Theo hãng tin Sputnik (Nga), đã đến lúc phải thừa nhận rằng, thời đại của xe tăng đang trở lại.
Một năm trước, sự chuyển mình này vẫn chưa thực sự rõ rệt do xuất hiện những vụ việc "đáng hổ thẹn" về xe tăng, như khi lực lượng ly khai Donbass "tóm" được một xe tăng của quân đội Ukraine chỉ với chiếc xe hơi Lada Niva.
Song giờ đây, khi cả 2 phía đều dùng tới xe tăng thì việc thiết lập các "vùng cấm tăng" lại trở thành vấn đề lớn.
Dưới đây là 5 lý do khiến cho thứ vũ khí tưởng chừng đã lỗi thời trước những bước tiến trong công nghệ chế tạo tên lửa và máy bay bỗng chốc trở lại một cách mạnh mẽ:
1. Sự xuất hiện của Armata
T-14 Armata, mẫu xe tăng thế hệ mới do Nga nghiên cứu và chế tạo, đã lần đầu tiên trở thành loại vũ khí có khả năng "thay đổi cuộc chơi". Moscow cho biết đây là mẫu xe tăng hoàn toàn mới, không dựa trên những thiết kế cũ trước đây.
Xe tăng T-14 Armata
Theo chuyên gia Kukas Visingr (Séc), nếu Nga sản xuất được 2.300 chiếc Armata mà không bị ảnh hưởng bởi các khoản cắt giảm ngân sách thì có thể khiến các nước khác cân nhắc những dự án phát triển tương tự, đặc biệt là nếu Armata được xuất khẩu ra nước ngoài.
2. Hạn chế của tên lửa chống tăng
Lĩnh vực công nghệ tên lửa đã phát triển tới mức cho ra đời các hệ thống tên lửa tiên tiến như FGM-148 Javelin với cơ chế bắn - quên, cho phép người sử dụng tấn công xe tăng theo phương thức "đột nóc".
Tên lửa chống tăng Javelin
Tuy nhiên, những điểm hạn chế cố hữu của chúng, như chi phí và độ khả dụng, khiến việc sử dụng chúng trong một số điều kiện như tác chiến đô thị trở nên ngày càng khó khăn hơn.
3. Giải pháp của Israel
Trong khi các tổ hợp Iron Dome được bố trí quanh Israel để bảo vệ mạng sống của hàng triệu người dân thì các xe tăng và xe bọc thép của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) tại dải Gaza cũng có "vệ sĩ" Iron Dome của riêng mình.
Đó chính là hệ thống phòng vệ tích cực Trophy.
Hệ thống này lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 2010 và đã trang bị trên các xe tăng Merkava 4 - loại mới nhất trong lực lượng tăng thiết giáp của IDF và xe bọc thép chở quân Namer.
Xe tăng Merkava của Israel lăn bánh từ dải Gaza về địa điểm triển khai quân gần biên giới Israel và Palestine tháng 8/2014
Trang mạng globes.co.il của Israel cho biết, vào tháng 7 năm ngoái, hệ thống Trophy đã đánh chặn thành công 5 đạn rocket chống tăng nhằm vào các xe bọc thép của IDF ở dải Gaza.
Ngoài giải pháp sáng tạo bảo vệ xe tăng, Israel còn là quốc gia tiên phong phát triển các xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh mà chương trình Armata của Nga đã học hỏi.
4. Nơi xe tăng vẫn là "hàng hot"
Tại Đông Á, ngành phát triển xe tăng chưa bao giờ phải dừng lại kể từ sau những năm 1980. Năm 2014, Hàn Quốc đã ra mắt K-2 Black Panther, một trong những mẫu xe tăng đắt nhất thế giới.
Mặc dù vẫn sử dụng tháp pháo có điều khiển nhưng nó được đánh giá là tiên tiến hơn nhiều so với các xe tăng K-1 (phần lớn dựa trên mẫu M1 Abrams của Mỹ).
Xe tăng K-2 của Hàn Quốc
Nhật Bản gần đây cũng giới thiệu xe tăng mới Type 10, còn Triều Tiên tiếp tục phát triển xe tăng Pokpung-ho (lấy cảm hứng từ mẫu T-90 của Nga).
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc tập trung phát triển năng lực hàng hải nhưng các mẫu xe tăng Type 96 và Type 99 của nước này vẫn tiếp tục được nâng cấp.
5. Nhu cầu hiện đại hóa
Xe tăng trong quân đội nhiều nước trên thế giới ngày càng trở nên lỗi thời.
Nguyên nhân không chỉ bởi chúng đã già nua (M1 Abrams được sản xuất từ năm 1980) mà còn bởi vẫn còn quan niệm cho rằng, ngày nay, đối thủ chính của chúng trong một cuộc chiến tiềm năng vẫn là các xe tăng cũ tương tự.
Xe tăng M1A2 của Mỹ trong cuộc tập trận chung với Hàn Quốc năm 2013.
Tuy nhiên, sau khi Nga ra mắt xe tăng chiến đấu thế hệ mới Armata, Đức và Pháp đã nhanh chóng bắt tay phát triển mẫu xe tăng mới gọi là Leopard 3.
Mặc dù Anh không có kế hoạch tham gia vào xu hướng phát triển xe tăng nhưng có thể căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga sẽ mang lại động lực mới cho các nhà sản xuất để họ "vận động" chính phủ cho phép phát triển các mẫu xe tăng mới.