Chuyện lạ: Người lính bị bỏ quên, 40 năm vẫn gác hầm ngầm bí mật từ thời Mao Trạch Đông

Quang Huy |

Công trường xây dựng hầm ngầm được giữ bí mật, khi hoàn thành thì toàn bộ giấy tờ đã bị huỷ.

Những hậu quả của các cuộc chiến tranh đôi khi kéo dài nhiều năm, thậm chí có khi cả vài chục năm. Có lúc, sau các trận chiến khốc liệt, những người lính được gọi là "bị lãng quên", vẫn còn ở lại vị trí chiến đấu của mình.

Đó là những chiến binh mà không tin vào việc đất nước của họ đã thất trận, hoặc đơn giản là người ta "đã quên" thông báo cho họ.

Và họ, những người trung thành với nghĩa vụ của mình, vẫn tiếp tục cuộc chiến với những kẻ thù mà từ lâu đã không còn tồn tại.

Chuyện lạ: Người lính bị bỏ quên, 40 năm vẫn gác hầm ngầm bí mật từ thời Mao Trạch Đông - Ảnh 1.

Những trường hợp như vậy thường xuyên xảy ra trong giai đoạn Thế chiến thứ 2 ở chiến trường Thái Bình Dương. Trong những năm chiến tranh diễn ra ác liệt, người Nhật đã cử nhiều đơn vị nhỏ tới các hòn đảo không hoặc ít người sinh sống để triển khai bảo vệ.

Tuy nhiên, khi nước này tuyên bố đầu hàng, không phải tất cả các đơn vị nhận được mệnh lệnh quy hàng, khiến cho hàng trăm binh lính Nhật Bản vẫn tiếp tục nhiều năm sống trong rừng rậm, thậm chí không ít trường hợp, họ còn tổ chức "săn lùng" những du khách nói tiếng Anh.

Ở Nga cũng có người lính bị lãng quên như thế. Vào những năm diễn ra Thế chiến thứ Nhất, một đơn vị lính Nga đóng tại pháo đài Osovetz đã chiến đấu ròng rã vài tháng trời để chống lại các lực lượng vũ trang vượt trội của quân đội Đức.

Khi số phận của pháo đài gần như đã được quyết định, thì một trong số những người lính Nga còn sống sót đã bị nhốt trong nhà kho vũ khí, còn lối ra bị công binh phá huỷ bằng bộc phá. Chỉ sau đó 9 năm, người lính này đã được phát hiện trong quá trình tu sửa pháo đài, và trong suốt thời gian đó, anh ta vẫn tin rằng chiến tranh đang diễn ra.

Và bây giờ, một "người canh gác bị lãng quên" được phát hiện ở Trung Quốc. Nhưng câu chuyện của người lính này khác hẳn so với các câu chuyện còn lại – anh ta bị bỏ quên không phải ở đâu đó trong rừng rậm, mà ở ngay rìa một thị trấn nhỏ.

Cách đây không lâu, một cụ ông 87 tuổi đã tới trình diện tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Cụ ông tuyên bố rằng, tuổi tác không cho phép cụ thực hiện nghĩa vụ của người lính và yêu cầu tìm người thay thế.

Chuyện lạ: Người lính bị bỏ quên, 40 năm vẫn gác hầm ngầm bí mật từ thời Mao Trạch Đông - Ảnh 2.

Cụ ông 87 tuổi đã tới trình diện tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quý Châu.

Chuyện lạ: Người lính bị bỏ quên, 40 năm vẫn gác hầm ngầm bí mật từ thời Mao Trạch Đông - Ảnh 3.

Hầm ngầm được cụ ông giữ rất sạch sẽ và ngăn nắp.

Tuy nhiên, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chưa bao giờ nghe tới một người lính nào tên Hồ, hơn nữa với tuổi đời Bát thập cổ lai hy như cụ.

Sau nhiều cuộc nói chuyện, người ta đã xác định được rằng, cụ ông này đã 40 năm làm nhiệm vụ canh gác một hầm ngầm quân sự. Hoá ra, vào năm 1975, cụ ông được giao nhiệm vụ giám sát công tác xây dựng hầm trú bom dành cho các lãnh đạo địa phương. Công trường xây dựng được giữ bí mật, khi hoàn thành thì toàn bộ giấy tờ đã bị huỷ.

Tuy nhiên, trong thời gian này, Chủ tịch Mao Trạch Đông chết và nhiều cán bộ liên quan tới hầm ngầm này đã được bố trí sang những vị trí khác. Người ta chỉ quên duy nhất một mình cụ ông, người vẫn tiếp tục canh gác hầm ngầm nằm ngay dưới nhà của mình.

Cả vợ và các con của cụ cũng không hề biết tới sự tồn tại của căn hầm bí mật ngay dưới chân mình. Trong suốt thời gian này, cụ ông tin rằng Tổ quốc vẫn nhớ đến cụ.

Khi các quan chức quân sự Quý Châu tới kiểm tra "tài sản" bị lãng quên của mình, họ đã vô cùng ngạc nhiên khi hầm ngầm được giữ rất sạch sẽ và ngăn nắp. Chính vì vậy, họ đã quyết định đưa hầm ngầm này trở lại hoạt động phục vụ quân đội. Người canh gác 87 tuổi được trao tặng danh hiệu đặc biệt – "Tinh thần gương mẫu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại