Tàu ngầm "Made in Việt Nam": PGS.TS Lê Hồng Bang lên tiếng

Nguyễn Huệ |

PGS.TS Lê Hồng Bang, trưởng khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng hải Việt Nam trả lời câu hỏi về khả năng, triển vọng đóng tàu ngầm ở Việt Nam.

Trong các cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Bội Trân đã cung cấp nhiều thông tin ấn tượng về dự án tàu ngầm của mình, ví dụ như với 10.000 USD, có thể chế tạo được vỏ cho một hạm đội tàu ngầm.

Các chuyên gia trong ngành đóng tàu Việt Nam đánh giá như thế nào về những thông tin này, cũng như triển vọng thực tế của dự án mà ông Trân đang xây dựng?

Hãy cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Lê Hồng Bang, trưởng khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

PV: Thưa Phó giáo sư, theo tính toán của ông Trân, với 10.000 USD có thể chế tạo vỏ tàu ngầm cho một hạm đội. Ông đánh giá thế nào về khẳng định này?

PGS. TS Lê Hồng Bang: Vật liệu chế tạo vỏ tàu, khả năng tàng hình, tốc độ chuyển động chưa phải là đặc trưng kỹ thuật quan trọng của thiết bị lặn nói chung và tàu ngầm nói riêng.

Chỉ tiêu kỹ thuật quan trọng bậc nhất của tàu ngầm là độ sâu lặn tối đa, thời gian lặn và khả năng di chuyển đúng hướng ở chế độ lặn. 

Khái niệm “hạm đội tàu ngầm” là như thế nào? Hạm đội có bao nhiêu chiếc? Thông số kỹ thuật và tính năng của chúng ra sao?

Theo tôi, giá thành chế tạo vỏ tàu ngầm mini bằng vật liệu composite phụ thuộc rất nhiều vào độ sâu làm việc. Tàu lặn càng sâu, áp lực tác dụng lên thân tàu càng lớn, đòi hỏi kết cấu của tàu phải đạt độ bền một cách tương ứng.

Như vậy vấn đề đặt ra là có 10.000 USD sẽ chế tạo được vỏ một “hạm đội tàu ngầm” là có thể, nhưng có lẽ chỉ phù hợp cho “hạm đội tàu" có kích thước nhỏ, độ sâu lặn cũng rất nhỏ.

 
PGS. TS Lê Hồng Bang
Trưởng khoa Đóng tàu, trường Đại học Hàng Hải Việt Nam

PV: Thưa ông, vì sao ở Việt Nam, dư luận chỉ nghe nhắc nhiều đến các dự án sản xuất tàu ngầm của tư nhân như tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu ngầm của ông Phan Bội Trân mà không thấy các cơ quan, tổ chức Nhà nước chế tạo tàu ngầm?

Liệu có một dự án nào tương tự của Nhà nước mà người dân chưa được biết?

PGS. TS Lê Hồng BangNếu chỉ chế tạo tàu ngầm hoặc phương tiện lặn để phục vụ tham quan, du lịch đáy biển thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng do tổ hợp ắcquy cung cấp là loại tàu ngầm truyền thống. Việt Nam đã và đang có loại tàu này.

Còn loại tàu ngầm như dự án thí nghiệm của kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa thực hiện thì Việt Nam chưa thành công trong nghiên cứu thiết kế thử nghiệm.

Bởi lẽ, công nghệ “khí tuần hoàn độc lập” cung cấp cho động cơ diesel lắp trong tàu ngầm là công nghệ rất phức tạp. Phức tạp đến mức trên thế giới chỉ có một số nước làm chủ được.

Ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu ngầm Trường Sa 01 thử nghiệm tại cửa biển ngày 30/5/2014
Ông Nguyễn Quốc Hòa và tàu ngầm Trường Sa 01 thử nghiệm tại cửa biển ngày 30/5/2014

Nếu dự án của ông Nguyễn Quốc Hòa thử nghiệm thành công công nghệ này thì đây sẽ là một bước tiến lớn mở ra khả năng Việt Nam hoàn toàn đóng được tàu ngầm phục vụ mục đích quân sự trong tương lai.

Từ đó cho thấy, chủ trương đầu tư nghiên cứu thiết kế, chế tạo tàu ngầm phục vụ mục đích quân sự đã và đang được Bộ Quốc phòng Việt Nam cân nhắc.

Các Viện và Trung tâm nghiên cứu thiết kế tàu thủy ở Việt Nam sẽ thực hiện nó khi có đặt hàng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng.

PV: Nếu ông Phan Bội Trân muốn mời Phó giáo sư hoặc chuyên gia của Đại học Hàng hải tham gia tư vấn, thiết kế tàu ngầm, ông có nhận lời không?

Và nếu ông Trân muốn mời Phó giáo sư đi thử tàu ngầm do mình chế tạo, ông có sẵn sàng không?

Doanh nghiệp Việt Nam “để mắt” đến tàu ngầm Yết Kiêu 1

Tàu ngầm mini Yết Kiêu chạy thử năm 2010

PGS. TS Lê Hồng Bang: Các chuyên gia thiết kế tàu thủy và công trình ngoài khơi của Đại học Hàng hải Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các tổ chức và cá nhân về lĩnh vực này.

Giả sử ông Phan Bội Trân mời tôi với tư cách chuyên gia đi thử tàu ngầm do ông ấy chế tạo thì tôi cần biết rõ con tàu đã có giấy phép cho thử của cơ quan chức năng chưa; kết quả thử nghiệm tại xưởng ra sao; mức độ an toàn về con người và môi trường có đảm bảo không.

Khi có tất cả những thông tin đó, tôi sẽ trả lời là có chấp nhận tham gia hay không.

PV: Phó giáo sư đánh giá như thế nào về trình độ của Việt Nam hiện tại trong lĩnh vực chế tạo ngầm?

PGS. TS Lê Hồng Bang: Nếu có đầu tư phù hợp với định hướng nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế các phương tiện phục vụ quân sự như tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu tên lửa... thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ kỹ thuật và công nghệ về lĩnh vực nêu trên.

Còn hiện tại, chúng ta đã đóng được tàu pháo hiện đại, tàu tên lửa theo công nghệ Liên bang Nga...

Chúng ta cũng đã chế tạo được thiết bị lặn 34 mét nước phục vụ tham quan đáy biển (đây là thiết bị lặn trang bị hiện đại do KS. Trần Kế Đạt làm chủ nhiệm đề tài với giá thành khá lớn chứ không như dự toán đóng tàu ngầm của ông Trân).

PV: Phó giáo sư có lời khuyên nào cho ông Phan Bội Trân trong việc chế tạo tàu ngầm không?

PGS. TS Lê Hồng Bang: Tôi không có lời khuyên nào dành cho ông Phan Bội Trân về vấn đề trên.

Tôi cho rằng ông Trân là doanh nhân, là con người có kiến thức lý thuyết và thực tiễn về ngành đóng tàu nên ông ấy biết rõ khả năng của mình và hiệu quả của các dự án do mình tự thực hiện.

Tôi nghĩ là ông Trân sẽ thành công vì dự án tàu ngầm mini của ông Trân không phức tạp như dự án của ông Hòa (áp dụng công nghệ tuần hoàn khí độc lập).

PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

(Còn tiếp...)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại