Mướp đắng (khổ qua) là loại quả có nguồn gốc ở châu Á, châu phi và một phần của khu vực Caribe. Loại quả này cũng được sử dụng làm nguyên liệu chữa bệnh rất lâu đời ở Trung Quốc và trong nên y học Ayurveda – phương pháp chữa bệnh truyền thống có lịch sử ngàn năm ở Ấn Độ.
Những ghi chép y khoa cổ đại cho thấy, việc sử dụng mướp đắng vào khoảng thế kỷ 14 trong thực hành y học cổ truyền Trung Quốc.
Loại quả này có tác dụng thải độc cơ thể, tăng cường chức năng gan. Từ xa xưa, người Trung Quốc đã biết dùng loại quả này làm thực phẩm và ép nó lấy nước tạo thành thuốc trị các chứng bệnh như khó tiêu, đau bụng, ho mãn tính hay nhiễm trùng đường hô hấp.
(Ảnh minh họa)
Mướp đắng cũng là loại quả làm nguyên liệu và chủ đề của hơn 100 nghiên cứu lâm sàng y khoa. Theo TS Mỹ Josh Axe, có ít nhất 32 hoạt chất được tìm thấy trong mướp đắng:
- Chất alkaloid momordicine có trong quả và lá mướp đắng chính là yếu tố gây nên vị đắng của loại quả này.
- Mướp đắng xanh chứa nguồn dinh dưỡng gồm vitamin A, vitamin C, sắt và phốt pho dồi dào.
- Quan trọng hơn, mướp đắng chứa chất phytonutrients – chất chống oxy hóa cực kỳ quan trọng. Chất này được cấu thánh từ các khoáng chất như axit phenolic, glycosid, saponin, alkaloids, dầu cố định, triterpenes, peptide giống insulin, và một số loại protein chống viêm và steroid.
- Các nghiên cứu cũng đã xác định được, các hợp chất phenolic và flavonoid trong mướp đắng có tác dụng ngừa bệnh tiểu đường và ung thư.
Công dụng tuyệt vời của mướp đắng
Với những hoạt chất quan trọng như vậy, TS Josh Axe cũng chỉ ra 7 tác dụng tuyệt vời của mướp đắng:
1. Ốn định lượng đường trong máu
Các kết quả nghiên cứu trên người và động vật đã chứng minh hiệu quả hạ đường huyết của chiết xuất nước ép mướp đắng đậm đặc, điều đó có nghĩ là nó giúp làm giảm mức đường trong máu và điều chỉnh mức insulin trong cơ thể.
Cụ thể, nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm Nông nghiệp cho thấy, việc tiêu thụ mướp đắng ở dạng nguyên chất hoặc nước ép giúp hạ thấp lượng đường trong máu ở động vật bị đái tháo đường.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân là bởi, mướp đắng có chứa thành phần saponin steroid (được gọi là charantins), các peptide giống insulin và alkaloid có vai trò chống lại chứng tiểu đường.
2. Kháng virus và chống lại các loại bệnh nhiễm khuẩn
Một số nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, mướp đắng có chứa các chất kháng khuẩn, kháng virus. Một báo cáo đăng trên Tạp chí Quốc tế về vi trùng học cho biết, trong tài liệu y học Ayurveda Ấn Độ, mướp đắng từng được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chữa các vết loét.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng xác định các yếu tố trong mướp đắng có tác dụng chống và loại bỏ các ký sinh trùng bên trong cơ thể.
3. Tăng cường chứng năng đường tiêu hóa và cải thiện chức năng gan
Theo TS Josh Axe, các tài liệu nghiên cứu cho thấy, chiết xuất mướp đắng có thể giúp giảm các triệu chứng dạ dày và ruột, hỗ trợ điều trị sỏi thận, ngăn ngừa bệnh gan và cải thiện chức năng gan.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Annamali, Ấn Độ cho thấy, chiết xuất từ mướp đắng làm tăng lượng glutathione peroxidase (GPx), superoxide dismutase (SOD) và catalase, giúp thải độc và ngăn ngừa tổn thương gan.
Mướp đắng cũng có tác dụng nhuận tràng tự nhiên, do đó ngăn ngừa và giảm chứng táo bón.
4. Ngăn ngừa nhiều bệnh ung thư
Một số nghiên cứu đã chứng minh được tác dụng của mướp đắng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát một số loại ung thư như: ung thư bạch huyết lympho, u lymphoma, u ác tính, ung thư vú, u da, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư lưỡi và thanh quản, ung thư bàng quang Và bệnh Hodgkin.
(Ảnh minh họa)
Chiết xuất mướp đắng được chứng minh là thúc đẩy cơ chế đào thải kim loại, thải độc cơ thể, ngăn ngừa sự oxy hóa lipid máu, ức chế sự tổn hại của gốc tự do, góp phần chống lại sự đột biến tế bào và sự phát triển của các khối u.
Trường Khoa học Y sinh học thuộc Đại học Hồng Kông đã xác định được hơn 20 thành phần hoạt tính trong mướp đắng có đặc tính chống khối u. Họ cũng cho rằng, mướp đắng là siêu thực phẩm dồi dào sức khoẻ, xứng đáng là nguyên liệu cho những nghiên cứu sâu và ứng dụng lâm sàng trong tương lai.
5. Giảm thiểu các triệu chứng rối loạn hô hấp
Thông qua việc thải độc cơ thể, cải thiện lưu lượng máu, giảm viêm và giảm tổn thương của các gốc tự do, ăn mướp đắng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh thông thường như ho, cảm lạnh hoặc cúm.
6. Hỗ trợ điều trị viêm da và chống viêm
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng, các hợp chất chống viêm trong mướp đắng giúp điều trị các chứng bệnh ngoài da như eczema và bệnh vảy nến.
7. Ngăn ngừa bệnh tim mạch
Chiết xuất của mướp đắng có chứa các chất chống oxy hóa mạnh, ngoài việc cân bằng hormone liên quan đến bệnh tiểu đường, các chất này còn đóng vai trò ngừa chứng béo phì và các triệu chứng liên quan đến hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch (như cholesterol cao và cao huyết áp).
Tác dụng phụ và đối tượng không nên dùng mướp đắng
Mướp đắng được chứng minh là có tác dụng phụ hạ đường huyết, nhưng chưa có dữ liệu khoa học nào đủ mạnh để khẳng định rằng nó là liều thuốc trị triêu đường mà không cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) khuyến cáo rằng, không được sử dụng mướp đắng như một liệu pháp thay thế insulin hoặc thuốc hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường.
Phụ nữ có thai không nên dùng mướp đắng.
Ngoài ra, mướp đắng có thể tương tác với các loại thuốc điều trị tiểu đường, ảnh hưởng xấu đến bệnh. Tốt nhất, bạn phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
Phụ nữ có thai, những người đang có ý định mang thai, phụ nữ đang cho con bú không nên dùng mướp đắng. Một số nghiên cứu phát hiện các hoạt chất trong mướp đắng có thể gây sẩy thai, khó thụ thai.
Những trường hợp vừa trải qua phẫu thuật, đang mất máu cũng được khuyến cáo là không nên dùng loại quả này vì nó có thể can thiệp vào việc kiểm soát lượng đường trong máu, gây ra các phản ứng phụ như chóng mặt hoặc ngất xỉu.
*Theo DrAxe