dụng để kiểm tra các chân giàn khoan hoặc phục vụ cho ngành du lịch lặn biển.
Còn vấn đề như nhiều người lo ngại khi không mấy người dám lặn thử thì tôi cho rằng đó là do nhiều người nghĩ chiếc tàu ngầm đó không có bản thiết kế và chưa có cơ quan đăng kiểm kiểm tra chất lượng mà chỉ dựa trên kinh nghiệm chế tạo.
Và có lẽ đó là điểm yếu lớn nhất về mặt thiết kế của chiếc tàu ngầm mini đầu tiên mà anh Trân chế tạo.
PV: Còn về khả năng lặn sâu của tàu ngầm mini, ông Phan Bội Trân nói rằng chiếc tàu ngầm do ông chế tạo có khả năng lặn sâu 70 mét. Với sự hiểu biết về vỏ tàu ngầm, xin Đại tá có thể chia sẻ những khó khăn khi chiếc tàu ngầm lặn đến độ sâu đó dưới biển?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Việc tàu ngầm của anh Phan Bội Trân có lặn được sâu 70 mét hay không thì phải qua tính toán độ bền vật liệu và sau cùng là phải có thử nghiệm thì mới có thể xác định cụ thể được.
Nếu chế tạo tàu ngầm, tôi sẽ dùng loại vỏ composite dạng sandwich với cốt là lớp nhựa dẻo hoặc cốt nhôm được tạo ra dưới dạng tổ ong. Còn 2 bên thì là các vải sợi thủy tinh làm từ đá bazan.
Tại các xưởng của Hải quân đã sử dụng loại vật liệu này để làm xuồng CQ (xuồng Cá mập). Đưa ra Trường Sa từ năm 2005 đến giờ nhưng chưa có chiếc nào phải đưa về đất liền để sửa.
PV: Giá thành và ưu điểm của loại vật liệu này như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Hiện nay có hai nơi sản xuất chính vật liệu này là Nga và Úc. Việt Nam chưa sản xuất được. Giá thành của loại vật liệu này gấp 1,5 lần giá của nhôm và gấp đôi giá sắt.
Nếu tàu ngầm bằng sắt thì hàng năm phải kéo lên sơn, tốn kém. Với vật liệu bằng nhôm cũng vậy.
Còn nếu làm bằng vật liệu composite thì sơn được pha trong dung môi ở quá trình chế tạo vỏ nên nó sẽ bền hàng chục năm. Nếu tính cho cả quá trình sử dụng thì mức giá thành vật liệu vỏ làm bằng composite dạng sandwich không phải là đắt.
PV: Còn về tốc độ của chiếc tàu ngầm, theo ông Phan Bội Trân, với ưu điểm là nhẹ nên chiếc tàu ngầm mini của ông có thể chạy với tốc độ tới 50 hải lý/h. Là người từng công tác trong Hải quân, theo ông, tốc độ này có phải là vượt sức tưởng tượng không?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Đúng là vượt sức tưởng tượng. Tốc độ đó tương đương gần 100 km/h. Tốc độ này đối với một chiếc tàu chạy trên mặt nước cũng đã là rất khó chứ chưa nói đến là tàu ngầm.
Những chiếc tàu ngầm hiện nay chạy nhanh cũng chỉ được 20 - 30 hải lý/h chứ đạt đến con số 50 là chưa có. Và thường tàu ngầm mà chạy nổi thì chậm hơn là chạy khi chìm. Trong cuộc đời của tôi chưa gặp chiếc tàu ngầm nào có thể chạy với tốc độ 50 hải lý/h.
Theo Đại tá Đào Sỹ Tạo, tốc độ 50 hải lý/h của tàu ngầm mini là "vượt sức tưởng tượng". (Trong ảnh: Tàu ngầm Yết Kiêu 1 của ông Phan Bội Trân trong lần thử nghiệm vào năm 2010).
PV: Thưa Đại tá, ông có cho rằng với 10.000 USD có thể chế tạo vỏ cho một hạm đội tàu ngầm?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: 10.000 USD tương đương hơn 200 triệu đồng. Điều này quá khó bởi như vật liệu chúng tôi sử dụng, lớp ngoài của vật liệu cũng đã hơn 1 triệu/mét vuông.
Mà một chiếc tàu ngầm thì có diện tích đến hàng chục mét vuông nên với 10.000 USD để chế tạo vỏ cho một hạm đội tàu ngầm e rằng quá khó.
Còn nếu sử dụng loại vật liệu rẻ tiền hơn nhiều thì khi đó, vấn đề được quan tâm nhất lúc ấy lại là khả năng chịu nén của vật liệu ấy khi tàu ngầm lặn sâu xuống.
PV: Nếu ở vào vị trí của ông Phan Bội Trân thì ông sẽ làm như thế nào?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Để biến ý tưởng thành hiện thực thì cần một quá trình trong đó phải kết hợp với các cơ quan có khả năng để có thể thiết kế, đăng kiểm thiết kế và giám sát thi công. Đó là 3 giai đoạn quan trọng nhất để tạo ra một sản phẩm.
Không một cá nhân nào có thể một mình tạo ra một chiếc tàu ngầm hoàn hảo mà phải cần đến nhiều người. Ý tưởng của anh Phan Bội Trân là rất hay và đó là một người giỏi nhưng làm sao có thể thông thạo hết tất cả các lĩnh vực trong hàng hải.
Chính vì thế, để có thể tạo ra một sản phẩm thành công và hoạt động tốt thì nên kết hợp với nhiều cơ quan chức năng để thiết kế và thi công.
Khi ra ngoài biển, còn rất nhiều yếu tố tự nhiên tác động như sóng, nước biển, tác động của các dòng chảy ngầm lên thân tàu…
Đặc biệt là khả năng chịu áp lực khi cứ xuống sâu 10 mét thì áp suất tăng thêm 1 atmosphere, tương đương sức nặng của 1 tấn. Tôi rất quan tâm đến cái cửa và gioăng cửa. Nếu gioăng không đảm bảo thì đến độ sâu nào đó, có thể nước sẽ lọt vào trong tàu.
Ngoài ra, còn các thiết bị điện tử khác trong tàu và chiếc ắcquy, vấn đề khi tác chiến, vũ khí...
PV: Thưa Đại tá, với các tính năng nhẹ, rẻ, tốc độ cao, cha đẻ tàu ngầm Yết Kiêu cho rằng chiến thuật khi chiến đấu với mục tiêu là chiến thuật “bầy sói”: Nhiều tàu ngầm nhỏ bao vây, tấn công, tiêu diệt một mục tiêu lớn.
Ông đánh giá như thế nào về chiến thuật này đối với tàu ngầm khi ông Phan Bội Trân cho biết tàu ngầm mini nếu được trang bị vũ khí thì sẽ sử dụng ngư lôi?
Đại tá Bùi Sỹ Tạo: Trong chiến tranh hiện đại, nếu là mục tiêu cố định thì độ chính xác khi tấn công là rất cao. Nhưng nếu là mục tiêu di động và trên biển hoặc ngầm trong nước thì độ chính xác sẽ giảm đi.
Ngư lôi hiện nay có 3 loại: Loại thứ nhất là tìm nhiệt (cứ vật nào phát ra nhiệt thì lao vào), loại thứ 2 là tiếng ồn (cứ vật nào phát ra tiếng ồn thì lao vào) và loại thứ 3 là ngư lôi cảm ứng kim loại.
Nếu như nhiều tàu ngầm cùng bao vây một chiếc tàu khu trục và có thể cùng tấn công thì sẽ rối đội hình. Chưa biết chừng, mục tiêu của ngư lôi từ tàu ngầm lại không phải là tàu khu trục mục tiêu mà lại là tàu ngầm đồng đội.
Bởi tàu ngầm hoạt động thì phát ra tiếng ồn (tiếng ồn nào gần nhất thì ngư lôi lao vào), chân vịt vẫn quay… Chiến thuật bầy sói thường sử dụng cho các xuồng mặt nước nhiều hơn.
Tuy nhiên, khi bạn nhắc đến chiến thuật bầy sói và tàu ngầm mini có trang bị ngư lôi, tôi lại nghĩ đến việc nếu sử dụng trong hải quân thì sẽ trang bị loại tàu ngầm này ở các đảo.
Nếu có mục tiêu tấn công đảo thì tàu ngầm sẽ hoạt động và tấn công. Khi đó, có thể hiệu quả của tàu ngầm sẽ cao hơn rất nhiều.
Xin trân trọng cảm ơn Đại tá đã trả lời phỏng vấn!
(Còn tiếp...)
** Mọi ý kiến, phản hồi, đóng góp, xin vui lòng nhập vào ô Bình luận bên dưới bài viết. Trân trọng!
- Gặp người VN làm "tàu ngầm tàng hình, tốc độ hơn tàu khu trục"
- Ông Trân: Họ bảo tàu ngầm của tôi "không biết có nổi được không?"
- Ông Phan Bội Trân: Hạm đội tàu ngầm của mình sẽ ngang Hạm đội 7
- Ông Phan Bội Trân: 6 tháng có thể làm được 1.000 chiếc tàu ngầm
- [Cận cảnh] Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân có gì đặc biệt?