Mang thai 27 tuần phát hiện ung thư dạ dày: BS chỉ rõ yếu tố nguy cơ và cách phát hiện sớm

Hồng Hà |

Bệnh viện Đai học Y dược TP.HCM vừa đang điều trị cho trường hợp sản phụ bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối mà bệnh nhân không biết tưởng nghén.

Mang thai tưởng nghén hóa ra mắc ung thư dạ dày

TS Võ Duy Long - Phó khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đây là bệnh nhân bị ung thư dạ dày khi mang thai đầu tiên mà ông gặp.

TS Long cho biết bệnh nhân là V.T. D 30 tuổi, quê Gia Lai mang thai con so. Khi phát hiện ung thư dạ dày lúc này thai nhi mới được 27 tuần tuổi.

Theo người nhà chị D. có thai trong 3 tháng đầu thường xuyên nôn, ói không ăn được gì. Người nhà chỉ nghĩ là nghén sinh lý nên chị D. chỉ đi khám thai. Mấy tháng đầu khi mang thai, chị D sụt 3kg. Tâm lý nghén với hi vọng hết nghén sẽ tăng cân trở lại ngày càng xa vời khi chị D. từ 46 kg sụt xuống còn 35 kg.

Mang thai 27 tuần phát hiện ung thư dạ dày: BS chỉ rõ yếu tố nguy cơ và cách phát hiện sớm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

TS Long cho biết bệnh nhân đến viện trong tình trạng suy nhược cơ thể rất nặng. Khi nội soi bác sĩ phát hiện ở dạ dày đã có u khắp dạ dày, xâm lấn. Bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Khi cầm kết quả ung thư dạ dày, hai vợ chồng chị D. đều hoang mang. Chị D. đã lo sợ và định tự tử. Tuy nhiên, khi được bác sĩ tư vấn chị D và gia đình đều hiểu về bệnh và họ quyết định chọn đứa trẻ. trường hợp này, bác sĩ Long cho biết bà mẹ cũng có thể cứu được nhưng tiên lượng cũng rất thấp.

Bệnh viện đã phải hội chẩn liên khoa toàn viện như Ngoại tiêu hóa, Dinh dưỡng, Hóa trị, Phụ sản, Nhi, lúc đó thai mới ở tuần 27 nếu chấm dứt thai kỳ thì khả năng sống của bé rất thấp.

Trường hợp này bệnh nhân còn chảy máu khối u, đi ngoài phân đen. Bác sĩ quyết định dinh dưỡng người bệnh thêm và sử dụng các thuốc hỗ trợ thai nhi. Dinh dưỡng cho bệnh nhân chỉ dùng bằng đường tĩnh mạch vì bệnh nhân không ăn được.

Trong thời gian đó. TS Long cho biết bệnh nhân còn phải điều trị cả tâm lý đến khi thai nhi được 31 tuần bệnh nhân bị chảy máu tiêu hoá đi ngoài phân đen, thậm chí nước ối có máu. Các bác sĩ đã quyết định hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng để phẫu thuật lấy thai.

Đến ngày 5/7, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai, em bé được 1,5 kg, khóc to. Bác sĩ hồi sức cho bé và chuyển qua luôn Bệnh viện Nhi đồng để bác sĩ bên đó chăm sóc em bé.

Sau khi khâu cổ tử cung xong, bác sĩ ngoại tiêu hoá vào mổ tiếp cắt toàn bộ dạ dày. Tuy nhiên, ung thư đã xâm lấn đại tràng, gan, tuỵ. Hơn nữa, khối u đang chảy máu nên không cắt dạ dày thì bệnh nhân sẽ tử vong vì chảy máu tiêu hoá.

Bác sĩ đã cắt dạ dày, cố gắng nạo vét hạch, mô xâm lấn. Tuy nhiên, TS Long cho biết khó có thể lấy được cả 100%.

Ca mổ chỉ điều trị biến chứng chảy máu là chính. Bác sĩ đưa ruột non lên nối vào thực quản. Sau mổ điều trị tích cực bệnh nhân đã có tiến triển tốt hơn, da hồng hào hơn. Đến ngày thứ 5, 6 bệnh nhân đã ăn uống được. Đến nay sau 13 ngày mổ bệnh nhân mỗi bữa ăn được 1 chén cháo. Sức khoẻ bệnh nhân thấy tốt hơn.

Mang thai 27 tuần phát hiện ung thư dạ dày: BS chỉ rõ yếu tố nguy cơ và cách phát hiện sớm - Ảnh 2.

Hình ảnh chị D. được gặp con của mình

TS Long cho biết ngày 17/7, các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược đã cho bệnh nhân D. sang gặp con. Hai vợ chồng không kìm được xúc động và niềm vui khi cầm bàn tay nhỏ bé của đứa con đầu. Cậu bé phát triển tốt, không phải thở máy, tăng cân và bú được 30ml sữa.

TS Long cho biết hướng điều trị tiếp theo cho người bệnh là sẽ hóa trị sau 1 tháng nữa theo đúng phác đồ, hy vọng sẽ kéo dài thêm sự sống của người mẹ.

TS Long cho biết, ông gặp 3 – 4 trường hợp sản phụ bị ung thư đại trực tràng khi mang thai tuy nhiên bị ung thư dạ dày thì đây là lần đầu tiên. Bệnh nhân bị giai đoạn muộn, dạ dày không hoạt động được nên việc ăn uống cho bệnh nhân chỉ thực hiện bằng đường tĩnh mạch.

Ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa và khó phát hiện sớm

TS Long cho biết trước đây có bệnh nhân là sản phụ đang mang thai nhưng bị ung thư đại trực tràng do các dấu hiệu đi ngoài phân có máu, đau bụng, bán tắc ruột.

Tuy nhiên, việc điều trị để giữ thai cho những sản phụ có ung thư đại tràng dễ hơn ung thư dạ dày vì họ vẫn ăn được. Còn ung thư dạ dày như của bệnh nhân D không ăn được. Dinh dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch.

Qua trường hợp của bệnh nhân D., bác sĩ Long cho biết nếu mang thai thấy nôn ói, sụt cân quá dài ngày trên 15 tuần kèm theo đau bụng thì bệnh nhân nên đi khám tiêu hoá để phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hoá trong đó có ung thư dạ dày.

Trường hợp của chị D. thật đáng tiếc vì phát hiện bệnh ở giai đoạn quá muộn.

TS Long cho biết ung thư dạ dày cũng giống như các bệnh ung thư khác triệu chứng phát hiện sớm rất khó nên ngoài kiểm tra sức khoẻ thường xuyên, nội soi dạ dày thì không có cách nào phát hiện sớm được.

TS Long cho biết hàng năm có khoảng 300 - 400 trường hợp ung thư dạ dày được chẩn đoán tại viện trong số này có gần 70 % trường hợp còn chỉ định phẫu thuật triệt để, còn 30 % chỉ điều trị hoá chất vì bệnh nhân đến quá muộn.

Ngày nay, ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ người bệnh dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp mắc ung thư dạ dày dưới 30 tuổi. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, thuộc 10 vị trí ung thư thường gặp nhất.

Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi và hàng thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Khoảng 2/3 người bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, bướu đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.

Yếu tố nguy cơ dạ dày như người có bệnh viêm loét dạ dày; người nhiễm HP; bản thân bệnh lý gia đình (có người bị ung thư dạ dày); những người từng phẫu thuật dạ dày. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng là một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư dạ dày.

TS Long khuyến cáo tốt nhất nên nội soi dạ dày định kỳ và ăn lành, uống sạch để phòng bệnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại