[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử

Trần Đặng Minh Trí (CLB Quản lý chất lượng - An toàn người bệnh) |

Tào Tháo nghi Hoa Đà muốn giết mình nên tống ông vào ngục và khép vào tội chết. Đây là một ví dụ rất sớm về hành vi bạo lực của người bệnh đối với bác sĩ ở Trung Hoa.

Năm 2014, vấn đề bạo lực y tế tại Trung Quốc trở thành tâm điểm dư luận thế giới, sau một chuỗi các vụ án bệnh nhân giết bác sĩ. Nhân vụ việc này, tạp chí New Yorker đã gửi phóng viên kỳ cựu Christopher Beam đi điều tra.

Phóng sự dài ‘Under The Knife’ (Dưới lưỡi dao) của Christopher mang đến cái nhìn cận cảnh, về một nền y tế đang khủng hoảng trầm trọng, nơi mà cả người bệnh và nhân viên y tế đều là nạn nhân.

Mời độc giả đọc các kỳ trước tại đây:

Kỳ 1: [Phóng sự dài kỳ] "Dưới lưỡi dao": Án mạng tại khoa Thấp khớp

Kỳ 2: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Sụp đổ mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân

Kỳ 3: [Phóng sự dài kỳ] Đại dịch bạo lực y tế TQ: Bệnh nhân gian nan chữa bệnh

Lịch sử Trung Quốc - Bác sĩ giỏi nhất cũng có vai vế thấp trong xã hội.

Một trong những bác sĩ đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa là Biển Thước (扁䳍). Biển Thước, tên thật là Tần Hoãn tự Việt Nhân, vốn người châu Mạc, Bột Hải (nay là huyện Nhiệm Khâu, tỉnh Hà Bắc – thời Chiến quốc thuộc nước Triệu). Ông sinh khoảng năm 401 trước Công Nguyên, mất năm 310 trước Công nguyên, thọ hơn 90 tuổi.

Tài chữa bệnh của ông được kể lại qua sách xưa, như truyền thuyết về khả năng nhìn xuyên thấu cơ thể người bệnh và khiến người chết sống lại. Tuy nhiên ông lại không được ân sủng trong thời của mình. Khi ông chẩn đoán vua nước Triệu mắc bệnh, nhà vua không tin và đuổi ông đi vì nghĩ ông muốn chế ra bệnh để kiếm tiền. Vài ngày sau, vua qua đời.

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử - Ảnh 1.

Hoa Đà

Hoa Đà một vị lương y nổi tiếng thời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa, được xem như thần y và là một trong những ông tổ của Đông y. Ông sống cuối thời Đông Hán, thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên.

Theo tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Hoa Đà đã chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc do mũi tên đâm vào trong lúc Quan Vũ vẫn bình thản đánh cờ vây (xem hình).

Hoa Đà được cho là đã biết áp dụng kỹ thuật gây mê bằng một hỗn hợp rượu và thảo dược được gọi là ma phí tán (麻沸散), 1.600 năm trước khi người phương Tây biết áp dụng kỹ thuật này trong phẫu thuật.

Khi ông khuyên một vị tướng (Tào Tháo) nên mổ sọ để cạo chất độc ra, Tào Tháo đã nghi Hoa Đà muốn giết mình nên tống ông vào ngục và khép vào tội chết. Đây là một ví dụ rất sớm về hành vi bạo lực của người bệnh đối với BS ở Trung Hoa.

Tuy Trung Quốc có truyền thống y khoa lâu đời nhưng người làm ngành y thường không được kính trọng. Theo hệ tư tưởng Khổng giáo, mỗi học sĩ đều phải biết đủ về y thuật để tự chăm sóc gia đình của mình, vì vậy ngay cả những người BS giỏi nhất cũng có vai vế thấp trong xã hội.

Học giả y khoa đời nhà Thanh, Nhất Dương Tử (Xu Yanzuo) coi thường trình độ giới y sĩ nói chung đến mức ông đã viết: "Hiếm khi con người chết vì bệnh tật. Thường thì họ chết vì uống thuốc".

"Bác sĩ chân đất" - Cách mạng y tế Trung Quốc

Những kỹ thuật y khoa hiện đại, tiến hoá từ châu Âu và Bắc Mỹ vào thế kỷ 19 du nhập khá chậm vào Trung Hoa. Đến tận thế kỷ 20, BS Trung Quốc tiếp tục áp dụng kết hợp Đông y và Tây y. Và chỉ đến khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền năm 1949 thì chính phủ mới bắt đầu nhận trách nhiệm cung cấp dịch vụ y tế cho người dân.

Khi đó, chính phủ tập trung vào vấn đề y tế công cộng-phổ cập vaccin, cải thiện vệ sinh môi trường. Mao Trạch Đông đưa ra chiến dịch "Tứ hại" (Four Pests) - diệt muỗi, ruồi nhặng, chuột và chim sẻ.

Năm 1955, Mao Trạch Đông cùng với 14 vị bí thư tỉnh ủy viết bản "Cương lĩnh phát triển nông nghiệp toàn quốc", trong đó điều 27 quy định: "Phải trừ tứ hại. Bắt đầu từ năm 1956, lần lượt trong vòng 5 năm, 7 năm hoặc 12 năm, tại tất cả các địa phương có thể, về cơ bản phải tiêu diệt hết chuột, chim sẻ, ruồi nhặng và muỗi".

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử - Ảnh 2.

Bích chương về diệt trừ tứ hại

Năm 1965, trước thềm Cách mạng văn hoá, Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố chính sách sẽ cấp cho mỗi hợp tác xã một nhân viên y tế có qua đào tạo – chăm sóc y tế bán thời gian, và tham gia sản xuất thời gian còn lại. Đội quân này được gọi là "bác sĩ chân đất" (barefoot doctors), và đa phần là nông dân, cộng với một số ít người trẻ từ thành thị.

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử - Ảnh 3.

Poster về hình tượng người "BS chân đất"

Theo tiêu chuẩn phương Tây, những "bác sĩ" này không phải là nhân viên y tế chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống này ít nhất đã cho người dân quê Trung Quốc được tiếp cận với việc chăm sóc y tế cơ bản nhất. Sau mười năm áp dụng, chương trình này đã nâng tuổi thọ trung bình của dân Trung Quốc từ 51 lên đến 65.

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử - Ảnh 4.

"BS chân đất" chữa bệnh ở hợp tác xã

Một vài người trong số các "bác sĩ chân đất" tiếp tục có sự nghiệp thành công trong ngành y khoa. Ví dụ BS Gordon Lưu mà tôi (phóng viên Christopher Beam) gặp ở Đại học Bắc Kinh, nơi ông là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế y tế (Health Economices) Trung Quốc.

Văn phòng của BS Lưu nằm trong một toà nhà có thời nhà Thanh, trang trí rực rỡ- một bên nhìn ra sân vườn, bên kia nhìn ra con sông. "Tôi có vị trí đẹp nhất ở đây," ông nói với một nụ cười lớn.

GS Lưu đã dành hầu hết sự nghiệp của mình ở Mỹ. Ông mặc quần thun Nike và áo phông hiệu Boss. Ông nói chuyện với sự tự tin dễ dàng của một người thầy quen dạy học. Mỗi khi tôi đặt câu hỏi, ông tạm dừng và nói "OK" trước khi bắt đầu lại từ đầu, như thể tôi là một sinh viên đã ngắt lời của ông.

[Phóng sự dài kỳ] Bạo lực y tế Trung Quốc: Nhìn từ góc độ lịch sử - Ảnh 5.

Tiểu sử GS Gordon Lưu tại Diễn đàn kinh tế thế giới

GS Lưu lớn lên ở miền quê tỉnh Tứ Xuyên. Và như hầu hết những thanh niên thời Cách mạng văn hoá, ông được cho đi làm việc ở hợp tác xã sau khi học xong trung học. Ông vẫn nhớ việc phải thức dậy 6 giờ sáng mỗi ngày để đi gieo ngô trên những mảnh đất hoàn toàn không phù hợp cho việc trồng ngô. "Ngày nào chúng tôi cũng phải làm những công việc vô ích đó", ông nói.

Một ngày kia, vị lãnh đạo hợp tác xã gọi ông lại và nói ông sẽ trở thành BS của làng. Chứng chỉ hành nghề của ông, đó là tấm bằng tốt nghiệp trung học.

"Tôi hoàn toàn không biết gì về y khoa. Tôi cứ bắt đầu chữa bệnh cho người dân của hợp tác xã (dựa vào cuốn sổ tay y khoa của chính phủ). Tôi không biết bao nhiêu người đã bệnh nặng hơn từ việc "điều trị" của tôi. Liệu có bao nhiêu người chết? Tôi hoàn toàn không biết".

Tuy vậy, các "BS chân đất" được người dân tôn trọng và người dân nói chung không than phiền gì về chất lượng dịch vụ y tế. "Thời đó, con người ta tranh giành nhau từng cốc nước, chén cơm," GS Lưu nói, "Y tế là một thứ xa xỉ mà chẳng ai dám mơ tới".

Trần Đặng Minh Trí, CFA, MBA

Lịch sử bạo lực y tế (Loạt bài Bạo hành y tế tại Trung Quốc) bài 4 - Ảnh 2.

Thạc sĩ Trần Đặng Minh Trí là chuyên gia về chiến lược với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế và tài chính.

Anh là Tư vấn viên chiến lược (Strategy Consultant) cho Tập đoàn Bệnh viện Ramsay Health Care, với hơn 200 bệnh viện khắp thế giới.

Đồng thời, anh là giảng viên của chương trình đào tạo phi lợi nhuận dành riêng cho Việt Nam của Đại Học Y Sydney, mang tên 'Học mãi’.

Còn tiếp

12.000 bác sĩ Mỹ kêu gọi "cấm" 1 món ăn yêu thích của trẻ em khắp thế giới, trong đó có VN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại