Việt Nam với kế hoạch 15,5 tỷ USD ở sự kiện quốc tế 70.000 người: Gây bất ngờ với ‘quyết định táo bạo’

Vy Lam |

"Một điều bất ngờ", "quyết định táo bạo" là những gì chuyên gia quốc tế nói về cam kết mà Việt Nam đưa ra. Những nỗ lực của Việt Nam đang được thế giới đánh giá cao.

Kế hoạch 15,5 tỷ USD

Theo tờ Business Standard, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã lên đường dự Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra từ ngày 30/11-12/12 tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Hãng tin Reuters cho biết, hội nghị lần này dự kiến có 70.000 đại biểu tham dự, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới đến từ 197 quốc gia, Liên minh châu Âu (EU) và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác.

Chính phủ các nước đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán dài hơi tại Hội nghị, tập trung vào câu hỏi: Liệu có nên "lần đầu tiên thống nhất" loại bỏ sử dụng than, dầu và khí đốt phát thải CO2 trên thế giới hay không. Đốt các nhiên liệu này là nguyên nhân chính gây biến đổi khí hậu?

Việt Nam với kế hoạch 15,5 tỷ USD ở sự kiện quốc tế 70.000 người: Gây bất ngờ với ‘quyết định táo bạo’ - Ảnh 1.

Thủ tướng lên đường tham dự Hội nghị COP 28, hoạt động song phương tại UAE và thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáng lưu ý, theo hãng thông tấn AP, kế hoạch về việc "Việt Nam sẽ sử dụng 15,5 tỷ USD hỗ trợ như thế nào để chuyển đổi sang năng lượng sạch" đã được hoàn tất và sẽ được công bố tại Hội nghị lần này.

AP dẫn lời ông Mark George - cố vấn khí hậu của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết, sau nhiều tháng phối hợp với các bộ chủ chốt của Việt Nam để thảo luận chi tiết, kế hoạch cuối cùng về việc sử dụng gói hỗ trợ 15,5 tỷ USD nhằm chuyển đổi sang năng lượng sạch đã được hoàn thiện trong ngày 23/11.

Vương quốc Anh hiện là đồng chủ tịch của nhóm 9 quốc gia công nghiệp phát triển đã đồng ý cung cấp 15,5 tỷ USD để giúp Việt Nam chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng than, nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo như một phần trong thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

"Đây là một cột mốc thực sự quan trọng" – Ông George nói.

Trước đó, vào ngày 14/12/2022, đại diện Việt Nam và các nước G7, cùng đối tác phát triển là Liên minh châu Âu (EU), Na Uy và Đan Mạch đã thông qua tuyên bố chính trị thiết lập JETP nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chương trình ban đầu sẽ huy động 15,5 tỷ USD từ khu vực công và tư nhân trong vòng 3-5 năm nhằm hỗ trợ một số mục tiêu chuyển đổi sang năng lượng sạch của Việt Nam.

Trả lời báo chí trước thềm chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết thêm rằng, tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

70.000 tấn ‘vàng lỏng’ và mục tiêu của Việt Nam

AP cho biết, trong năm nay, Việt Nam đã công bố kế hoạch năng lượng quốc gia (Quy hoạch điện VIII) nhằm tăng hơn gấp đôi công suất điện tối đa mà Việt Nam có thể tạo ra lên khoảng 150 gigawatt trong năm 2030.

Kế hoạch của Việt Nam cũng đề cập tới việc giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, định hướng thực hiện chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành được 20 năm khi giá thành phù hợp, đồng thời dừng hoạt động các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Bên cạnh đó, Việt Nam hướng tới ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp, thực hiện chuyển dịch năng lượng bám sát xu thế phát triển công nghệ và giá thành trên thế giới.

Việt Nam với kế hoạch 15,5 tỷ USD ở sự kiện quốc tế 70.000 người: Gây bất ngờ với ‘quyết định táo bạo’ - Ảnh 2.

Tàu Maran Gas Achilles của Hy Lạp chở 70.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cập bến hệ thống kho cảng LNG Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu hồi tháng 7/2023. Ảnh: NLĐ

Ông Tăng Thế Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, Việt Nam cần có "sự hỗ trợ lớn" từ cộng đồng quốc tế để đảm bảo có thể thực hiện kế hoạch của mình.

Trước đó, vào tháng 7/2023, Việt Nam đã đón chuyến tàu lịch sử chở 70.000 tấn "vàng lỏng" LNG, minh chứng cho quyết tâm mang tới thay đổi bước ngoặt cho ngành điện, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tới tháng 10 năm nay, Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam đã được khánh thành, đánh dấu những nỗ lực vượt bậc của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nói riêng và Việt Nam nói chung trong hành trình chuyển đổi sang năng lượng xanh thân thiện với môi trường.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh sự kiện này đã "chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ LNG toàn cầu và đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững của Việt Nam".

Lần thứ 2 khiến quốc tế bất ngờ

Theo hãng tin Bloomberg, trong khuôn khổ Hội nghị COP26 năm 2021, Việt Nam đã gây bất ngờ khi cam kết ngừng xây dựng nhà máy điện than mới bởi các quốc gia Đông Nam Á trước nay được xem là thị trường tăng trưởng tốt cho nhiên liệu than.

Chuyên gia phân tích Caroline Chua của BloombergNEF khi đó nhận định, động thái từ bỏ nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam, cùng với cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là "một điều bất ngờ" và là "quyết định táo bạo" bởi trong thập kỷ qua, năng lượng than đã tăng từ khoảng 18% lên hơn 50% tổng sản lượng của Việt Nam.

Việt Nam với kế hoạch 15,5 tỷ USD ở sự kiện quốc tế 70.000 người: Gây bất ngờ với ‘quyết định táo bạo’ - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: Dương Giang/TTXVN

"Điều này thực sự bất ngờ", bà Chua nói, "các quốc gia Đông Nam Á vốn chưa đạt nhiều tiến bộ trong công nghệ tái tạo, trong khi nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng nhanh. Họ sẽ ngày càng gia tăng thêm lượng khí thải nếu không có giải pháp thay thế cho than. Đó là lý do tại sao việc giải quyết vấn đề này ngay bây giờ rất quan trọng".

Philippines và Indonesia cũng đã ký cam kết giảm phát thải nhưng cả hai nước này đều không đồng ý dừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới. Ngoài ra, Philippines từ chối đặt thời gian biểu cho mục tiêu loại bỏ dần việc sử dụng than.

Bước sang năm nay, tại Hội nghị COP28, Việt Nam một lần nữa gây bất ngờ khi tích cực và chủ động triển khai một cách bài bản các cam kết quốc tế đã ký từ Hội nghị COP26. Nỗ lực của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Báo điện tử Chính phủ cho biết, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế để thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, tri thức và công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới chuyển đổi xanh, phát thải carbon thấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại