Những nguồn thạo tin vừa cho biết, bước vào đầu năm mới, ngày 4 tháng 1 năm 2017, cách 25 dặm phía đông bắc của căn cứ Minot, Hoa Kỳ, một chiếc B52 đã gặp sự cố, rơi một cặp động cơ Pratt & Whitney TF33-P-3/103.
May sao, chiếc máy bay đã hạ cánh an toàn, không ai trong số 5 thành viên kíp bay bị thương. Air Force đã điều trực thăng UH-1N Huey tìm kiếm. Được biết, vụ việc xảy ra trên một khu vực vắng vẻ và chiếc B-52 này không mang bất kỳ vũ khí nào.
Động cơ có chuyện?
Cách đây chưa lâu, ngày 19 tháng 05 năm 2016 cũng tại một căn cứ tại Guam, một chiếc B52 bỗng nhiên bốc cháy dữ dội, khói lửa mù trời khi vừa cất cánh và đâm nhào xuống đất. Khiến cho cả căn cứ và cư dân thành phố gần đó náo loạn. Điều kỳ diệu là 7 thành viên phi hành đoàn đều thoát chết.
Hai vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp trong 7 tháng, khiến người ta nhớ lại vụ rơi máy bay B-52 ngày 24 tháng 6 năm 1994 tại căn cứ không quân Fairchild bang Washington Mỹ. Dường như động cơ hôm ấy mất kiểm soát, khiến vòng quay quá giới hạn.
Chiếc máy bay loạng choạng, bay lệch mặt phẳng ngang một góc rất lớn, đâm xuống đất rồi phát nổ, giết chết ba thành viên của phi hành đoàn. Mặc dù cơ phó McGeehan đã cố gắng chống chọi để thoát thân.
B-52 rơi ở Guam.
Những người có trách nhiệm của Không lực Mỹ đã nghĩ đến 8 động cơ hãng của Pratt & Whitney TF33-P-3/103. Nó đã "gánh" chiếc máy bay lớn này hơn 50 năm. Hiện Không quân Hoa Kỳ có 76 B-52 trực chiến trên toàn cầu, phần lớn độ tuổi trung bình là 50 năm. Muốn nó phục vụ lâu hơn nữa, đã đến lúc phải thay thế các động cơ này.
Các kỹ sư chế tạo máy bay cho biết, khác với các động cơ của thiết bị dưới mặt đất, động cơ của máy bay căn cứ vào hai chỉ số khai thác. Đó là số giờ "bay" nhiều hay ít và "thọ mệnh" của nó, nghĩa là dù không "bay" nhiều, nhưng cứ hết "thọ mệnh" (số năm - tuổi) là phải thay, không thể vì tiếc (còn nhiều giờ) mà cứ dùng vô lối.Tốn kém là thế!
Mới đây, Tạp chí Aviation Week đã tiết lộ, Lầu Năm Góc đã quyết định tìm biến thể động cơ mới để thay cho B-52. Như thế 8 động cơ Pratt & Whitney TF33s sẽ phải thay bằng các động cơ mạnh mẽ hơn. Không nhất thiết là dùng động theo cặp hai chiếc một, mà dùng 4 động cơ cho gọn, dễ thay thế và bảo trì.
Các nhà khoa học hàng không hàng đầu của Mỹ đã đề xuất ba phương án, hoặc là Rolls-Royce RB211, cũng như Pratt PW2040 hay là General Electric CF6. Nếu là động cơ Rolls-Royce RB211 thì nó sẽ giống máy bay hành khách Boeing 757. Lắp 4 chiếc thay 8 chiếc cũ.
Sử dụng B-52 đến hơn 100 năm
Người ta kỳ vọng rằng các B-52 với động cơ mới sẽ phục vụ trong Không quân Mỹ cho tới năm 2060, như thế nó được khai thác để phục vụ đến hơn 100 năm kể từ khi trang bị, năm 1955.
Ông Richard Abulefiya, phó chủ tịch cơ quan phân tích TealGroup có trụ sở tại Virginia nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng máy bay này (B-52), đó là một tài sản quân sự, trong khi chưa có lựa chọn thay thế ". Theo ông, nó có khả năng tác chiến điện tử và có thể chống lại các hệ thống phòng không của đối phương nhờ liên tục cải tiến.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng nói trước đó rằng các phiên bản nâng cấp của B-52 sẽ được áp dụng trong khuôn khổ của khái niệm "chiến tranh trung tâm mạng" hợp tác chặt chẽ với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tăng cường và bổ sung hỏa lực của chúng.
Còn các nhà công nghệ thì kỳ vọng, các máy bay chiến thuật được nối mạng với kho vũ khí "bay" của B-52, khi dấu hiệu bộc lộ trước radar của chúng rất nhỏ, sau khi vượt qua hệ thống phòng không, thì tiếp đến các máy bay B-52 có thể giết chết đối phương bằng rất nhiều bom, tên lửa.
Thời đại ngày nay cho phép phương tiện thông tin tình báo lần lượt, sẽ chia sẻ thông tin giữa các máy bay chiến đấu, máy bay do thám và máy bay ném bom chiến lược.
Nhà phân tích Richard Abulefiya giải thích, máy bay chiến đấu tương lai, đặc biệt là J-20 của Trung Quốc, có thể "rất đông". Nhưng ngay cả khi máy bay chiến đấu của Mỹ ít, thì họ sẽ vượt trội đối phương lợi thế "đông đàn" bằng công nghệ cao.
Chuyên gia phân tích quân sự Lauren B. Thompson nhận định, lực lượng máy bay ném bom của Mỹ hiện nay không đủ khả năng đối phó với những thách thức mới bởi các quốc gia như Trung Quốc đang theo đuổi những chiến lược chống xâm nhập và hệ thống phòng không linh hoạt hơn, đông hơn.
Người đứng đầu của phát ngôn viên quân đội Mỹ nói rằng việc hiện đại hóa các máy bay ném bom chiến lược B-52 sẽ đòi hỏi ngân sách năm 2017 là 71 tỷ USD.
Người Mỹ cũng phân tích, nếu thống nhất vũ khí có công nghệ tiên tiến với các nền tảng hiện có sẽ cho phép Mỹ để tiết kiệm tiền. khi đó, đưa ra giới thiệu công nghệ mới nhanh hơn nhiều so với việc thiết kế một hệ thống vũ khí (máy bay) hoàn toàn mới phải mất nhiều năm như dòng F-35 vừa qua.
Các kỹ sư sẽ chuyển đổi tất cả 76 chiếc B-52 của Không quân Mỹ trở nên mạnh mẽ, chỉ cần thay động cơ. Từ đây các B-52, như các pháo đài bay sẽ nhận được các liên kết dữ liệu kỹ thuật số, bản đồ chuyển động, hệ thống điện tử thế hệ tiếp theo.
Với khung gầm hiện có, nó sẽ tăng tải trọng chiến đấu và tích hợp các tổ hợp vũ khí hàng không công nghệ cao, ngay khi vừa xuất hiện. Tải trọng B-52 được dự kiến sẽ tăng 66%. Đó là, trong một máy bay ném bom xông xáo, tiêu diệt số lượng lớn hơn các mục tiêu.
Đặc biệt, B-52 có thể phóng tên lửa "không đối đất" và "không-đối-không" loại AMRAAM và JASSM. Nó còn mang theo thiết bị tác chiến điện tử cũng như các mồi bẫy.
Giám đốc dự án nâng cấp B-52, ông Scot Oathout cho biết:
"B-52 có tầm hoạt động và thời gian bay rất dài, do đó có thể tấn công nhiều mục tiêu ở xa, máy bay hoạt động ổn định và có thể mang theo một số lượng lớn các loại bom. Kết hợp với hệ thống vũ khí mới và hệ thống điện tử sẽ biến B-52 thành một máy bay ném bom hiệu quả của tương lai, tiếp tục một huyền thoại".
Một kỹ sư "cuồng B-52" giải thích, nếu B-52 trước đó đã được trang bị các loại bom có độ chính xác cao JDAM giá treo bên ngoài, sau khi hiện đại hóa, giảm giá treo bên ngoài sẽ tăng hiệu quả nhiên liệu giảm lực cản. Lúc này máy bay sẽ có thể mang theo bom JDAM trong các khoang cùng rất nhiều tên lửa hành trình có độ chính xác cao.
Những tuyên bố, nhận định đã đi sau hành động, không quân Mỹ lần đầu tung "pháo đài bay" B-52 tiêu diệt một cơ sở chứa vũ khí của nhóm phiến quân IS ở Qayyarah, phía nam thành phố Mosul (Iraq) vào ngày 18 tháng 4 năm 2016.
Không chỉ để trải thảm bom, máy bay B-52 được trang bị bom định hướng thông minh, loại bom có độ chính xác rất cao, có khả năng không kích trực tiếp vào các mục tiêu của IS hoặc thực hiện sứ mệnh yểm trợ trên không ở cự ly gần.
Người Mỹ biết rất rõ, lực lượng IS tác chiến theo nhóm, phân tán. Đúng như điều mà Không quân Nga đã rút ra việc ném bom ngày càng tỏ ra không hiệu quả ở giai đoạn sau trên chiến trường Syria.
Thiếu tướng Charles Brown, cơ quan điều phối Bộ chỉ huy trung tâm của Không quân Mỹ cho biết: Chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hơn 1 năm qua đã tiêu tốn gần 30.000 tên lửa và bom, khiến kho đạn dược của Không quân Mỹ bắt đầu cạn kiệt.
Rõ ràng đây không phải là việc mang "dao trâu mổ ruồi". Giờ đây các máy bay ném bom B-52 có thể mang theo các loại vũ khi chính xác và thực hiện nhiều loại sứ mệnh khác nhau bao gồm tấn công chiến lược, hỗ trợ trên không, phong tỏa trên không và hoạt động trên biển.
Trong khi đó, ông Karns, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết máy bay ném bom B-52 sẽ tạo điều kiện cho lực lượng Mỹ thả một hoặc hai quả bom chính xác xuống khu vực, đánh các sở chỉ huy, diệt bọn đầu sỏ, thay vì ném bom rải thảm.
Rõ ràng, không chỉ Nga, tại vùng chảo lửa Trung Đông Mỹ cũng đang chú tâm áp dụng các tiến bộ công nghệ của vũ khí, thử nghiệm trên chiến trường này.
Cụ thể là máy bay B-52, đang được các nhà chỉ huy, khoa học quân sự Mỹ toan tính kéo dài sự phục vụ của nó. Thay động cơ, liên kết vũ khí cồng nghệ cao đang là việc người Mỹ ráo riết làm cho máy bay B-52.