Thận giữ vai trò quan trọng cho cơ thể sống. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người mắc phải căn bệnh thận mãn tính, vốn ảnh hưởng tới hàng triệu người trên toàn thế giới.
Căn bệnh ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh này sẽ tiến triển dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận.
Trong khi đó, đây là bệnh có thể kiểm soát được nếu như người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng.
Hiểu được "phòng bệnh còn hơn là chữa bệnh", chúng ta nên thực hiện 10 bước đơn giản hàng ngày để thận luôn khỏe mạnh.
1. Hiểu biết về tiền sử bệnh tật của gia đình
Rất nhiều người chủ quan vì không nhận ra tầm quan trọng của tiền sử bệnh tật trong gia đình. Nhận thức vấn đề này giúp bạn chuẩn bị tốt hơn.
Nếu người thân, có thể là bố hoặc mẹ có tiền sử mắc bệnh về thận, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm để có cách phòng ngừa.
2. Kiểm soát đường huyết
Các nghiên cứu cho thấy bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận. Nhiều bệnh nhân tiểu đường bị suy thận và cần chạy thận hoặc cấy ghép nội tạng. Do đó, việc ổn đình đường huyết là vô cùng quan trọng.
Đồng thời, những người mắc bệnh tiểu đường cũng cần phải kiểm tra thận thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Những biến chứng của bệnh tiểu đường có thể được giảm bớt hoặc ngăn ngừa nếu nó được phát hiện kịp thời.
3. Kiểm soát huyết áp
Không chỉ làm tăng nguy cơ bị đột quỵ và bệnh tim mạch, huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.
Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp và bệnh thận, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Ngoài ra, bạn nên thực hiện một cuộc sống lành mạnh, duy trì mức độ cholesterol ổn định.
4. Thường xuyên vận động
Thiếu hoạt động thể chất là nguyên nhân gốc rễ của nhiều loại bệnh liên quan đến lối sống. Điều này khiến bạn dễ bị cao huyết áp, bệnh tim, béo phì và thậm chí cả bệnh tiểu đường.
Những bệnh nhân tiền tiểu đường, người có nguy cơ bị biến chứng vì tiểu đường, có thể kiểm soát lượng đường trong máu của họ bằng cách tập thể dục 30 phút/ngày.
Tập thể dục cũng giúp kiểm soát cholesterol, huyết áp và cân nặng của bạn. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường và huyết áp cao, đó cũng là những yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh thận.
5. Ăn uống lành mạnh
Bệnh từ miệng mà ra. Vì thế, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả có thể ngăn ngừa nhiều bệnh, cũng không quên cắt giảm thực phẩm chế biến, đóng gói, đồ ăn nhanh.
Điều này cũng sẽ giúp bạn tránh các loại thực phẩm giàu calo và giảm bớt lượng muối nạp vào cơ thể.
6. Từ bỏ những thói quen có hại
Uống quá nhiều rượu không chỉ gây tổn hại gan mà còn gây hại cho thận của bạn. Và hút thuốc lá cũng vậy, không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm tổn thương thận nghiêm trọng.
7. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước và các chất lỏng khác giúp thận làm sạch natri, urê và độc tố khác từ cơ thể một cách lành mạnh. Nước sẽ giúp cho 2 quả thận và toàn bộ cơ thể bạn khỏe mạnh.
8. Không uống thuốc giảm đau thường xuyên
Uống quá nhiều thuốc viên, thuốc giảm đau như Ibuprofen có ảnh hưởng xấu tới thận.
Nếu bị viêm khớp hoặc các bệnh gây đau khác mà đòi hỏi cần phải uống thuốc giảm đau thường xuyên, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và nên thực hiện đúng đơn do bác sĩ kê.
9. Bổ sung probiotics mỗi ngày
Probiotics (vi khuẩn có lợi/men vi sinh/thực phẩm lên men) hỗ trợ quá trình lọc bỏ chất thải của thận và cải thiện sức khỏe tổng thể của hệ tiêu hóa.
10. Giảm tiêu thụ phospho
Nếu thận không làm việc đúng cách, phospho tích tụ trong cơ thể, gây ra các bệnh nghiêm trọng như xương khớp và rối loạn tim, vôi hóa (cứng) các mô.
Cơ thể cần 800 mg-1.200 mg phospho mỗi ngày. Để tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế tiêu thụ các sản phẩm có hàm lượng phospho cao như nước ngọt có ga và thực phẩm chế biến.
* Theo Boldsky