Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.
Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.
Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:
Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp
Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân
Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh
Kỳ 4: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử
Kỳ 5: [Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Hệ thống y tế sụp đổ
Khi đó tôi bị nổi mẩn cả người. Bác sĩ (BS) của tôi, một người đàn ông thân thiện độ khoảng 50 tuổi, kêu tôi vào phòng ngay. Các bệnh nhân và một người lao công bu quanh xem tôi, một người đàn ông Mỹ, cởi áo ra để chỉ những vết đốm trắng trên da. Vị BS hỏi tôi sống ở đâu, tôi nói là Bắc Kinh. Đương nhiên rồi, ông nói - không khí ở Vân Nam rất khác, và đó là nguyên nhân của mẩn ngứa.
Tôi nói với BS là những lần trước đến Vân Nam tôi không bị vấn đề gì. "Thế còn đồ ăn? Ở đây đồ ăn cay lắm. Hay là ông không quen nước uống vùng này?", ông hỏi. Tôi nói tôi quen ăn cay và toàn uống nước đóng chai. Vị BS bối rối, và khi tôi hỏi tôi nên làm gì, ông ấy khuyên tôi nên rời khỏi Vân Nam đi.
BV Hữu Nghị Bắc Kinh
Lần thứ hai đến thăm một BV Trung Quốc, tôi được mặc áo blouse trắng đóng vai BS. Mông Hạ, một phẫu thuật viên khoảng 40 tuổi đồng ý cho tôi đi theo "học việc" một ngày tại BV Hữu Nghị Bắc Kinh.
Những BS khác mà tôi tiếp cận để xin phỏng vấn đã từ chối, nhưng BS Mông Hạ vừa cho ra mắt một trang web quảng cáo kỹ thuật cắt bao tử để giảm cân (bariatric-surgery) mới nhất của mình, và ông cho rằng đây là cơ hội để tự quảng cáo. Tôi được ngồi trong góc phòng xem ông khám bệnh.
BS Mông Hạ, Phó Giáo sư và BS Trưởng BV Hữu Nghị Bắc Kinh – Chuyên khoa Tiêu hoá
Một người phụ nữ đứng tuổi bước vào. "Sao lâu rồi bà mới đến khám!", BS Mông hỏi. Bà than bị đau bụng và muốn hỏi BS về các kết quả xét nghiệm. Ông cho rằng triệu chứng đau bụng của bà có liên quan đến táo bón. "May lắm thì tôi đi ngoài khoảng ba ngày một lần", bà nói.
BS Mông bảo "Như thế là không đủ. Bà phải đi ngoài mỗi ngày chứ. Bà thường ăn đồ ăn gì?" "Bánh bao, cơm và cháo?" bà trả lời. BS Mông khuyên bà nên ăn nhiều rau hơn, đồng thời khuyến cáo bà nên đến khoa Tiết niệu để siêu âm. Tuy nhiên, bệnh nhân từ chối.
Với vai trò chuyên khoa, BS Mông có đủ thời gian để làm quen với bệnh nhân và nghe các lo lắng của họ. Nhưng ông thuộc về nhóm thiểu số.
Sau khi hết ca làm việc, BS Mông đưa tôi đến văn phòng của một BS đa khoa thông thường. Vị BS đang viết toa cho một bệnh nhân nữ mặt đầy lo lắng. Khi tôi hỏi hôm nay ông đã khám cho bao nhiêu bệnh nhân rồi, ông lẳng lặng thu gom mấy xấp hàng tá hoá đơn trải khắp mặt bàn và xếp thành một chồng trước mặt tôi.
Khám bệnh tại Trung Quốc
Tôi đã được nghe vô số các câu chuyện về BS Trung Quốc làm việc quá sức. Một BS chẩn đoán hình ảnh tại Thượng Hải nói con số kỷ lục cho lượng bệnh nhân mà một BS khám trong một ngày mà ông được biết là 314.
"Đó là con số tại BV Nhi Thượng Hải," ông nói. "Một bác sĩ, 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều. 10 tiếng. Hai phút cho mỗi bệnh nhân."
Theo một nghiên cứu tại tỉnh Thiểm Tây, mỗi lượt khám trung bình khoảng 7 phút, và trong thời gian đó BS chỉ dành 1,5 phút để nói chuyện với BN.
Vì BS có ít thời gian như vậy nên BN cũng trở nên đòi hỏi và nôn nóng hơn. Họ thường đứng đông trước phòng khám và có khi đi vào mà không gõ cửa.
BS Joe Passanante đến từ thành phố Chicago, có dịp sang trao đổi ở BV Hữu Nghị Bắc Kinh kể lại: "Có một lần tôi đang làm hồi sức tim phổi (CPR) cho một phụ nữ thì bố mẹ của một bé gái bước vào phòng. Họ không quan tâm tôi đang nhấn liên tiếp lên lồng ngực của một người đang chết và tìm cách cứu sống bà ấy. Họ đòi tôi phải khám ngay cho con gái của họ."
Sau một ngày đi theo chân BS Mông Hạ, tôi để ý ông chưa nhận phong bì lì xì đỏ nào từ bệnh nhân. Ông ấy trả lời rằng tiền "bồi dưỡng" thường chỉ được đưa khi có các ca giải phẫu lớn, chứ ít khi thấy khi khám bệnh thông thường.
Nhưng ông nói rằng các phong bì hối lộ đã trở nên quá quen thuộc ở BV Trung Quốc, nên hiếm khi có ai lưu ý cả. Bác sĩ ở Trung Quốc có lương thấp, nhưng được hỗ trợ thêm từ tiền thưởng, hoa hồng từ việc bán thuốc, và tiền bồi dưỡng của bệnh nhân.
BS Mông nói: "Tôi muốn lái xe hơi, muốn có nhà. Tôi cần có thu nhập thêm. Nếu một bệnh nhân đưa phong bì lì xì sau khi phẫu thuật, tôi lẽ nào từ chối?"
Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA
Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.
Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.
Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.
Còn tiếp
Bộ Y tế công bố Việt Nam đã có trường hợp mắc vi rút Zika