TT Trump chớ coi thường: Giây phút kinh hoàng nhất là khi tên lửa Iran giội xuống tàu sân bay và căn cứ Mỹ

Lâm Vy |

Đây là một mối đe dọa mà Mỹ có lẽ chưa sẵn sàng để đối phó.

Tạp chí National Interest đăng tải bài viết của nhà báo quốc phòng David Axe với tiêu đề "Nếu chiến tranh nổ ra, Iran có thể tấn công tàu sân bay và căn cứ Mỹ bằng tên lửa".

Iran tăng cường phát triển tên lửa tầm xa

Iran đang tiếp tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo với tầm bắn ngày càng gia tăng, và nước này đang triển khai tác chiến một số loại tên lửa tầm ngắn bất chấp chính phủ Mỹ yêu cầu họ phải từ bỏ hoàn toàn các loại vũ khí, mà trên lý thuyết, có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Ngày 8/9 và 1/10 năm ngoái, Iran đã bắn các loại rocket Zulfiqar, Quim-1 và Fateh-110 nhằm vào các đối thủ ở vùng Kurdistan, Iraq. Đây là những cuộc tấn công có cường độ mạnh nhất của Iran trong gần 20 năm trở lại đây.

Trong cuộc tấn công hồi tháng 10, Iran đã bắn rocket Zulfiqar và Qiam nhằm vào các phiến quân IS gần thị trấn biên giới Abu Kamal, đông Syria. Trong khi đó, loạt tên lửa Fateh-110 hồi tháng 9 đã được triển khai nhằm vào các nhóm chống đối Iran tại vùng Kurdistan, Iraq, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Tehran đã bắn tên lửa trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ. Tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận năm 2016 giữa Iran, Trung Quốc, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU), Nga, Anh và Mỹ, trong đó nới lỏng các biện pháp trừng phạt vào Iran, đổi lại Tehran phải chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Ngày 5/11, Washington tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, nhằm vào các ngân hàng, công ty tàu biển, hàng không và các cơ quan năng lượng nguyên tử của nước Cộng hòa Hồi giáo.

"Mỹ cam kết đảm bảo rằng Iran sẽ không bao giớ tiến gần được tới mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân" - Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Các biện pháp trừng phạt và đe dọa không ngăn được Iran

Trên thực tế, theo nhà báo quốc phòng David Axe, Tehran đã tuân thủ các điều khoản của JCPOA và không phát triển vũ khí hạt nhân vào thời điểm Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, Iran vẫn tiếp tục nghiên cứu phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo. Toàn bộ là những tên lửa có thể mang đầu đạn phi hạt nhân và không nằm trong diện cấm của thỏa thuận năm 2016.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại yêu cầu Tehran dừng toàn bộ chương trình phát triển tên lửa, bất chấp nước này có đang chế tạo đầu đạn hạt nhân cho những loại tên lửa đó hay không.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đề cập tới việc chấm dứt chương trình phát triển tên lửa của Iran trong bài phát biểu tại Washington, D.C tháng 5/2018.

Ông Pompeo cũng yêu cầu Iran chấm dứt hậu thuẫn Hezbollah, Hamas, Houthi và rút lực lượng khỏi Syria.

"Các vị biết đấy, danh sách này khá dài", ông Pompeo nói, "chúng tôi không tự tạo ra danh sách này, mà là chính họ [Iran]".

Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ các đề nghị của ông Pompeo, đồng thời liên tục đưa ra các luận điệu thách thức để đáp trả việc Mỹ rút khỏi JCPOA và các lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ.

"Nếu chúng tôi không thể tự do giao dịch các loại hàng hóa của mình, không thể có được những thứ chúng tôi muốn từ các hoạt động thông thương quốc tế công khai và minh bạch, thì chúng tôi sẽ không nằm xuống và chờ chết", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, "Chúng tôi sẽ làm điều đó, bằng bất cứ phương thức gì cần thiết".

Tehran có đủ cơ sở vật chất và năng lực để cải tiến các loại rocket hiện có.

"Iran hiện sở hữu kho tên lửa lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông, với hàng nghìn các loại tên lửa hành trình/đạn đạo tầm ngắn/trung có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa như Israel hay đông nam châu Âu" - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington lý giải trên website chính thức.

Iran không có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) như loại mà Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, và Anh có thể dùng để triển khai đầu đạn hạt nhân đi khắp toàn cầu.

Tháng 5/2018, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, California đã hé lộ về một thứ, có vẻ như là một loại bãi thử nghiệm tên lửa bí mật của Iran gần thị trấn hoang vắng Shahrud.

Michael Elleman - chuyên gia tên lửa tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, nói với tờ New York Times rằng, cơ sở tại Shahrud sẽ hỗ trợ Iran "phát triển một ICBM trong khoảng 5-10 năm tới nếu họ muốn".

Chính quyền Trump có vẻ tin rằng các biện pháp trừng phạt và những lời đe dọa động binh sẽ khiến Iran phải từ bỏ chương trình tên lửa và cơ sở nghiên cứu-phát triển bí mật một cách vô điều kiện.

Elleman vaf Mark Fitzpatrick - Giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã đề xuất một phương pháp khác thực tế hơn nhằm ngăn Iran nắm trong tay những loại tên lửa nguy hiểm bậc nhất.

Theo đó, Mỹ nên đàm phán một thỏa thuận mới nhằm hạn chế tầm bắn của tên lửa Iran trong khoảng 1.900km. Tuy nhiên, theo ông David Axe, nếu chính quyền Trump muốn giải quyết bằng con đường ngoại giao thì họ đã không phá vỡ thỏa thuận JCPOA.

Do đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục dùng các biện pháp để đe dọa Iran, trong khi Tehran tiếp tục phát triển nhiều loại tên lửa ngày càng mạnh hơn nữa để có thể tạo ra mối đe dọa lớn đối với Washington.

Ông Axe cho rằng, các loại tên lửa của Iran được đánh giá là rất mạnh mẽ và không nên bị xem thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại