Sputnik đưa tin, theo Giám đốc Dự án thông tin hạt nhân thuộc Hiệp hội khoa học Mỹ, ông Hans Kristensen, khả năng Trung Quốc đã cho thử nghiệm loại tên lửa chống hạm mang đầu đạn hạt nhân phóng từ trên không thế hệ mới. Tên lửa mới của Trung Quốc được đánh giá “khủng” ngang ngửa với tên lửa hành trình Kinzhal của Nga.
Chia sẻ trên Twitter, dẫn thông tin từ một nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, ông Kristensen nhận định một oanh tạc cơ chiến lược Xian H-6K biến thể của Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm loại tên lửa siêu thanh mới.
Cụ thể, oanh tạc cơ Xian H-6K biến thể thuộc Sư đoàn máy bay ném bom số 10 của không quân Trung Quốc đóng quân ở thành phố An Khánh thuộc tỉnh An Huy đã phóng thử thành công từ trên không một tên lửa siêu thanh thế hệ mới. Loại tên lửa này có thể mang theo cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân.
Hồi đầu năm nay, tình báo quân đội Mỹ chia sẻ với giới truyền thông rằng, không quân Trung Quốc đã cho tiến hành ít nhất 5 cuộc thử nghiệm đối với CH-AS-X-13, loại tên lửa đạn đạo hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn có tầm bắn 3.000 km.
Tên lửa CH-AS-X-13 được cho là một biến thể của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21 của Trung Quốc. Giới chuyên gia Mỹ cho rằng, CH-AS-X-13 đủ sức vươn tới lãnh thổ Mỹ và sẽ được đưa vào biên chế từ năm 2025.
Tuy nhiên, các nhà quan sát lại cho rằng, loại tên lửa mới được Trung Quốc phóng thử thành công là CJ-10K. Đây là loại tên lửa tấn công mặt đất thế hệ thứ hai và là biến thể của Kh-55. Kh-55 là tên lửa hành trình được Liên Xô cũ phát triển từ những năm 1980.
Trung Quốc đã mua tên lửa Kh-55 từ Ukraine vào những năm 1990. Tên lửa CJ-10K được Trung Quốc triển khai từ những năm 2000.
Hồi tháng trước, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận Kinzhal, tên lửa hành trình siêu thanh được phóng từ trên không thế hệ mới của Nga đã được thử nghiệm hoạt động trên oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-22M3.
Tên lửa Kinzhal hiện có mặt trong dàn vũ khí của quân đội Nga và được tăng cường tham gia huấn luyện trên các máy bay đánh chặn MiG-31BM. Mỗi chiếc MiG-31BM chỉ mang theo 1 tên lửa Kinzhal.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhắc tới sự tồn tại của tên lửa Kinzhal trong bài phát biểu hồi tháng Ba liên quan tới việc Nga sở hữu công nghệ tên lửa mới nhằm đảm bảo an ninh quốc gia sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và hoạt động áp sát tăng cường của NATO gần các đường biên giới Nga.
Video: Nga tăng cường thử nghiệm hoạt động của tên lửa Kinzhal