Lúc ốm đau nên ăn hay nên nhịn?

BS. Phạm Văn Thân |

Trên thực tế, khi ốm đau chúng ta thường có phản ứng chán ăn tự nhiên. Cơ thể làm vậy đúng hay sai? Lời mọi người thường khuyên nhau khi ốm “ăn nhiều cho mau lành bệnh” sai hay đúng? Câu trả lời có trong bài viết dưới đây.

Cơ thể chán ăn khi ốm rất có lý

Nhóm nghiên cứu của Đại học Yale do Ruslan Medzhitov - nhà miễn dịch sinh học dẫn đầu đã công bố trên tạp chí Cell. Trong đó, Ruslan Medzhitov cùng các cộng sự nhằm mục đích tìm hiểu xem tác động của chế độ nhịn ăn lên hệ thống miễn dịch và quá trình trị bệnh của cơ thể như thế nào.

Medzhitov đã thực hiện nhiều thí nghiệm trên những con chuột nhiễm bệnh do hai loại mầm bệnh là virus và vi khuẩn. Medzhitov cho biết : “Khi động vật mắc bệnh, chúng ngừng ăn và chuyển sang một chế độ chuyển hóa trong trạng thái đói”.

Đến đây chúng ta đã hiểu: tại sao khi bị bệnh, cơ thể lại có phản ứng chán ăn tự nhiên? Bởi cơ thể là một cỗ máy sinh học kì diệu, hẳn nó sẽ làm điều đó vì lợi ích sống còn.

Lúc ốm đau nên ăn hay nên nhịn? - Ảnh 1.

“Sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn, đã giúp người phương Tây mau khỏi bệnh cảm lạnh

Thức ăn tác động trái chiều với bệnh nhiễm vi khuẩn và nhiễm virus?

Medzhitov đặt vấn đề: “Câu hỏi đặt ra là liệu sự trao đổi chất xảy ra trong thời gian chúng nhịn đói có tác dụng bảo vệ hoặc gây hại tới cơ thể?”. Nhằm làm rõ điều này, các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột bị ốm đang nhịn đói ăn trở lại. Kết quả họ phát hiện ra rằng: những con chuột bị bệnh do nhiễm virus sống sót.

Còn những con chuột nhiễm khuẩn lại nhanh chóng chết vì bệnh đang mắc. Tìm hiểu thực đơn trong chế độ ăn và các chất dinh dưỡng bao gồm các loại chất: chất đạm (protein), chất béo ( lipit) và chất đường (glucose). Các nhà khoa học phát hiện : chính chất đường phải chịu trách nhiệm cho kết quả đối lập giữa hai nhóm chuột bị bệnh do virus và vi khuẩn.

Theo đó những con chuột bị bệnh do nhiễm virus được ăn thì nhanh chóng khỏi bệnh. Ngược lại, những con chuột bị bệnh do nhiễm vi khuẩn, được ăn thì dễ bị chết. Để khẳng định vai trò của chất đường, các nhà nghiên cứu lặp lại thí nghiệm.

Chỉ khác là: lần này họ kết hợp thêm một số loại hóa chất để ngăn chặn sự chuyển hóa của đường glucose. Kết quả ngay lập tức đảo ngược: những con chuột nhiễm vi khuẩn lại sống sót còn những con chuột nhiễm virus thì “ra đi”.

Theo các nhà nghiên cứu: tác động của yếu tố dinh dưỡng trong các bệnh nhiễm virus và nhiễm khuẩn khác nhau là do sự khác biệt trong phản ứng miễn dịch. Theo đó, bệnh nhiễm vi khuẩn và virus gây ra các loại viêm khác nhau để lại tổn thương trên mô.

Cùng một chế độ dinh dưỡng có thể giúp ích cho cơ thể chống lại bệnh này nhưng lại cản trở khả năng chịu đựng viêm nhiễm của cơ thể đối với bệnh kia. Medzhitov nói: “Trong thời gian bị nhiễm virus, chế độ ăn cung cấp glucose có thể rất cần thiết cho sự sống còn”.

Ngược lại, nhịn ăn dẫn đến quá trình sản sinh xeton, một dạng nhiên liệu, có thể giúp động vật chịu đựng một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn”.

Cũng theo các nhà nghiên cứu: các chế độ ăn uống khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên bệnh truyền nhiễm. Kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa với các bác sĩ và người nhà bệnh nhân đang chăm sóc người bệnh, nhất là những ca bệnh nặng phải cách ly trong phòng chăm sóc đặc biệt.

Lúc ốm đau nên ăn hay nên nhịn? - Ảnh 2.

Virus cúm AH5N1 – gây bệnh cảm cúm

Bệnh nào nên ăn và bệnh nào nên nhịn?

Vận dụng kết quả nghiên cứu trên vào thực tế sao cho có lợi? Bằng chứng thuyết phục mà nhóm nghiên cứu đã chỉ ra cơ sở khoa học cho một câu thành ngữ phương tây: “Sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn “ (“Starve a fever, feed a cold”). Điều đó cũng có nghĩa là ở phương Tây, họ đã vận dụng được giống kết quả nghiên cứu này bằng kinh nghiệm dân gian.

Bác sĩ Andrew Wang, tác giả chính của nghiên cứu trên phát biểu: “Qua nhiều thiên niên kỷ, tất cả các sinh vật đã tiến hóa để hòa hợp với những gì mà tế bào cần”. Những tế bào thì cần các chất dinh dưỡng nhất định để thực hiện chức năng sống. Từ đó chúng ta thấy rằng: khẩu vị hay phản ứng chán ăn khi ốm hoàn toàn có thể là thứ cơ thể sử dụng, để nhắc nhở chúng ta cách tốt nhất giúp nó nhanh chóng vượt qua bệnh truyền nhiễm.

Còn ở Việt Nam chúng ta thì sao? Từ trước đến nay, chúng ta thường có thói quen đi thăm người ốm bằng “cân đường, hộp sữa” . Khi đến thăm người bệnh, chúng ta cũng thường động viên người bệnh: “ăn nhiều cho chóng khỏe”. Cách làm này của người Việt có vẻ như thiếu khoa học trong thói quen chăm sóc bệnh nhân, hay ít ra nó cũng không phải là đúng cho mọi trường hợp ốm đau.

Dựa vào kết luận của Medzhitov: “Trong thời gian bị nhiễm virus, chế độ ăn cung cấp glucose có thể rất cần thiết cho sự sống còn. Ngược lại, nhịn ăn dẫn đến quá trình sản sinh xeton, một dạng nhiên liệu, có thể giúp động vật chịu đựng một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn”.

Chúng ta áp dụng như sau: khi một người bị cảm cúm, nên nấu cháo hành cho người bệnh ăn. Còn các trường hợp ốm mà có sốt khác, nếu người bệnh chán ăn thì chúng ta cũng đứng có ép họ ăn. Khẩu phần ăn: nên giảm chất bột đường ( giảm cơm cháo, phở…); tăng cường chất đạm và béo ( tăng thịt, cá, trứng, sữa …)

(Theo NewsYale)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại