Iran sở hữu loại vũ khí "cực kỳ lợi hại", Hải quân Mỹ chật vật đối phó

Trung Phạm |

Iran không thể so sánh với Mỹ về sức mạnh hải quân nhưng thủy lôi - với vai trò là vũ khí phi đối xứng, được Tehran coi như một công cụ lợi hại để đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Tehran ngay lập tức đưa ra lời đe dọa như vẫn thường thấy: Đóng cửa Eo biển Hormuz, một dải biển hẹp trên Vịnh Péc-xích - nơi diễn ra hoạt động vận chuyển khoảng 30% lượng dầu lửa thế giới.

"Nếu hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran bị cản trở, chúng tôi cũng sẽ không cho phép bất cứ hoạt động xuất khẩu dầu nào ra thế giới đi qua Eo biển Hormuz", Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố.

Để thực hiện mục tiêu nay, các tàu hải quân và phòng vệ bờ biển Iran chắc chắn sẽ đảm trách một vai trò rất lớn, tuy nhiên nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng như những công cụ hỗ trợ xung quanh một trong những thứ vũ khí lợi hại nhất của Iran: Thủy lôi.

Mối đe dọa phi đối xứng

Trong các cuộc xung đột trước đây, Iran đã từng rải rất nhiều thủy lôi trên biển và mặc dù chưa phải là loại vũ khí có độ phức tạp cao nhưng chúng cũng đã ngăn cản và gần như đã đánh chìm được các tàu chiến hải quân Mỹ.

"Ngay từ đầu những năm 1980, Iran đã rải thủy lôi trên các vùng biển ở Vịnh Péc-xích để ngăn chặn các tàu chở dầu di chuyển qua lại các cảng tại Kuwait, Saudi Arabia, Bahrain...Họ cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đe dọa các tàu chiến", Scott Savitz, kỹ sư cao cấp của Tập đoàn Rand Corporation cho biết.

"Thủy lôi đóng một vai trò lớn trong chiến thuật đối phó của Iran", Bryan Clark, chuyên viên cấp cao thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách chia sẻ quan điểm trên.

Iran sở hữu loại vũ khí cực kỳ lợi hại, Hải quân Mỹ chật vật đối phó - Ảnh 1.

Lính Iran huấn luyện gần Eo biển Hormuz năm 2011. Ảnh: Reuters

Những thủy lôi mà Iran sử dụng khi đó không quá phức tạp. Loại gần như đã đánh chìm khinh hạm USS Samuel B. Roberts của Mỹ năm 1988 là một thiết bị có từ Thế chiến thứ Nhất nhưng các thủy lôi mà họ có thể triển khai ngày nay thì tinh vi hơn và nguy hiểm hơn, một số trang bị đầu đạn nặng tới gần 2.500 pound (1.100 kg).

Theo một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế, Iran được cho là đã phát triển số lượng thủy lôi từ 1.500 quả thời chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980 lên tới hơn 6.000 quả vào năm 2012.

Mặc dù kho thủy lôi này chưa thể đồ sộ bằng các kho vũ khí tương tự của Triều Tiên, Trung Quốc hay Nga - những quốc gia cũng dựa vào các chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập (A2/AD) để hạn chế di chuyển ở những vùng biển tranh chấp nhưng của Iran lại bao gồm nhiều chủng loại, từ rẻ tiền, thông thường cho tới các thủy lôi thông minh tân tiến hơn.

Số thủy lôi tiên tiến hơn kể trên có thể phát hiện nhiều mục tiêu cùng lúc, phân biệt nhiều loại tàu khác nhau và có khả năng tránh bị phát hiện nhờ được rải ở những vị trí trên hoặc ngay sát đáy biển.

Những thủy lôi này có thể được kích hoạt bằng âm thanh, áp suất hoặc tác động từ trường. Nhưng ngay cả các thủy lôi thông thường cần phải tiếp xúc để kích hoạt cũng đã bộc lộ một mối đe dọa lớn đối với các tàu chiến Mỹ cũng như nhiều tàu thương mại khác.

Iran thậm chí còn sở hữu hàng loạt tàu đặc chủng rải thủy lôi, một số có thể được triển khai thông qua các ống phóng ngư lôi ngầm.

Iran không thể so sánh được với Mỹ về sức mạnh hải quân, nhưng thủy lôi - với vai trò là vũ khí phi đối xứng thì bên yếu hơn vẫn có thể sử dụng chúng để đánh bại một đối thủ mạnh hơn thậm chí là đối thủ có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.

"Iran xem thủy lôi là một công cụ lợi hại trong tay họ để đe dọa đóng cửa Eo biển và hành động theo cách của riêng họ và bạn không biết được thủy lôi đã được bố trí ở đâu đó trên biển", Clark nhấn mạnh.

Iran sở hữu loại vũ khí cực kỳ lợi hại, Hải quân Mỹ chật vật đối phó - Ảnh 2.

Eo biển Hormuz. Ảnh: Google Map

"Vỏ quýt dày" nhưng móng tay "chưa nhọn"

Trước đây, Mỹ đã từng tuyên bố bất cứ kế hoạch triển khai thủy lôi nào của Iran trên biển đều sẽ bị đáp trả bằng hành động quân sự và trên thực tế hải quân nước này cũng đã đưa ra các biện pháp đối phó.

Cụ thể, Hải quân Mỹ thường trực duy trì sự hiện diện của vài chiếc trong tổng số 14 tàu chiến lớp Avenger ở Bahrain suốt các thời điểm trong năm. Đây là những tàu được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến chống thủy lôi bằng việc sử dụng các hệ thống định vị thủy âm, video, thiết bị cắt cáp và kích nổ để vô hiệu quá chúng.

Thân tàu được chế tạo từ gỗ bọc sợi thủy tinh nhằm mục đích giảm tối đa cộng hưởng từ. Các động cơ cũng được thiết kế để giảm thiểu tín hiệu thủy âm và từ trường của tàu.

Thế nhưng, theo chuyên gia Scott Savitz, mặc dù các tàu chiến lớp Avenger đóng ở Bahrain "rất có khả năng" và sở hữu nhiều thiết bị tác chiến thủy lôi nhưng "chúng lại chỉ được vũ trang nhẹ và phải cần tháp tùng khi hoạt động".

Hơn nữa, lớp tàu Avenger đang dần có tuổi và vấn đề đối với Hải quân Mỹ nằm ở chỗ, mối đe dọa về thủy lôi đang lộ rõ khi họ trong quá trình chuyển từ các tàu này và các trực thăng MH-53E Sea Dragon tháp tùng chúng sang một loại phương tiện mới hơn sử dụng các hệ thống không người lái triển khai trên các tàu tác chiến duyên hải (LCS).

Iran sở hữu loại vũ khí cực kỳ lợi hại, Hải quân Mỹ chật vật đối phó - Ảnh 3.

Hải quân Mỹ thanh sát thủy lôi trên một tàu Iran ở Vịnh Péc-xích năm 1987. Ảnh: AP

Các tàu LCS loại này đã có trong biên chế cùng các biện pháp chống thủy lôi đi kèm như phương tiện lặn không người lái Knifefish và hệ thống phát hiện thủy lôi bằng laser đặt trên trực thăng.

Tuy nhiên, chương trình chống thủy lôi của Hải quân Mỹ đã bị chậm lại do các vấn đề liên quan tới chi phí và kỹ thuật nảy sinh, chẳng hạn như việc hủy bỏ hệ thống săn thủy lôi từ xa sau khi đã đầu tư vào đó cả tỷ USD và mất gần 2 thập kỷ nghiên cứu chế tạo.

"Các hệ thống chống thủy lôi nói chung không nhận được mức độ quan tầm cần thiết", chuyên gia Clark chia sẻ. "Đó không phải là chương trình hấp dẫn của Hải quân. Các hệ thống cũ hơn đáng ra phải được thay thế từ lâu rồi hoặc chí ít cũng phải được cải tiến trước khi vấn đề này nảy sinh".

Theo đánh giá của Bryan Clark, quá trình chuyển đổi từ các hệ thống cũ sang các hệ thống mới hơn với những khả năng hạn chế đang là một trở ngại rất lớn đối với Hải quân Mỹ.

Sea Dragon, loại trực thăng lâu đời nhất của Hải quân Mỹ có thể chuyên chở rất nhiều loại thiết bị quét thủy lôi khác nhau và có thể triển khai ở bất cứ đâu trên thế giới trong vòng 72 giờ trước đây dự kiến sẽ loại biên vào năm 2005 nhưng hiện nay vẫn chưa có phương tiện thay thế.

Trong khi đó, các tàu lớp Avenger được đưa vào sử dụng từ những năm 1990 cũng đã phải kéo dài vòng đời và đang đòi hỏi phải được nâng cấp. Mặc dù các tàu và trực thăng tháp tùng này vẫn duy trì được khả năng chiến đấu tốt nhưng lại bị hạn chế về tốc độ và quy mô triển khai.

Mỹ trình diễn công nghệ phát hiện thủy lôi mới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại