Rau sống ở Hà Nội tưới nước thải tím ngắt, nấm bằng ngón út đủ sức giết người

Ngọc Vũ |

Thịt lợn, rau xanh là những món ăn thường xuyên trong bữa cơm của mỗi gia đình, tuy nhiên người tiêu dùng lại một phen hãi hùng trước những thông tin rau bẩn, thịt kém vệ sinh.

Các nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 7

Rau ăn sống tưới nước thải khu công nghiệp

76% thịt lợn được giết mổ từ cơ sở nhỏ lẻ kém vệ sinh

Vẫn chết oan uổng vì nấm độc

• Khi tập nặng, làm việc nặng, uống nước thế nào?

• Công thức vàng cuối tuần: Bài thuốc chữa sỏi thận trong 6 ngày

Rau sống tưới nước thải của khu công nghiệp

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 2.

Vô tư múc nước thải tưới rau... (ảnh Đoàn Huyền)

Sau những vụ rau xanh tưới nước nghĩa địa, rau ngót 1 tuần thu hoạch 1 lần nhờ tưới thuốc kích thích Trung Quốc gây xôn xao dư luận thì mới đây, thêm một vụ việc hãi hùng được phát hiện ngay cạnh trung tâm Hà Nội.

Thông tin trên tờ Đời sống Plus cho biết, tại Di Trạch, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội - nơi cung cấp phần lớn rau xanh của Hà Nội, nhiều hộ dân lấy nguồn nước tưới tiêu cho rau màu từ con mương nhỏ bắt nguồn từ nước thải nhà máy ở khu công nghiệp chưa được qua xử lý.

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 3.

... và vô tư rửa rau trước khi đem bán cho người tiêu dùng (ảnh Đoàn Huyền)

Nguồn nước tưới tiêu được nhuộm một màu tím hồng, bốc mùi hôi thối, đầy rẫy bọ gậy và rác thải được nhà máy trong khu công nghiệp xả ra con kênh nhỏ kéo dài hơn 1km. Ngay đầu con kênh là trạm bơm lấy nước đổ đi các con mương, làm nước tưới rau, bón rau hàng ngày của người dân.

Điều lo ngại hơn là các loại cây trồng chủ yếu "uống" nguồn nước thải lại chủ yếu là những loại rau ăn sống như: rau mùi, hành, ngò, tía tô, rau sống...

Không hiểu những hộ dân này có canh tác rau theo kiểu "rau hai luống", tức là một chuyên để bán ở chợ, một để nhà dùng hay không?

76% thịt lợn giết mổ ở cơ sở nhỏ lẻ kém vệ sinh

80% thịt lợn và 85% rau xanh được bày bán tại các chợ truyền thống, trong đó 76% thịt lợn được giết mổ nhỏ lẻ với điều kiện vệ sinh kém là thông tin vừa được Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) đưa ra tại Hội thảo Công bố báo cáo "Quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội" ngày 27/3. Hội thảo do World Bank phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.

Nghiên cứu của World Bank tập trung vào chuỗi giá trị của thịt lợn và rau ăn lá để tìm các nguy cơ an toàn thực phẩm. Thời gian thực hiện nghiên cứu là từ tháng 8/2016 đến tháng 2/2017.

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 4.

Điều kiện vệ sinh kém ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Cũng từ hội thảo này, một thông tin khác khiến các bà nội trợ vô cùng hoang mang: 30 - 40% mẫu thịt lấy tại Việt Nam bị nhiễm khuẩn Salmonella. Nhiều người băn khoăn liệu có nên ăn thịt lợn nữa hay không, hoặc nếu ăn thì thế nào cho an toàn?

Salmonella là tên một nhóm khuẩn gồm nhiều chủng loại. Có loại gây nhiễm trùng đường ruột, bị tiêu chảy, đau bụng vài ngày rồi hết, nhưng cũng có loại gây bệnh thương hàn, phó thương hàn, nặng hơn thì nhiễm trùng huyết gây tử vong.

Tuy vậy, ông Vũ Thế Thành, chuyên gia về thực phẩm của Vasep, trấn an: "Vi khuẩn salmonella thuộc loại dễ chết với nhiệt, cỡ 100 độ C trong vài phút là "toi". Do đó thực phẩm nên chiên xào hấp luộc kỹ để triệt tiêu salmonella. Đồ ăn trong sống ngoài chín dễ đánh lừa sự yên tâm. Thịt bò tái, trứng trụng nước lèo, lòng đỏ tràn trề cũng dễ gặp salmonella".

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 5.

Vẫn chết oan uổng vì nấm độc

Hầu như năm nào cũng có người chết vì ăn phải nấm độc, mà những vụ việc liên quan đến nấm độc thường rất đau lòng vì thường xảy ra trong một gia đình.

Một gia đình có 3 người ở Lạng Sơn ngộ độc do ăn phải nấm, trong đó 1 người đã chết và 2 người đang trong tình trạng hết sức nguy kịch lại dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho việc tự ý hái nấm về ăn mà không hiểu rõ về nó.

Trước đó là vụ ngộ độc nấm xảy ra trong một gia đình ở huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng có 9 người bị ngộ độc thì 8 người tử vong. Đặc biệt là thời điểm bắt đầu ấm lên, bước vào mùa mưa nấm phát triển rất mạnh ở miền Bắc và các tỉnh miền núi.

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viên Bạch Mai đã phải lên tiếng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên lên rừng hái nấm hoang dại ăn kể cả nấm màu trắng, nấm có đầy đủ các phần của thể quả.

Đặc biệt chú ý không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo, khó nhận dạng.

Nấm tươi ăn được mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi hay dập nát có thể hình thành độc tố mới gây ngộ độc. Không ăn nấm đã bị thối rữa ôi thiu. Khi có triệu chứng ngộ độc như đau bụng, đi ngoài... sau khi ăn nấm thì cần móc họng gây nôn, sau đó khẩn trương đưa đến các cơ sở y tế gần nhất.

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 6.

Nấm đen nhạt - một loại nấm cực độc, chỉ khoảng 30g nấm (một miếng nhỏ bằng ngón tay út) cũng đủ giết chết một người trưởng thành.

Khi tập luyện, làm việc nặng, uống nước thế nào cho đúng?

Một cốc nước giải khát được tu ừng ực khi bạn đang nhễ nhại mồ hôi, khát cháy họng tưởng như tốt cho cơ thể vì đáp ứng kịp thời nhu cầu. Nhưng sự thật thì bạn đang gây tổn hại cho sức khỏe của mình mà không hề biết.

Bài dịch từ Women’s Health trên báo Thanh Niên mới đây cho biết, không phải lúc nào uống nước cũng là tốt. Đặc biệt là thời điểm sau khi làm việc nặng hay tập luyện trong một thời gian dài.

Lý do là sau những hoạt động như vậy, cơ thể bạn mất chất điện phân như kali, natri mà nước không thì không thể bù đắp. Trong trường hợp này, bạn nên uống nước dừa vốn có nhiều kali, magie, natri và vitamin C.

Giải thích kỹ hơn về việc này, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng từng khuyến cáo trên Giadinh.net.vn, mùa hè hoặc sau khi lao động mệt nhọc sẽ khiến cơ thể có cảm giác rất khát, đó là vì cơ thể đã bài tiết một lượng lớn nước qua tuyến mồ hôi nên có nhu cầu uống để bù lại lượng nước đã tiêu hao.

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 7.

Khi uống nước, hãy từ tốn!

Tuy nhiên, nếu uống ừng ực cả ca nước sẽ gây hại cho tim. Vì sau khi lao động, những mao mạch máu ở đường ruột, dạ dày ở trạng thái co lại, cơ bắp tập trung trong khi lao động cũng rất căng thẳng. Nếu ngay lúc đó đưa một lượng lớn nước vào cơ thể thì dạ dày sẽ không hấp thụ và chuyển hóa ngay được.

Nước dễ bị tích tụ trong dạ dày và đường ruột gây cảm giác khó chịu, buồn nôn ảnh hưởng đến việc tiêu hóa. Hơn nữa, buồng tim đã vất vả trong khi lao động, nếu tăng đột ngột một lượng lớn nước trong cơ thể thì tim lại phải tiếp tục làm việc nhiều hơn để điều hòa lượng nước này nên rất có hại.

Cách tốt nhất là uống nước từ từ, ít một, đều đặn, ngay cả khi không khát.

Rau sống tưới nước thải tím ngắt, thịt lợn vào báo cáo của World Bank - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại