"Nhịn cơm" - phong trào xuyên lịch sử tại các nước châu Á
Trung Hoa thời xưa và phương pháp "ích cốc"
"Ích cốc" là khái niệm biểu thị chế độ ăn uống không có các món làm từ lương thực, ngũ cốc. Chiếu theo khái niệm hiện đại, "ích cốc" cũng là một hình thức nhịn cơm của người xưa.
Khái niệm này có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc, được ghi lại sớm nhất trong văn tự thuộc một ngôi mộ thời nhà Hán được phát hiện năm 1973. Văn tự này ghi rằng: "Người ‘ích cốc’ không đói bụng, thân thể nhẹ bẫng". Điều này cho thấy, từ thời nhà Hán, phong trào nhịn cơm đã tương đối thịnh hành.
"Ích cốc" càng trở nên phổ biến khi Đạo giáo chiếm thế thượng phong tại Trung Hoa. Người cổ đại thời bấy giờ tin rằng, việc "ích cốc" có thể giúp cơ thể "không đói, thân nhẹ, kéo dài tuổi thọ". Họ quan niệm: "Muốn trường sinh thì ruột phải sạch, muốn bất tử thì ruột không được bẩn".
Hình thức "ích cốc" chủ yếu được tầng lớp cao cấp trong xã hội áp dụng với mong muốn kéo dài tuổi thọ, thậm chí bất tử.
"Ích cốc" không phải là nhịn ăn cơm hoàn toàn như chúng ta vẫn thường nghĩ. (Tranh minh họa).
Bản chất của việc "ích cốc" không phải là nhịn cơm hoàn toàn, mà thay thế cơm bằng các dược phẩm bổ dưỡng như "nhị hoàng tinh", "phục linh", "sơn địa hoàng" hoặc khoai từ, mật ong…Vậy nhưng ngày nay, không ít người cho rằng "ích cốc" là nhịn cơm hoàn toàn.
Phong trào nhịn cơm để giảm cân, chữa bệnh cũng bởi vậy mà ngày càng phổ biến trong xã hội Trung Quốc nói riêng và tại nhiều nước trên thế giới nói chung.
Ít ai biết rằng, người cổ đại "ích cốc" chỉ đơn giản là hạn chế ăn cơm và các chế phẩm từ ngũ cốc, hoa màu. Còn phong trào nhịn cơm lệch lạc ngày nay không những không thể kéo dài tuổi thọ mà còn gây ra nhiều nguy hại đối với sức khỏe.
Trào lưu "nhịn cơm cuối tuần" của phụ nữ Nhật Bản hiện đại
Những năm gần đây, phụ nữ Nhật Bản đang thịnh hành trào lưu "nhịn cơm cuối tuần". Theo đó, vào thứ bảy hằng tuần, bữa ăn của họ sẽ chỉ vỏn vẹn là một cốc nước ép rau củ và nói không với cơm cũng như các món khác.
Nhiều phụ nữ ở xứ sở mặt trời mọc tin rằng, việc không hấp thu bất kỳ thực phẩm dạng rắn nào vào cơ thể trong một ngày sẽ giúp dạ dày được thanh lọc và thải độc cơ thể.
Đến từ Sở nghiên cứu Dinh dưỡng Thực phẩm trực thuộc Viện Quân sự - Kinh tế, giáo sư Lý Hiểu Lỵ đã đưa ra một câu trả lời tiêu cực đối với phong trào "nhịn ăn cuối tuần" này.
Giáo sư Lý cho rằng, việc nhịn cơm để thải độc cơ thể là không có cơ sở khoa học, thậm chí còn có thể gây phản tác dụng. Nguyên nhân là bởi khi nhịn cơm, cơ thể sẽ tự động tiêu thụ mỡ tự thân để bổ sung nguồn năng lượng cần thiết.
Tuy nhiên, khi lượng mỡ tự thân được hấp thu, những chất độc tích tụ lâu dài trong chất béo như dioxin, thuốc trừ sâu, polychlorinated biphenyls... sẽ được giải phóng, khiến cơ thể có nguy cơ bị nhiễm độc.
Chân dung chuyên gia dinh dưỡng - Phó giáo sư Lý Hiểu Lỵ. (Ảnh: Nguồn Internet).
Hơn nữa, khi nhịn cơm, dịch mật cũng không được tiết ra để đào thải độc tố, khiến nguy cơ nhiễm độc lại càng tăng cao.
Từ đó, giáo sư Lý cảnh báo mọi người rằng, đứng trên góc độ dinh dưỡng, biện pháp tốt nhất để thanh lọc cơ thể chính là duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục, tăng cường ăn các thực phẩm hỗ trợ thải độc như tảo bẹ, đậu xanh, nấm đen, sữa chua…
Y học khẳng định: Nhịn cơm không có tác dụng chữa bệnh!
Ăn uống được xem như bản năng và là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người.
Nếu như tại các nước châu Á, cơm là một món không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, thì tại các quốc gia khác, họ có thể dùng một số loại lương thực khác giàu tinh bột tương tự như cơm để làm món chính.
Nhịn cơm trong tiếng Trung được biết tới bằng các tên gọi như "ích cốc", "tuyệt thực", "cấm thực"... Hành vi này có nguồn gốc từ thời xa xưa và bắt nguồn từ nhiều lý do liên quan tới tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật…
Thậm chí, có một giai đoạn, việc nhịn cơm còn được dùng như một liệu pháp chính để chữa trị bệnh tật.
Năm 1911, một Tiến sĩ y học của Đức Quốc Xã đã sử dụng phương pháp nhịn cơm để điều trị viêm gan và xương khớp cho nhiều bệnh nhân của mình. Một số tư liệu lịch sử thời kỳ này cũng đã ghi nhận rằng, phương pháp này thu được nhiều hiệu quả trị liệu như mong muốn.
Sau đó, vị tiến sĩ này đã bỏ ra 9 năm nghiên cứu và áp dụng phương pháp nhịn cơm trong việc điều trị công khai tại bệnh viện. Từ đó, nhịn cơm trở thành một liệu pháp chữa bệnh được áp dụng rộng rãi và được cho là "có cơ sở khoa học".
Căn cứ vào thời gian nhịn cơm, liệu pháp này chia thành hai loại là "nhịn cơm ngắt quãng" và "nhịn cơm hoàn toàn".
Việc "nhịn cơm ngắt quãng" được tiến hành bằng cách cho người bệnh ăn một ngày, nhịn một ngày. Trong khi đó, "nhịn cơm hoàn toàn" có thể kéo dài trong một tuần hoặc toàn bộ thời gian điều trị.
Vì lý do an toàn, người tiến hành liệu pháp nhịn cơm thời bấy giờ buộc phải ở lại bệnh viện để được chăm sóc và theo dõi nghiêm ngặt.
Nhưng trên thực tế, liệu pháp trên có thực sự sở hữu công năng chữa trị hoặc phòng ngừa bệnh tật hay không?
Nhịn cơm hoàn toàn không có công dụng phòng ngừa hoặc chữa trị bệnh tật như nhiều người vẫn lầm tưởng. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Thông qua việc nghiên cứu tư liệu lịch sử, các nhà khoa học đã khẳng định rằng, người sáng tạo ra liệu pháp này chủ yếu áp dụng trên những bệnh nhân giai đoạn cuối và không còn phương pháp chữa trị nào khác.
Như vậy, chỉ cần người bệnh không chết, đó đã được coi là một "kỳ tích". Và "kỳ tích" này được ghi nhận trên một số người bị phong thấp, mắc bệnh tiêu hóa, da liễu…
Ngày nay, giới y học vẫn không áp dụng chính thức liệu pháp nhịn cơm trong việc chữa trị và phòng ngừa bệnh tật. Các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là phương pháp đối phó tạm thời với chứng thừa cân, cao huyết áp và có một số công dụng với những người mắc tiểu đường type II.
Tác dụng của nhịn cơm đối với việc giảm cân là rõ ràng hơn cả. Theo các số liệu khoa học, việc liên tục nhịn cơm trong vòng 7 ngày có thể giúp phụ nữ giảm từ 3-5kg và giúp đàn ông giảm từ 5-7kg.
Tuy nhiên, giảm cân bằng việc nhịn ăn được khẳng định là không có lợi cho sức khỏe. Sau khi khôi phục chế độ ăn uống, cơ thể người bệnh sẽ trở về thể trọng như ban đầu, thậm chí còn có dấu hiệu tăng cân.
Đối với người mắc chứng cao mỡ máu và tiểu đường, chế độ ăn uống hằng ngày của họ đã phải kiêng khem rất nhiều. Vì vậy việc nhịn cơm chỉ được coi như một biện pháp kham khổ hơn và cũng không có khả năng trị bệnh tận gốc, càng không thể thay thế các biện pháp điều trị bình thường khác.
Từ những cơ sở này, các nhà khoa học đã khẳng định rằng, nhịn cơm không có tác dụng chữa trị tận gốc hoặc phòng ngừa bệnh tật. Đây cũng là lý do mà giới y khoa hiện nay không phổ biến liệu pháp này vào công tác chữa trị.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột tử cũng chỉ vì... nhịn cơm!
1. Tác hại tức thời của việc nhịn cơm
Kết quả của một thực nghiệm đã cho thấy, người nhịn cơm vào những ngày đầu sẽ thường xuyên xuất hiện các dấu hiệu mệt lả vì đói và cảm giác thèm ăn mãnh liệt.
Nhưng đến ngày thứ 4 thì cảm giác đói sẽ tiêu tan nhờ não bộ tiết ra enkephalin nội sinh để xoa dịu cơn đói. Tuy nhiên đây chỉ là sự an ủi tạm thời được não bộ đưa ra để đánh lừa cơ thể.
Các nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra rằng, người nhịn cơm sẽ phải trải qua những cảm giác khó chịu như choáng váng, nhức đầu, bải hoải, đau dạ dày, mất ngủ, buồn nôn… Và những triệu chứng này chỉ chấm dứt khi chế độ ăn uống được khôi phục ổn định trở lại.
Những chế phẩm từ rau củ, nước trái cây không thể thay thế hoàn toàn vai trò dinh dưỡng mà cơm mang lại đối với cơ thể. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
2. Những nguy hại tiềm ẩn sau mỗi lần nhịn cơm
Nhịn cơm trong một thời gian dài, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng. Cơ thể sẽ buộc phải tiêu thụ lớp mỡ dưới da và các cơ, thậm chí tim, thận, hệ tiêu hóa cũng nhiều cơ quan khác cũng bị hư tổn ở những mức độ khác nhau.
Bên cạnh đó, một loạt các tuyến nội tiết cũng sẽ rơi vào tình trạng rối loạn. Đặc biệt, nguy hiểm hơn cả là nguy cơ đột tử do tim bị tê liệt.
Cách đây không lâu, dư luận Trung Quốc đã xôn xao một thời gian dài về câu chuyện chàng thanh niên 27 tuổi đột tử do nhịn cơm. Thông tin này cũng đã được Soha gửi tới quý độc giả qua bài viết "Thanh niên tráng kiện nôn ra máu, đột tử vì nhịn cơm để có được thân hình hoàn mỹ".
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống thiếu tinh bột và khoáng chất khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất cân bằng về dinh dưỡng, dẫn tới xơ cứng động mạch.
Trước đây, có một số nguồn thông tin khẳng định rằng việc nhịn ăn cơm có thể làm giảm tới 40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đến từ Bệnh viện I thuộc Đại học Trung Sơn, chuyên gia khoa Tim mạch là giáo sư Trần Quốc Vỹ đã bác bỏ tin đồn này.
Giáo sư Trần khẳng định: "Đến tận bây giờ, vẫn chưa có căn cứ y học nào chứng minh nhịn cơm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim".
Chưa dừng lại ở đó, chuyên gia tim mạch này còn nhấn mạnh, nhịn cơm làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim là chuyện không thể nào. Nếu như vậy, việc phòng ngừa và chữa trị các bệnh lý tim mạch chẳng phải trở nên quá dễ dàng hay sao?
Hơn nữa, những thông số thu được từ thực nghiệm đã cho thấy, trong lúc nhịn cơm, đường huyết tối thiểu của cơ thể chỉ đạt 2.0 mmol/l (mức bình thường dao động từ 3,89 – 6,1 mmol/l).
Cùng với đó, lượng kali huyết thanh trong quá trình nhịn cơm chỉ đạt 2, 14mmol/l, trong khi đó chỉ số bình thường phải ở trong khoảng 3,6-5, 4mmol/l.
Tương tự như vậy, chức năng gan, chỉ số của công năng thận cũng không đạt ngưỡng bình thường trong khi chúng ta nhịn cơm.
Chân dung chuyên gia về Tim mạch - Giáo sư Trần Quốc Vỹ. (Ảnh: Nguồn Internet).
Giáo sư Trần Quốc Vỹ chia sẽ, từ số liệu thực tế này, có thể thấy người nhịn cơm sẽ bị hạ đường huyết và suy giảm lượng kali trong máu.
Khi lượng kali trong máu bị suy giảm, hệ thống tim mạch sẽ phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng như tâm thất trái đập nhanh bất thường, rung tâm thất, thậm chí đột tử.
Bên cạnh đó, lượng glucose là nguồn năng lượng chính của não. Mà việc nhịn ăn cơm khiến đường huyết sụt giảm có thể khiến não rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, mờ mắt, hạ huyết áp, hôn mê…
Vì vậy, giáo sư Trần đặc biệt nhắc nhở, những người sở hữu thể chất yếu, khí quan suy kiệt, ngũ tạng công năng không ổn định thì tuyệt đối không nên nhịn cơm.
Nếu muốn giảm cân, phòng ngừa tăng huyết áp và giảm nguy cơ mắc tim mạch, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống thanh đạm, thường xuyên tập thể dục, duy trì chỉ số BMI trong mức an toàn (từ 18,5 đến 25).
Những phương pháp trên tuy mang lại hiệu quả từ từ, nhưng có thể áp dụng lâu dài và không gây hại cho sức khỏe.
Lưu ý: Những đối tượng tuyệt đối không nên nhịn cơm
1. Người mắc bệnh tim: Nhịn cơm làm tăng nguy cơ tái phát bệnh tim, thậm chí gây đột tử.
2. Người mắc bệnh về mật: Nhịn cơm làm tăng khả năng kết sỏi và gây ra viêm túi mật.
3. Người mắc bệnh thận: Nhịn cơm gây mất cân bằng điện giải, ảnh hưởng tới công năng thận.
4. Bệnh nhân ung thư: Nhịn cơm khiến bệnh tình trở nặng.
5. Người mắc bệnh truyền nhiễm: Nhịn cơm làm giảm sức đề kháng, gây nguy hiểm tới tính mạng.
6. Người nghiện rượu: Những đối tượng này sở hữu công năng gan suy yếu, nhịn cơm sẽ khiến họ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng, khiến cơ thể càng thêm suy kiệt.
7. Người mắc tiểu đường: Nhịn cơm có thể gây ra tình trạng rối loạn chuyển hóa glucose, khiến bệnh tình chuyển nặng, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ mắc thêm bệnh lý về tim mạch.
Xem thêm:
*Tổng hợp nhiều nguồn: Sina.com.cn/Goukr.com