Luật quốc phòng Mỹ yêu cầu Lầu Năm Góc "lật mặt" các hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông

Trung Phạm |

Theo các chuyên gia, yêu cầu "vạch mặt, chỉ tên" là một biện pháp hữu hiệu để chỉ rõ những hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc đang tiến hành phi pháp trên Biển Đông.

Thượng viện Mỹ ngày 1/8 đã thông qua Dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2019 (NDAA 2019) và văn bản này sẽ sớm được đệ trình lên Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật.

Quá trình nghiên cứu Dự luật, ông Greg Poling - một chuyên gia danh tiếng về các vấn đề Biển Đông đã chỉ ra 2 điều khoản quan trọng được nên rất cụ thể trong NDAA 2019.

Thứ nhất, NDAA 2019 yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ phải công khai minh bạch hơn về các hoạt động quân sự hóa cũng như bất cứ động thái tôn tạo đảo mới nào của Truntg Quốc ở Biển Đông.

Theo Tạp chí The Diplomat, yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với rất nhiều những đề xuất đã được các chuyên gia theo dõi vấn đề Biển Đông kiến nghị. Họ coi hành động "vạch mặt, chỉ tên" này là một biện pháp hữu hiệu để chỉ rõ những hoạt động quân sự hóa mà Trung Quốc đang tiến hành phi pháp trên Biển Đông.

Văn bản của NDAA 2019 viết rất rõ như sau:

"Ngay sau khi phát hiện thấy bất cứ động thái tôn tạo hay hoạt động quân sự hóa nào của Trung Quốc trên Biển Đông, gồm cả việc triển khai quân sự, thực hiện các chiến dịch hay xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Quốc phòng, phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ phải báo cáo cho các ủy ban quốc phòng Quốc hội Mỹ biết, đồng thời phải công bố cho công chúng thấy rõ các hoạt động quân sự như vậy của Trung Quốc".

Luật quốc phòng Mỹ yêu cầu Lầu Năm Góc lật mặt các hoạt động phi pháp của TQ ở Biển Đông - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động tôn tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: DigitalGlobe

Thậm chí, với yêu cầu phải công khai cho công chúng biết, văn bản của Dự luật ngân sách quốc phòng năm 2019 của Mỹ còn viết cụ thể hơn:

"Mỗi một báo cáo về hoạt động tôn tạo hay quân sự hóa ở từng tiểu mục sẽ đều phải có một tóm tắt ngắn gọn kèm theo một hoặc nhiều hơn các hình ảnh minh họa cho những hoạt động tôn tạo hoặc quân sự hóa như vậy".

Đặc biệt, chuyên gia Poling còn chỉ rõ, NDAA 2019 yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải chứng thực, chỉ khi nào Trung Quốc đã "ngừng tất cả các hoạt động tôn tạo đảo", "gỡ bỏ tất cả vũ khí", và chứng minh được "4 năm liên tiếp có những hành động giúp duy trì sự ổn định trong khu vực", thì Mỹ mới mời Quân đội Trung Quốc tham gia trở lại cuộc tập trận hải quân đa quốc gia Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC).

Trong cuộc tập trận RIMPAC năm nay, Mỹ đã quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia mặc dù nước này đã từng đưa một số tàu và binh lính tham dự trong các năm 2014 và 2016.

Khi đó, trung tá Thủy quân lục chiến, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Christopher Logan cho biết, động thái này là bước đi đầu tiên nhằm phản đối các hành động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành tôn tạo, xây dựng [trái phép - ND] cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

"Cách hành xử của Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC", Trung tá Logan phát biểu. "Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các tên lửa đối hạm, tên lửa đất đối không và các hệ thống chế áp điện tử tới những đảo trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông".

Tên lửa đánh chìm tàu chiến cũ trong tập trận RIMPAC 2018

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại