Hội chứng không ngủ 24 giờ
Đây là một trong những hội chứng hiếm gặp nhất trên thế giới các bác sĩ từng chứng kiến. Đối với người bình thường, vòng quay đồng hồ sinh học thường là 24 giờ/ngày trong đó thời gian dành cho giấc ngủ khoảng 8 giờ và tạo thành chu kỳ thức ngủ. Với người mắc hội chứng này, đồng hồ sinh học của họ kéo dài hơn 26 giờ hoặc thậm chí 72 giờ. Với người có đồng hồ sinh học 26 giờ, thời gian tỉnh táo của họ sẽ là 16 tiếng và người có đồng hồ sinh học 72 giờ, thời gian tỉnh táo của họ là 48 tiếng tức là trong vòng 48 tiếng họ sinh hoạt, làm việc bình thường và 48 tiếng còn lại dành cho việc ngủ. Người mù có tỷ lệ mắc hội chứng này cao hơn người bình thường.
Chứng ngủ rũ
Chứng ngủ rũ là một rối loạn giấc ngủ mạn tính đặc trưng bởi trạng thái buồn ngủ ban ngày quá nhiều và các cuộc tấn công bất ngờ của giấc ngủ. Người mắc chứng ngủ rũ thường rơi vào giấc ngủ mà không có bất cứ cảnh báo nào, có thể ngủ ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào, có thể ngủ ngay trong lúc đang nói chuyện với bạn bè hoặc đang trong lúc làm việc. Có thể ngủ trong vài phút đến nửa giờ trước khi thức dậy. Chứng ngủ rũ vào ban ngày thường làm người bệnh gặp nhiều phiền toái, mệt mỏi. Các bác sĩ cho rằng, hóa chất trong não đặc biệt là hypocretin đóng một vai trò rất lớn trong việc gây chứng ngủ rũ. Trên thế giới, tỷ lệ mắc chứng bệnh này là 1/2.000 người.
Hội chứng chân không yên (RLS)
Hội chứng này là tình trạng đôi chân cảm thấy rất khó chịu khi đang ngồi hay nằm xuống. Chứng bệnh này có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào và thường nặng hơn khi về già, phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng RLS hơn nam giới. Hội chứng RLS có thể phá vỡ giấc ngủ dẫn đến buồn ngủ ban ngày và khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Người mắc chứng bệnh này thường mô tả cảm giác như nhói đau, ngứa ran...
Hội chứng Hypersomnia
Hypersomnia là một rối loạn giấc ngủ rất hiếm gặp, trên thế giới chỉ ghi nhận 200 trường hợp mắc hội chứng này. Rối loạn Hypersomnia khiến giấc ngủ có thể kéo dài tới 18 tiếng/ngày và kéo dài từ ngày này sang ngày khác, thậm chí cả tuần. Trước khi mắc chứng bệnh này, người bệnh thường có triệu chứng như cúm, đau đầu kéo dài.
Rối loạn hành vi giấc ngủ (RBD)
40% người có biểu hiện rối loạn hành vi giấc ngủ ở giai đoạn REM là giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ, người mắc chứng RBD có thể la hét, đấm đá hoặc nghiến răng trong khi ngủ. Nếu không được điều trị RBD có thể nghiêm trọng hơn và có xu hướng bạo lực nặng nề hơn. Rối loạn này chủ yếu thường gặp ở nam giới gắn liền với bệnh Parkinson.
Hội chứng nổ đầu
Hội chứng nổ đầu là một dạng rối loạn giấc ngủ khiến người bệnh nghe thấy một tiếng nổ lớn trong đầu mình. “Tiếng nổ” thường xảy ra ngay sau khi người mắc bệnh ngủ và nghe như một tiếng gầm, tiếng súng, tiếng la hét, tiếng chuông hay chập điện. Mặc dù người mắc triệu chứng này không bị tổn thương về thể chất nhưng họ phải trải qua cảm giác sợ hãi và lo lắng như bị tấn công. Hiện các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị triệu chứng này, mặc dù nó có liên hệ với sự căng thẳng và thường biến mất mà không cần điều trị.
Hội chứng cười là ngủ
Triệu chứng hiếm gặp này khiến người bị bệnh có thể ngủ gục bất kỳ lúc nào khi cười. Ngoài ra, người bệnh cũng bị kích thích mạnh với những cảm xúc khác như sợ hãi, tức giận hay ngạc nhiên. Điển hình của người gặp triệu chứng này là cô Claire Allen ở Anh. Nếu không được điều trị, Allen có thể gặp những cơn buồn ngủ 100 lần mỗi ngày, mỗi lần thường kéo dài từ 30 giây đến 5 phút. Ngay cả khi được ai đó vẫy chào trên phố cũng có thể khiến cô gặp vấn đề với cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến.
Chứng nghiến răng
Nghiến răng là hiện tượng siết chặt quá mức răng ở hai hàm trên và dưới và thường diễn ra khi ngủ. Thông thường, người bệnh không ý thức được hiện tượng này. Sự nghiến răng giữa hai hàm với nhau gây ra những âm thanh khó chịu. Hiện tượng này có thể không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng nếu kéo dài, mức độ mạnh có thể làm gãy răng, nhức đầu, chóng mặt, rối loạn cơ, khớp thái dương hàm, gây khó khăn cho việc nhai hay nói chuyện.
Chứng nghiến răng khi ngủ là dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp, đứng sau nói mơ và ngáy. Người ta tin rằng những người bị tật này lúc ngủ có nguy cơ ngáy và ngưng thở cao hơn bình thường. Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân của chứng nghiến răng là do áp lực, công việc stress, các rối loạn chức năng ở hệ thần kinh trung ương, uống rượu và hút thuốc lá.
Chứng ngừng thở
Đây là một hội chứng thường gặp, gây nhiều biến chứng nguy hiểm và khó tự phát hiện vì dấu hiệu ngừng thở chỉ xảy ra khi ngủ. Hội chứng ngưng thở khi ngủ là rối loạn đặc trưng bởi sự ngưng thở hoàn toàn khoảng 10 - 30 giây trong khi ngủ và nhiều hơn 30 lần/đêm dẫn đến tình trạng thiếu ôxy máu. Nguyên nhân do ở vùng hầu họng có các tổ chức phần mềm xung quanh đường thở gồm: lưỡi, amidan, vòm miệng mềm, lưỡi gà. Các phần mềm này được các cơ vận động vùng hầu họng nâng đỡ. Khi ngủ say, các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở gây ra tiếng ngáy, cũng có khi làm tắc đường thở gây ra chứng ngừng thở. Chứng ngừng thở khi ngủ có thể do thừa cân, tăng huyết áp, hút thuốc lá hoặc có tiền sử rối loạn.
Chứng mộng du
Có tới 40% trẻ em từ 3-7 tuổi mộng du vào một thời gian nào đó. Mộng du là hiện tượng người đang ngủ, ngồi dậy, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài hoặc tiến hành các hoạt động khác. Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ, giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ sâu và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Nguyên nhân được xác định do tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ, ốm, đau triền miên, thiếu magiê, trào ngược dạ dày thực quản.