5 vũ khí chiến tranh đáng gờm nhất của châu Âu

Vy Lam |

Theo The National Interest, mặc dù các nước châu Âu không còn là những cường quốc quân sự nhưng quân đội của họ vẫn có trong tay nhiều loại khí tài uy lực.

Dưới đây là 5 loại vũ khí mạnh nhất của châu Âu do tạp chí The National Interest (Mỹ) bình chọn:

Tiêm kích Eurofighter Typhoon

Eurofighter Typhoon là sản phẩm do Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha hợp tác phát triển. Đây là mẫu chiến đấu cơ đa nhiệm, có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ.

Được đưa vào hoạt động từ năm 2003, Eurofighter hứa hẹn sẽ tiếp tục là chiến đấu cơ chủ lực của quân đội nhiều nước trong và ngoài châu Âu cho tới những năm 2040.

Động cơ turbofan EJ200 giúp Eurofighter có bán kính tác chiến lên tới 1.389 km và có thể đạt tốc độ tới 2.125 km/h.

Tính năng “siêu hành trình” đặc biệt cho phép chiếc máy bay duy trì tốc độ trên Mach 1 mà không cần sử dụng động cơ đốt sau.

Mặc dù Eurofighter là máy bay chiến đấu thế hệ 4 nhưng nó lại có một vài tính năng của tiêm kích thế hệ 5, như “tàng hình”.

Chẳng hạn, Eurofighter có diện tích phản xạ radar nhỏ và thiết kế giúp giảm độ bộc lộ radar.

Do Eurofighter mang nhiều vũ khí bên ngoài thân nên công nghệ tàng hình của nó không được tiên tiến như các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Tuy nhiên, những đặc tính này giúp Eurofighter vượt trội hơn so với các mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4 khác vẫn còn hoạt động tới ngày nay.

RSAF Typhoon at Malta - Gordon Zammit.jpg

Eurofighter có 13 mấu cứng để treo vũ khí. Nó được trang bị để thực hiện các nhiệm vụ tấn công không đối không và tấn công mặt đất.

Các máy bay Eurofighter có thể mang tên lửa không đối không có điều khiển ngoài tầm nhìn (BVRAAM) và tên lửa không đối không tầm ngắn (SRAAM).

Đối với nhiệm vụ tấn công mặt đất, Eurofighter có thể mang bom dẫn đường bằng laser EGBU-16 và các hệ thống xuyên giáp tiên tiến.

Tốc độ và tính linh hoạt của Eurofighter khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn đối với nhiều quốc gia trong và ngoài châu Âu.

Ngoài 4 quốc gia đầu tư cho dự án Eurofighter, mẫu máy bay này đã được đưa vào biên chế Không quân Áo, Saudi Arabia.

Chính phủ một số quốc gia khác cũng đang cân nhắc mua các chiến đấu cơ Eurofighter.

Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth

Hải quân Hoàng gia Anh từng thống trị các đại dương trên thế giới.

Mặc dù ngày nay, Hải quân Mỹ đã làm lu mờ sức mạnh của họ nhưng Anh vẫn là một trong 3 lực lượng hải quân viễn dương duy nhất trên thế giới.

London gần đây đã loại biên các tàu sân bay lớp Invincible, thay thế cho vị trí của chúng sẽ là các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth.

HMS Queen Elizabeth, chiếc đầu tiên thuộc lớp này, dự kiến được bàn giao vào năm 2016 và bắt đầu đi vào hoạt động năm 2020.

Chiếc thứ 2 mang tên HMS Prince of Wales vẫn đang trong quá trình chế tạo.

HMS Queen Elizabeth in Rosyth Dockyard MOD 45158230.jpg

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth

Các tàu lớp Queen Elizabeth sẽ lớn hơn đáng kể so với các mẫu tàu sân bay trước đây của Anh. Mỗi tàu có lượng giãn nước 70.600 tấn và dài 283m.

2 động cơ turbine khí Rolls Royce MT30 và 4 máy phát điện diesel cho phép tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales có thể đạt tốc độ tới 25 hải lý/h.

Các tàu sân bay mới của Anh được chế tạo để hỗ trợ các phương tiện ứng dụng công nghệ hàng không quân sự tiên tiến nhất, trong đó có 50 trực thăng và máy bay có cánh cố định.

Tàu sân bay lớp Queen Elizabeth có thể mang tới 36 máy bay chiến đấu F-35B với khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng.

Trong tương lai, những con tàu này còn có thể hỗ trợ các hoạt động của biến thể hải quân F-35C.

Tàu sân bay Charles de Gaulle

Pháp, cùng với Anh và Mỹ, là 1 trong 3 quốc gia có lực lượng hải quân viễn dương.

Hải quân Pháp triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle để bảo vệ lợi ích của Pháp trên thế giới và hỗ trợ các chiến dịch tác chiến liên minh.

Tàu Charles de Gaulle được đưa vào biên chế năm 2001.

Hải quân Pháp từng có kế hoạch đóng tàu sân bay mới, tương tự như tàu lớp Queen Elizabeth của Anh. Song, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào năm 2013.

Do đó, tàu Charles de Gaulle sẽ vẫn là một phần không thể thiếu trong các hoạt động trên biển của Paris trong nhiều năm tới.

Charles De Gaulle nuclear-powered aircraft carrier

Tàu Charles de Gaulle vận hành bởi 2 lò phản ứng hạt nhân PWR Type K15. Hệ thống này cho phép con tàu đạt tốc độ lên tới 27 hải lý/h.

Hệ thống đẩy hạt nhân được sửa chữa và hiện đại hóa năm 2007, giúp tăng khả năng hoạt động của con tàu.

Để đối phó với các loại vũ khí chống tàu từ máy bay đối phương, tàu Charles de Gaulle được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không đặc biệt do Eurosam phát triển.

Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo chống ngư lôi do Euroslat thiết kế giúp con tàu tránh được những mối đe dọa dưới nước.

Tàu Charles de Gaulle có thể vận hành các tiêm kích hạm Dassault Rafale tiên tiến nhất của Pháp.

Phiên bản hải quân Rafale M có tầm hoạt động lên tới 3.340km, giúp mở rộng đáng kể phạm vi tiếp cận của tàu Charles de Gaulle.

Charles de Gaulle có thể mang theo 40 tiêm kích Rafale M, cùng các máy bay chiến đấu Dassault-Breguet Super Étendard và máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye.

Những khả năng này giúp tàu Charles de Gaulle trở nên hữu ích trong một loạt các nhiệm vụ.

Tiêm kích F-35 Joint Strike Fighter (JSF)

Mặc dù Mỹ khởi xướng chương trình phát triển tiêm kích F-35 của Lockeed Martin nhưng dự án này cũng nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Ý, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy.

Mỗi quốc gia trong số này sẽ sớm trang bị các biến thể của F-35. Đây sẽ là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên mà quân đội châu Âu triển khai.

Đông cơ Pratt & Whitney F-135 cho phép F-35 đạt tốc độ tối đa Mach 1.6 và có bán kính tác chiến trên 1.100km.

F-35 là máy bay chiến đấu ứng dụng công nghệ tàng hình giúp giảm độ bộc lộ radar, cho phép nó khó bị phát hiện hơn các tiêm kích Eurofighter Typhoon.

F-35 có thể mang vũ khí trong hoặc ngoài thân, điều này giúp cải thiện đáng kể khả năng tàng hình và khí động lực học của máy bay.

F-35 có nhiều biến thể, cho phép các quân đội châu Âu có nhiều lựa chọn để thực hiện một loạt các nhiệm vụ.

Phiên bản hải quân F-35C được thiết kế để vận hành từ tàu sân bay. Trong khi đó, phiên bản F-35B có thể hỗ trợ các hoạt động của hải quân và các nhiệm vụ đặc biệt khác nhờ khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng.

F-35 trang bị nhiều loại vũ khí không đối không, trong đó có tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120 và pháo GAU-22/A 25mm.

Bên cạnh đó, bom dẫn đường bằng laser Paveway IV và các loại bom đường kính nhỏ sẽ cho phép F-35 tấn công các mục tiêu mặt đất.

Bất chấp những tranh cãi và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, F-35 hứa hẹn sẽ trở thành chiến đấu cơ chủ lực trong nhiều lực lượng quân đội.

Ngoài Mỹ và châu Âu, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Nhật Bản và Israel đều có kế hoạch triển khai F-35. Ngoài ra, chính phủ một số quốc gia trên thế giới cũng đang cân nhắc mẫu máy bay này.

Tàu ngầm A26

3 thế kỷ trước, Thụy Điển là một cường quốc quân sự thống trị vùng biển Baltic.

Mặc dù đã không còn ở vị thế này nhưng Stockholm vẫn duy trì ngành công nghiệp vũ khí nội địa có uy tín và cho ra đời một loạt các sản phẩm chất lượng cao.

Thụy Điển hiện đang phát triển một mẫu tàu ngầm mới, gọi là A26, để tiếp nối lớp tàu ngầm Gotland đáng gờm.

A26 sẽ có lượng giãn nước 1.900 tấn, khả năng tàng hình, hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) Sterling cho phép con tàu hoạt động êm ái.

Dự kiến tàu ngầm A26 sẽ được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2018-2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại