Ngày 3/10, tờ Forbes xuất bản bài viết: "Pentagon's Next-Gen Missile Defense Plan Could Leave U.S. Poorly Protected For Years" (tạm dịch: Kế hoạch phòng thủ tên lửa thế hệ mới của Lầu Năm Góc có thể khiến khả năng bảo vệ nước Mỹ yếu đi trong nhiều năm) của tác giả Loren Thompson.
Nhằm đem tới cho độc giả một phân tích tương đối khách quan về khả năng phòng thủ trước vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ trong tương lai và ảnh hưởng của nó tới phần còn lại của thế giới, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
"Lá chắn cuối cùng" trước vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện ra sao?
Đối với nước Mỹ hiện đại, điều đáng sợ nhất là một cuộc tập kích sử dụng vũ khí hạt nhân. Chỉ một đầu đạn hạt nhân duy nhất có sức công phá vài Megaton được khai hỏa vào một đô thị lớn của Hoa Kỳ có thể gây ra hàng triệu thương vong.
Nhưng tổn thất nhân mạng chỉ là một phần của các tác hại do một cuộc tập kích hạt nhân gây ra. Một số lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân phát nổ trong các thành phố quan trọng có thể làm sụp đổ hoàn toàn nền kinh tế của nước Mỹ.
Cho tới nay, người Mỹ vẫn tin rằng đang tồn tại một "mối quan hệ răn đe" mang tính chất ổn định giữa Hoa Kỳ và hai cường quốc hạt nhân là Nga và Trung Quốc.
ICBM DF-41 trong cuộc duyệt binh hôm 1/10 của Trung Quốc về mặt lý thuyết có tầm bắn xa nhất thế giới (15.000 km) và có thể tiếp cận nước Mỹ chỉ trong nửa giờ sau khai hỏa. TQ hiện có khoảng 260 đầu đạn hạt nhân và khoảng từ 75-100 ICBM
Tuy nhiên, Triều Tiên không nằm trong mối quan hệ nói trên và gần đây tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của họ đã có khả năng tiếp cận nước Mỹ.
Nguồn tin tình báo còn tiết lộ một sự thật đáng lo ngại hơn là Triều Tiên đang tăng tốc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để tiến tới triển khai trên ICBM.
Một "đồng minh" của Triều Tiên ở Trung Đông là Iran có thể sẽ tiếp bước với những hậu quả khó lường. Và ngay cả đối với Nga và Trung Quốc, các cường quốc này vẫn tồn tại nguy cơ (đối với nước Mỹ) bởi việc khai hỏa ICBM (do gặp sự cố hay một kế hoạch quân sự phiêu lưu).
Cho tới nay, Lầu Năm Góc chỉ có duy nhất một "lá chắn" trước khi ICBM tiếp cận nước Mỹ.
Nó được gọi là Hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất tại khu vực bay (Ground-based Midcourse Defense, GMD) và một "ngày phán xét" nào đó nó chính là "lá chắn cuối cùng" của nước Mỹ trước thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người - chiến tranh hạt nhân.
Ước tính có 44 hệ thống GMD được triển khai ở hai bang Alaska và California ở Bờ Tây nước Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng số hệ thống GMD ở đây là quá ít và cần phải tăng lên con số từ 64 đến 100.
Nhận thức được thực tế đó và về mối đe dọa tên lửa đang phát triển từ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran, Chính quyền của Tổng thống Trump đã khẳng định tính ưu việt của GMD để đối phó với các cuộc tập kích hạt nhân.
Tuy nhiên, "lá chắn cuối cùng" này đang "hoen rỉ". Chỉ có 1% ngân sách quân sự dành cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, và chỉ một phần trong số đó dành cho bảo vệ chính nước Mỹ (phần còn lại dành cho phòng thủ các căn cứ Mỹ ở nước ngoài và các nước đồng minh).
GMD đang đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự tin cậy của các tên lửa đánh chặn và chuỗi cung ứng (sửa chữa - thay thế) cho các bộ phận thiết yếu khi nó ngày càng "lớn tuổi".
Nói cách khác, khi mối đe dọa lớn dần lên, khả năng phòng thủ của nước Mỹ lại dần xuống cấp.
Triều Tiên tuyên bố rằng ICBM Hwasong 15 sau khi khai hỏa có thể đạt độ cao khoảng 4.485 km và di chuyển khoảng 950 km với thời gian bay là 53 phút. Dựa trên quỹ đạo này, tên lửa sẽ có tầm bắn hơn 13.000 km và đủ khả năng tấn công tất cả các mục tiêu trên lãnh thổ Hoa Kỳ.
Lầu Năm Góc đang biến nước Mỹ trở nên "mong manh dễ vỡ"?
Lý do chính khiến nước Mỹ bị đặt vào thế nguy hiểm này là do một kế hoạch nâng cấp khả năng đánh chặn ICBM của các máy bay đánh chặn hiện tại đã được xác định là không thể hoạt động và đã bị hủy bỏ vào tháng 8/2019.
Giải thích một cách đơn giản là các hệ thống vũ khí khác không thể tương thích và phối hợp với GMD trong khu vực tác chiến mà nó được triển khai để ngăn chặn các mối đe dọa.
Khi nhận ra rằng việc nâng cấp GMD sẽ không hiệu quả, các chuyên gia của Lầu Năm Góc đã quyết định rằng cần phải có một thứ gì đó có khả năng hơn để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai.
Đồ họa mô tả các bước một hệ thống GMD tại Alaska đánh chặn một ICBM (được lấy ví dụ khai hỏa từ bán đảo Triều Tiên).
Hệ thống này được đặt tên là Vũ khí đánh chặn thế hệ mới (Next Generation Interceptor - NGI). Thông tin về NGI là tuyệt mật, tuy vậy một điều có thể chắc chắn là nó được thiết kế để đối phó với một loạt các mối đe dọa có quy mô và khả năng lớn hơn so với GMD.
Tuy nhiên việc đầu tư vào NGI lại là "con dao hai lưỡi" và có thể khiến cho khả năng phòng thủ của nước Mỹ "đã thiếu lại còn yếu" hơn nữa trong nhiều năm tới.
Thời gian để phát triển NGI sẽ mất ít nhất là 10 năm, và đó là ước tính "lạc quan" nếu không có những vấn đề kỹ thuật khiến thời gian kéo dài hơn hoặc sự cố khiến nó phải hủy bỏ.
Một số nguyên mẫu tên lửa đánh chặn của Lockheed Martin được cho là thành phần cấu thành của hệ thống NGI tương lai.
Các nhà phân tích có thể tranh luận rằng liệu việc vượt qua các "rào cản kỹ thuật" của một máy bay đánh chặn thế hệ mới có quá lớn hay không, hoặc liệu tất cả các tình huống đe dọa tập kích được trình bày với các nhà sản xuất vũ khí là thực tế hay không?
Tuy nhiên đang tồn tại một "vùng xám" trong việc tranh luận về khả năng của GMD trong việc duy trì phòng thủ ở mức "hợp lý" cho đến khi NGI sẵn sàng. Câu trả lời rõ ràng là GMD đã bắt đầu lỗi thời và không có khả năng đó.
Bộ quốc phòng Hoa Kỳ không sai khi cố gắng tăng cường sức mạnh phòng thủ, nhưng thực tế là hệ thống GMD đã bắt đầu "gặp vấn đề" và giải pháp thay thế nó sẽ không thể kịp thời.
Nước Mỹ sẽ trở nên "mong manh dễ vỡ" trước các mối đe dọa quân sự lớn nhất mà nó chưa từng đối mặt trong lịch sử, và đó không phải là thứ mà chính quyền của ông Trump đã hứa vào đầu năm 2019.
ICBM RS-24 của Nga trong cuộc duyệt binh hôm 9/5. Công nghệ của dòng ICBM này vẫn là tuyệt mật. Theo nguồn tin chưa xác thực, tầm bắn của RS-24 đạt tới 11.000 km và có khả năng mang theo 4 đầu đạn hạt nhân tự dẫn với sức công phá mỗi đầu đạn tương đương 300 Kiloton.
Cơ hội cuối cùng?
Những thứ đang xảy ra là điển hình của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí Hoa Kỳ, khi những ý tưởng phát triển các vũ khí tiên tiến hơn được chấp thuận , người ta không quan tâm nhiều đến những thứ vẫn đang là "xương sống" ở hiện tại vì một thứ "tốt hơn" được cho là đang tới.
Khi "thứ tốt hơn" đó sa lầy vì thiếu kinh phí hoặc các tính năng kỹ thuật thiếu tính khả thi, năng lực quân sự cuối cùng sẽ chỉ trở nên kém hơn so với ban đầu vì các hệ thống cũ đã không còn được duy trì.
Một hệ thống GMD nhìn từ trên cao.
Quá nguy hiểm khi đầu tư vào một kế hoạch phát triển dài hơi mà không có gì để đảm bảo khả năng của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có.
"Lá chắn" duy nhất của nước Mỹ dần rệu rã và không thể chống đỡ trước một cuộc tập kích hạt nhân với thiệt hại quá khủng khiếp là một tương lai không được phép xảy ra,
Nếu các mối đe dọa tập kích hạt nhân là đáng lo ngại và đang gia tăng như tình báo Hoa Kỳ đã phân tích, các bước duy trì và khôi phục lại GMD phải được thực hiện khẩn cấp trong khi chờ đợi "cái gì đó" tốt hơn trong 10 năm tới.
Lầu Năm Góc cần thực hiện các bước để "hồi sinh" GMD trong khi chờ đợi NGI. Điều tối thiểu mà họ có thể làm là một chương trình bảo trì GMD với giá cả phải chăng được lên kế hoạch trong ít nhất là 6 năm tới.
Loren Thompson là một nhà phân tích, đồng thời là lãnh đạo của viện nghiên cứu Lexington và tổ chức Source Associates.
Ông từng là lãnh đạo của Chương trình nghiên cứu An ninh và giảng dạy sau đại học tại Đại học George Town. Loren Thompson cũng đã giảng dạy tại Trường Kennedy trực thuộc Đại học Harvard.
Viện nghiên cứu Lexington là tổ chức phi chính phủ được các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn của Mỹ như Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và United Technologies tài trợ.
Mặc dù hiện tại chỉ thử nghiệm và trang bị các tên lửa tầm ngắn và trung, tuy nhiên với nền tảng công nghệ hiện có và sự hỗ trợ của Triều Tiên, việc Iran sở hữu ICBM (khi cần thiết) là điều hoàn toàn có thể dự đoán được.