Israel-Iran sắp "huyết chiến" ở Syria: Vì sao phòng không Nga vẫn "án binh bất động"?

Mạnh Kiên |

Các cuộc không kích và đáp trả mới giữa Israel và Iran tiếp tục làm dậy sóng Syria. Vì sao Nga không dùng phòng không chống lại hỏa lực của Israel mà chỉ lên tiếng phản đối?

Nga đã cố gắng điều phối mối quan hệ đối đầu giữa Iran và Israel khi cả hai theo đuổi các mục tiêu của riêng ở Syria. Tuy nhiên, các cuộc tấn công gần đây của Israel ở Syria và những phản ứng mới của Iran đang cho thấy nguy cơ xung đột ngày càng tăng cao.

Moscow có trách nhiệm ngăn chặn một kết quả thảm khốc như vậy, nhưng hành động cân bằng của nước này có thể thất bại bất kỳ lúc nào, theo Newsweek.

Thay vì chọn một bên trong cuộc xung đột giữa Israel và Iran, Nga đã quyết định đứng trung lập, với hy vọng giải tỏa căng thẳng và ổn định tình hình Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad.

Giải thích lý do tại sao lực lượng phòng không tối tân của Nga vẫn im lặng khi Israel tấn công Syria, Phó Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga Evgeny Buzhinskiy cho rằng, Moscow cảm thấy điều đó không có gì là quá nghiêm trọng.

"Trước hết, chúng không gây bất lợi; thứ hai, chúng không gây thiệt hại lớn cho các mục tiêu của Syria, chưa nói đến các mục tiêu của Nga ở Syria", ông diễn giải.

Mặc dù vậy, Nga cũng tỏ ra lắng nghe sự bất bình của Iran . Với Moscow ở giữa, cả hai bên dường như đã kiềm chế sự hiếu chiến mặc dù Israel-Iran có sự thù địch sâu sắc.

"Đó là yếu tố thành công chính của ngoại giao Nga", Buzhinskiy nói. "Chúng tôi có thể có quan hệ với Israel, chúng tôi có thể có quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi có thể có quan hệ với Iran và chúng tôi vẫn hỗ trợ Chính phủ Syria".

Tuy nhiên, nguy cơ tính toán sai lầm vẫn là rất cao.

Kẻ thù truyền thống

Cuộc xung đột ở Syria không đơn thuần chỉ là cuộc chiến giữa quân Chính phủ và phe đối lập mà ẩn sâu trong đó là các mục tiêu riêng biệt của các cường quốc can dự tại đây.

Đối với Mỹ, các mục tiêu này thay đổi liên tục, đầu tiên là hỗ trợ cho quân đối lập; sau đó chủ yếu là các chiến binh người Kurd nhằm đánh bại IS; và hiện tại người Mỹ ở đây "chỉ vì dầu", như Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào tuần trước.

Trong khi đó, Nga lại tỏ ra nhất quán hơn nhiều. Kể từ khi bước vào cuộc chiến từ tháng 9/2015, Moscow đã tìm cách khôi phục quyền lực của chính quyền Tổng thống Assad, giúp quân đội Syria trên bờ vực thẳm lấy lại sự hiện diện trên hầu hết toàn bộ lãnh thổ đất nước.

Cả Iran và Israel đều liên quan đến Syria trước cả Nga, cũng như sự đối đầu của hai nước đã có từ lâu.

Israel-Iran sắp huyết chiến ở Syria: Vì sao phòng không Nga vẫn án binh bất động? - Ảnh 2.

Các bên ở Syria có thể tự do hành động, miễn là không ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.

Sự hỗ trợ của Mỹ đã giúp Israel phát triển một trong những quân đội hiện đại nhất thế giới, trong khi Iran đã tự xoay sở để có được "kho vũ khí tên lửa đạn đạo lớn nhất và đa dạng nhất ở Trung Đông", như lời Mỹ mô tả.

Iran cũng đã tìm cách bù đắp cho sự hạn chế về sức mạnh của mình bằng cách tập hợp được một loạt các dân quân Hồi giáo Shiite chủ yếu ở Trung Đông, mà lực lượng lâu đời nhất và mạnh nhất là phong trào Hezbollah của Lebanon, đã hai lần đụng độ với Israel trong các cuộc xung đột lớn.

Ngày nay, mặt trận chính giữa Israel và Iran là ở Syria. Bất chấp sự can gián của các cường quốc tại đây, cả hai bên đã tham gia vào các cuộc leo thang, thường là trong bóng tối.

Lời giải của Nga

Các cuộc tấn công và đáp trả giữa Israel và Iran vào tuần trước được cho là đang làm nóng thêm tình hình sau nhiều tuần trầm lắng. Nhưng có vẻ như điều này sẽ chưa thể khiến Nga có những bước đi làm thay đổi tình hình.

"Người Nga chỉ vì lợi ích của chính họ, họ không có tình cảm sâu sắc với Syria, không phải với Iran, hay Israel. Họ sẽ luôn làm những gì mà bản thân cho rằng là cơ hội tốt nhất. Ngay cả quyết định cứu giúp chính quyền Tổng thống Assad cũng vì nguyên nhân này", Yair Golan, một thiếu tướng nghỉ hưu của Israel cho biết.

"Đây là dự án của Nga, họ không có ý định gây nguy hiểm cho dự án này. Vì vậy, họ không có vấn đề gì với Iran, họ cũng không có vấn đề gì với Israel, họ không có vấn đề gì khi cho phép mỗi bên phát huy lợi ích trong khu vực, miễn là nó không gây nguy hiểm cho lợi ích của Nga", Golan tiếp tục.

"Dự án của Nga có thể gây nguy hiểm cho lợi ích của Israel và cũng có thể sát cánh cùng lợi ích của Israel. Nó phụ thuộc vào chủ đề, sự cân nhắc và các quy tắc cơ bản để tránh sự cố. Vì vậy, điều Israel cần là có chính sách tính toán kỹ lưỡng và cơ chế phối hợp an toàn. Trong mọi trường hợp, Nga vấn sẵn sàng đón nhận mọi thiện chí từ Israel".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại