Tổng thống Pháp ngày 31/7 bác bỏ tuyên bố đã đồng ý bồi thường cho Nga số tiền 1,16 tỷ Euro vì đơn phương hủy hợp đồng bán 2 tàu chiến lớp Mistral.
Theo đó, ông Francois Hollande nói thảo luận vẫn đang được tiến hành và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Điều này hoàn toàn trái ngược với nguồn tin từ cơ quan hợp tác quân sự- kỹ thuật Liên bang Nga.
Theo đó, thỏa thuận về mức bồi thường đã đạt được trong các cuộc đàm phán với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin và ông Louis Gautier, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, cũng là Tổng thư ký An ninh Quốc gia Pháp diễn ra từ mùa xuân 2015.
Theo đó, ban đầu Pháp yêu cầu trả 784,6 triệu Euro, song phía Nga đòi 1,16 tỷ Euro.
Đó là khoản thanh toán bao gồm số tiền tạm ứng là 892,2 triệu euro, bồi hoàn chi phí đào tạo thủy thủ đoàn, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phi hành đoàn, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho tàu chiến, 4 nguyên mẫu trực thăng Ka-52k.
Song đây vẫn là khoản thanh toán ít hơn so với khoản mà tổng thiệt hại mà trước đó Nga đã tính là 1,2 tỷ euro, trong đó Nga đã trả cho Pháp 800 triệu euro.
Hợp đồng mua bán tàu Mistral giữa Nga và Pháp dự kiến bàn giao vào ngày 14/11/2014 đã bị đình đốn sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, do cáo buộc Moscow đưa vũ khí hạng nặng vào đông nam Ukraine khiến lực lượng ly khai Donbass đánh cho quân chính phủ lụn bại.
Mỹ và EU đã gây sức ép lớn lên Pháp và Paris đã nhùng nhằng nước đôi chưa chịu bàn giao chiếc tàu đầu tiên cho Nga.
Một số quan chức Pháp khẳng định là, con tàu này chỉ được bàn giao với điều kiện “tình hình ở Ukraine tốt lên và Nga phải ngừng can dự vào cuộc nội chiến ở nước này”.
Phía Nga cũng khẳng định không cho phép Pháp bán con tàu cho một nước thứ 3 bởi phần đuôi tàu do Nhà máy đóng tàu Baltic của Nga đóng và trên tàu còn rất nhiều trang, thiết bị của Nga và Moscow sẽ không cho phép chúng lọt vào tay bất cứ nước nào.
Do đó, Pháp đang đứng trước quyết định khó khăn về số phận của 2 con tàu Mistral. Có rất nhiều lựa chọn cho Pháp để giải quyết vấn đề nếu vẫn muốn không giao lại cho Nga.
Nghị sĩ nước này Thierry Mariani đề xuất là nên bán lại cho EU để cứu người di tản ở Địa Trung Hải. Theo ông Mariani, EU có thể biến Mistral thành tàu bệnh viện để thực hiện công tác này.
Hai cây viết James Stavridis và Leo Michel của Tạp chí Mỹ Foreign Policy cho rằng, Pháp nên cho EU thuê lại tàu chiến này để sử dụng cho mục đích nhân đạo, đồng thời quảng cáo cho nền công nghiệp quốc phòng Pháp.
Phương án này được đánh giá là tối ưu bởi vừa giúp Pháp có được 2 tàu làm dự bị cho hải quân, vừa “gỡ gạc” lại ít kinh phí, đồng thời cũng không làm mất lòng Nga và cả công nhân các nhà máy đóng tàu của mình.
Phương án khác được ông Jacek Saryusz-Wolski, nghị sĩ Nghị viện châu Âu đưa ra là chuyển cho Ukraine quản lý 2 chiếc Mistral để nước này "có thể bảo vệ Biển Đen trước sự bành trướng thế lực của Nga".
Tuy nhiên, ý kiến này đã bị nhà nghiên cứu Nga Perekhod đánh giá là chẳng khác gì một “trò hề”.
Bán cho Trung Quốc để doanh nhân sử dụng làm khách sạn, sòng bạc nổi hoặc để học hỏi công nghệ là một phương án khác.
Song điều này sẽ gây nguy hiểm đối với cả Pháp và NATO bởi Trung Quốc với công nghệ sao chép siêu đẳng sẽ có thể có thêm một chiếc "Mistral nhái" hoàn toàn là điều có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc bán 2 chiếc Mistral đang đóng dở không dễ dàng đối với Pháp. Trong tuần trước, Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cảnh báo Paris không được phép bán 2 chiếc tàu này nếu Moscow chưa chấp thuận.