Với nhiệm vụ chính là phòng thủ đảo, Lữ đoàn 950 đang được trang bị các loại vũ khí hạng nặng dưới đây cho nhiệm vụ chống đổ bộ.
Pháo chống tăng D-44 85 mm
Pháo dã chiến cấp sư đoàn D-44 85 mm được Uralmash của Liên Xô sản xuất từ cuối Chiến tranh thế giới thứ 2 cho tới tận năm 1953 với vai trò thay thế pháo ZiS-3 76 mm, ước tính đã có khoảng 10.800 khẩu D-44 được xuất xưởng.
Loại pháo này bắt đầu có mặt trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam từ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, nó đã lập nhiều chiến công trên khắp mọi chiến trường. Ngoài nhiệm vụ chính là chống tăng, pháo D-44 còn cực kỳ lợi hại khi được triển khai để bắn phá các lô cốt, công sự của đối phương.
Ưu điểm của D-44 nằm ở tốc độ bắn cực nhanh, lên tới 20 phát/phút; tầm bắn tối đa 15,65 km. Khi bắn thẳng, nhờ kính ngắm OP-2-7 độ phóng đại 5,5 lần, trong điều kiện ban ngày có thể bắt mục tiêu cách xa 1.500 m, mà nó có thể diệt xe tăng trong cự ly hiệu quả 1.150 m.
Mặc dù hiện tại D-44 rất khó gây tổn thương cho các xe tăng chiến đấu chủ lực tối tân, do chỉ có sức xuyên tối đa 300 mm thép đồng nhất bằng đạn nổ mạnh chống tăng có cánh ổn định HEAT-FS BK-2M, nhưng nếu đối tượng tác chiến là xuồng cao tốc, xe thiết giáp lội nước hay xe tăng bơi thì nó vẫn phát huy đầy đủ vai trò.
Xe tăng lội nước Type 63
Type 63 (hay còn được gọi bằng cái tên Việt hóa K-63-85) là chiếc xe tăng lội nước được Trung Quốc chế tạo theo nguyên mẫu PT-76 của Liên Xô. Việt Nam được Trung Quốc viện trợ số lượng khá lớn loại chiến xa hạng nhẹ này trong giai đoạn 1970 - 1972.
Phần thân của Type 63 có hình dáng khá giống PT-76 nhưng dài và rộng hơn, tháp pháo của nó có hình dạng nửa quả trứng giống với xe tăng T-54, đặt ở chính giữa thân xe thay vì lệch hẳn lên phía trước như PT-76.
Nhờ thiết kế như một chiếc thuyền máy gắn pháo với 2 động cơ phản lực nước, Type 63 có khả năng bơi khá tốt, tuy vậy giáp của nó chỉ ở mức vừa phải để chống lại các loại vũ khí bộ binh nhẹ.
Vũ khí chính của Type 63 là pháo nòng xoắn K62-85TC cỡ 85 mm có tốc độ tác xạ 8 phát/phút, tầm bắn tối đa 12,2 km. Với đạn lõm chống tăng (HEAT), khẩu pháo này bắn thủng được giáp dày 495 mm từ cự ly 1.000 m. Vũ khí phụ bao gồm 1 súng máy phòng không 12,7 mm cùng 1 súng máy đồng trục 7,62 mm.
Mặc dù những vũ khí trang bị trên không phải là loại mới, tính năng kỹ chiến thuật không có gì nổi trội, nhưng với đặc thù của địa bàn đóng quân và hình thức tác chiến chống đổ bộ, chúng vẫn đảm bảo tạo ra "Lá chắn thép" bảo vệ vững chắc đảo ngọc Phú Quốc.
Xem video: Vững vàng đảo ngọc Phú Quốc. Nguồn: Truyền hình Quốc phòng Việt Nam.
Vững vàng đảo ngọc Phú Quốc