Tuần trước, Tư lệnh Lực lượng hàng không vũ trụ của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, Amir Ali Hajizadeh, tuyên bố Iran đã phát triển tên lửa đạn đạo siêu thanh quốc gia đầu tiên.
Ảnh minh họa về tên lửa siêu thanh Iran. Nguồn: Eurasian Times.
Viên tư lệnh này là người đầu tiên thông báo về một tên lửa siêu thanh mới tinh do Iran tự phát triển. Hãng tin Tasnim dẫn lời ông này cho biết: "Tên lửa mới sẽ vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. Tôi không cho rằng trong các thập kỷ tới sẽ có công nghệ đủ năng lực chặn được tên lửa này".
Chưa đầy 7 phút
Tờ báo Sobh-e-Sadegh, được cho là có mối liên hệ với Vệ binh cách mạng Iran, đã ngầm thể hiện mối đe dọa đối với Israel khi ngụ ý rằng tên lửa siêu thanh mới của Iran có thể bay tới Israel chỉ trong vòng 400 giây (tức gần 7 phút).
Đáng lưu ý, bài viết trên được trình bày bằng tiếng Do Thái dù tác giả của nó là một chuyên gia quốc phòng Iran Không chỉ vậy, nó còn xuất hiện trên trang nhất của tờ báo.
Tác giả bài viết sau đó đề cập tên lửa siêu thanh như một nhân tố thay đổi cuộc chơi vì có thể vượt qua hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại.
Về phần mình, Israel triển khai một số hệ thống phòng không thuộc diện hiện đại nhất thế giới, trong đó có hệ thống Vòm Sắt. Các hệ thống như Vòm Sắt được săn đón trên thị trường quốc tế. Ngay cả quân đội Ukraine hiện nay cũng mong muốn sở hữu loại vũ khí này.
Tuy nhiên, tên lửa siêu thanh cho đến nay là không thể bị đánh chặn. Các tên lửa này đi nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần và đi theo một hành trình không thể dự đoán được.
Hiện cả Israel và Mỹ đều không sở hữu vũ khí siêu thanh hoạt động được. Trong khi đó, Nga và Iran sở hữu các vũ khí như vậy. Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm một quả tên lửa siêu thanh.
Nếu thông tin do Iran đưa ra là đúng, đây là nước thứ 4 trên thế giới sở hữu loại vũ khí này, trước cả các nước hiện đại và giàu có như Mỹ và Israel.
Công nghệ siêu thanh Iran có thể tạo ra áp lực mới lên các đối thủ của nước này
Mỹ và một số thể chế quốc tế đã hạ thấp tuyên bố của viên tư lệnh Iran về việc phát triển tên lửa siêu thanh.
Phát biểu tại hội nghị khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói: "Chúng tôi thấy rằng tất cả các tuyên bố này có tác dụng làm tăng sự chú ý và quan ngại đối với chương trình hạt nhân của Iran".
Tuy nhiên, có vẻ Iran không chỉ nói miệng. Một chuyên gia về Iran đề nghị giấu tên cho biết: "Phương tiện bay siêu thanh bay qua cự ly ngắn hơn, do vậy 400 giây là điều khả thi".
Việc phát triển tên lửa siêu thanh cùng các mối đe dọa công khai trên báo chí có thể gây gia tăng căng thẳng giữa Iran và các đối thủ khu vực. Iran đã phải chịu đựng các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây trong nhiều năm.
Trong khi đó, Israel đã phát đi một số lời đe dọa trực tiếp nhằm vào Iran . Tháng 9/2022, Thủ tướng Israel khi đó là Yair Lapid đứng trước một máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và tuyên bố: "Nếu Iran tiếp tục kiểm nghiệm chúng tôi, họ sẽ được khám phá vũ khí và năng lực tầm xa của Israel. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động trên mặt trận chống khủng bố và chống lại những ai tìm cách làm hại chúng tôi".
Cụm từ "vũ khí tầm xa" ám chỉ năng lực mới của chiến đấu cơ F-35, đó là bay tầm xa không cần tiếp thêm nhiên liệu để nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Iran đã chuẩn bị lực lượng không quân của mình, đặc biệt là kho F-35, để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
Israel và các nước Trung Đông khác đang cùng nhau hình thành một liên minh Phòng không Trung Đông (MEAD) nhằm chống lại mối đe dọa được cho là xuất phát từ Iran và các bên ủy niệm của Iran, cũng như các UAV và tên lửa đa dạng của Iran.
Liên minh này, vẫn trong giai đoạn phôi thai, được nhà nước Israel thừa nhận chính thức và đang được Mỹ xúc tiến thành lập.
Iran hiện đang bị nhiều nước để ý vì được cho là đã cung cấp cho Nga các UAV rẻ tiền và thậm chí cả tên lửa đạn đạo để giúp Nga củng cố năng lực tác chiến trước Ukraine.