Tính đến thời điểm cuối năm 2016, General Dynamics F-16 Fighting Falcon (nay được sản xuất bởi Lockheed Martin) được coi là một trong những chiếc tiêm kích hạng nhẹ thành công nhất thế giới, nó vẫn tiếp tục được sản xuất và phục vụ trong không quân nhiều cường quốc quân sự hàng đầu.
Nhưng từ hơn một thập kỷ trước, một số chiến đấu cơ F-16 thế hệ đầu đã đi tới cuối vòng đời và phải ngừng hoạt động. Trong đó, Không quân Bỉ đã quyết định thu hẹp quy mô phi đội F-16 của mình từ 105 xuống còn 72 chiếc.
Nhiều máy bay trong diện thu hồi đã bị tháo dỡ để bán phế liệu chứ không đưa vào dạng bảo quản dự trữ như cách mà Không quân Mỹ đang làm tại căn cứ Davis-Monthan. Gần đây một số hình ảnh thảm thương về số phận những chiếc F-16 này mới được tiết lộ.
Những chú "Chim ưng chiến" oai hùng ngày nào giờ chỉ còn là đống phế liệu
Số lượng chính xác tiêm kích F-16 của Không quân Bỉ gồm 160 chiếc, trong đó có 136 F-16A (phiên bản một chỗ ngồi), còn lại 24 chiếc khác là F-16B (biến thể hai chỗ ngồi dùng cho cả nhiệm vụ đào tạo phi công), các chiến đấu cơ này được sản xuất tại Bỉ và Hà Lan theo giấy phép và công nghệ chuyển giao từ Mỹ, tại đây chúng được gọi là SABCA F-16.
Tuy nhiên theo thời gian, khi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển đã dẫn đến tình trạng phiên bản F-16A/B trở nên lạc hậu và không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Không quân Bỉ. Đúng vào thời điểm này, họ cũng có kế hoạch cắt giảm quy mô quân đội, do vậy rất nhiều F-16 đã phải nhận quyết định "nghỉ hưu" chứ không được nâng cấp để tiếp tục sử dụng.
Kết quả là những tấm ảnh trên! Đống phế liệu này là bộ phận còn lại của 33 máy bay chiến đấu F-16 từng phục vụ trong Không quân Bỉ. Rõ ràng số phận của chúng là rất đáng buồn so với nhiều "người anh em" có mặt trong biên chế của các lực lượng không quân khác trên thế giới.