Những vũ khí thống trị châu Á năm 2020: Toàn hàng "khủng", chạy đua vũ trang nóng rẫy

Anh Tú |

Tất cả các lực lượng hải quân lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đều đang đầu tư mạnh mẽ vào các tàu tác chiến mặt nước và tàu ngầm đa năng.

Theo dự báo, Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ vẫn là khu vực được quân sự hóa lớn nhất trên thế giới vào năm 2020. Hai nước có mức chi tiêu quân sự lớn nhất toàn cầu là Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn tiếp tục chiếm phần lớn chi tiêu quốc phòng tại khu vực trong năm mới.

Các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương khác cũng sẽ chi tiêu số tiền lớn để mua sắm trang thiết bị quân sự mới trong mười hai tháng tới.

Tất cả các quốc gia lớn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hiện đang theo đuổi các chương trình mua sắm quân sự quy mô lớn. Tuy chưa phải đã đầy đủ nhưng danh sách dưới đây phần nào đó cho thấy bức tranh về một số hệ thống vũ khí mới dự kiến ​​sẽ được đưa vào vận hành hoặc triển khai với quân đội các nước ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2020.

Tên lửa và các hệ thống đánh chặn tên lửa

Các hệ thống tên lửa được dự báo sẽ tiếp tục thống lĩnh mặt báo hoặc các trang tin tức về quân sự trong năm 2020.

Kể từ năm 2011, Triều Tiên đã thử nghiệm hơn 100 tên lửa và công bố nhiều hệ thống tên lửa mới (như Pukguksong-3 vào tháng 10/2019). Bình Nhưỡng gần đây lại ám chỉ về việc sẽ đưa vào sử dụng một "vũ khí chiến lược khác" mà rất có thể đó sẽ là một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công hạt nhân tầm xa mới vào năm 2020.

Trung Quốc có khả năng sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Nga trang bị hệ thống vũ khí siêu thanh khi tên lửa phóng lướt siêu âm Dong Feng 17 (DF-17) của nước này đi vào hoạt động trong năm nay. (Việc DF-17 xuất hiện trong cuộc diễu binh kỷ niệm Quốc khánh năm nay, một số nhà phân tích suy đoán rằng hệ thống vũ khí này đã được Trung Quốc đưa vào sử dụng).

Nga dự kiến ​​sẽ triển khai thêm các tên lửa Topol MR (hay theo mã định danh của NATO là SS-27 Mod2 hoặc SS-29), RT-2PM Topol (SS-25 Sickle) cũng như trang bị thêm các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) UR-100NUTTkH (SS-19 Stiletto theo cách gọi của NATO) mang đầu đạn siêu thanh Avangard.

Sau hai lần thử nghiệm bổ sung, Ấn Độ cuối cùng có thể cũng sẽ giới thiệu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V có khả năng hạt nhân vào năm 2020. (Trước đây, Agni-V được cho là sẽ được đưa vào biên chế năm 2019).

Năm 2020 cũng sẽ chứng kiến ​​việc Không quân Ấn Độ triển khai tên lửa BrahMos-A phóng từ trên không sau khi tích hợp thành công với máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 MKI.

Ngoài ra, năm 2020 cũng sẽ chứng kiến ​​việc chuyển giao hệ thống phòng không Almaz-Antei S-400 Triumf đầu tiên do Nga sản xuất để phục vụ trong Không quân Ấn Độ (IAF).

Những vũ khí thống trị châu Á năm 2020: Toàn hàng khủng, chạy đua vũ trang nóng rẫy - Ảnh 1.

Ấn Độ phóng thử tên lửa. Ảnh: TOI

Tàu chiến mặt nước và tàu ngầm

Tất cả các lực lượng hải quân lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đều đang đầu tư mạnh mẽ vào các tàu tác chiến mặt nước và tàu ngầm đa năng.

Trung Quốc chuẩn bị tiếp tục đưa vào sử dụng một loạt tàu chiến mới vào năm 2020, bao gồm ít nhất một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 055 cũng như tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D và các tàu hộ tống Type 056/056A bên cạnh các loại khác.

Nhật Bản dự kiến đưa vào sử dụng tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Atago cải tiến đầu tiên (hay còn gọi là lớp Maya, 27DDG hoặc 27DG) cho Lực lượng phòng vệ hàng hải (JMSDF) vào tháng 3/2020. Cùng tháng đó, tàu ngầm tấn công diesel-điện (SSK) JS Oryu lớp Soryu cũng dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động.

Hàn Quốc có thể sẽ đưa vào sử dụng chiếc đầu tiên trong số 9 tàu thiết kế nội địa KSS-III (lớp Jangbogo–III) vào cuối năm 2020.

Ấn Độ có thể đưa vào biên chế tàu ngầm tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Arihant thứ hai, tàu INS Arighant tương lai, mặc dù thời điểm đưa vào hoạt động có thể được đẩy lùi tới năm 2021. Hải quân Ấn Độ dự kiến ​cũng ​sẽ đưa vào hoạt động tàu SSK lớp Scorpene thứ 3 vào năm 2020.

Trong năm 2020, Hải quân Pakistan sẽ tiếp nhận một khinh hạm đa năng Type 054A/P khác.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ đón nhận SSK lớp Kilo Dự án 636.3 (hay còn gọi là lớp Vashirlanka), tàu ngầm Petropavlovsk-Kamchatsky, vào năm 2020. Hạm đội Thái Bình Dương cũng có thể sẽ tiếp nhận SSBN lớp Dolgorukiy hay lớp Borei (A) II thuộc Dự án 955A ("Gió Phương Bắc") vào cuối 2020.

Hải quân Mỹ có thể sẽ triển khai tàu khu trục lớp Zumwalt thứ hai, USS Michael Monsoor (DDG 1001), vào cuối năm 2020.

Năm nay cũng sẽ chứng kiến ​​việc đưa vào hoạt động thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia (SSN), các tàu tác chiến duyên hải, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh-Burke và có thể là tàu tấn công đổ bộ lớp America thứ hai, USS Tripoli tương lai, bên cạnh các tàu khác.

Tàu sân bay lớp Gerald R. Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân John F. Kennedy (CVN-79) cũng sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020.

Những vũ khí thống trị châu Á năm 2020: Toàn hàng khủng, chạy đua vũ trang nóng rẫy - Ảnh 3.

Tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc. Ảnh: TASS

Các phương tiện chiến đấu mặt đất

Trong năm 2020, Quân đội Ấn Độ sẽ tiếp tục chế tạo 145 lựu pháo phản lực M777 cơ động từ tập đoàn BAE Systems và 100 pháo phản lực tự hành K-9 Vajra cỡ nòng 155 mm. Lục quân Ấn Độ dự kiến cũng ​​sẽ triển khai Hệ thống phòng tên lửa dẫn đường chống tăng (ATGM) Spike do Israel sản xuất trong những tháng tới.

Lục quân Hàn Quốc (ROKA) có thể nhận thêm các xe tăng chiến đấu chủ lực MBT từ hãng Hyundai Rotem K2 (Black Panther), một phần trong đơn đặt hàng hơn 106 chiếc.

Quân đội Ấn Độ cũng có thể sẽ tiếp nhận MBT Arjun MK1-A đầu tiên vào cuối năm nay. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục cho ra mắt chiếc xe tăng hạng nhẹ ZTQ mới, hay còn được gọi là ZTQ-15 hoặc Type 15. Lực lượng mặt đất Nga chuẩn bị nhận lô 12 xe tăng chiến đấu chủ lực Armata T-14 thế hệ thứ ba vào năm 2020 cùng với các xe T-90M được nâng cấp.

Ngoài ra, Thái Lan sẽ triển khai một lô 11 chiếc MBT-3000 (hoặc V-4) cuối cùng do Trung Quốc sản xuất và 38 xe chiến đấu bộ binh (IFV) VNI vào năm 2020.

Những vũ khí thống trị châu Á năm 2020: Toàn hàng khủng, chạy đua vũ trang nóng rẫy - Ảnh 4.

Lựu pháo M777 được giới thiệu trong một buổi lễ của Quân đội Ấn Độ. Ảnh: Indiatimes

Vũ khí tác chiến trên không

Lô 4 máy bay chiến đấu Rafale đầu tiên dự kiến ​​sẽ được trang bị cho Không quân Ấn Độ (IAF) vào tháng 5/2020. IAF cũng sẽ nhận thêm các máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas (LCA) Mark-I trong suốt năm tới.

Máy bay chiến đấu đa năng JF-17 Thunder Block III của liên doanh Tổ hợp hàng không vũ trụ Pakistan và Tập đoàn hàng không vũ trụ Thành Đô (PAC/CAC) dự kiến sẽ được triển khai hoạt động trong Không quân Pakistan vào năm 2020.

Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) có thể sẽ tiếp tục giới thiệu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 J-20, trong khi Không quân Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLANAF) sẽ triển khai thêm máy bay ném bom mang tên lửa hành trình chống hạm Xian-H-6J.

Đáng chú ý, Không quân Nga dự kiến ​​sẽ tiếp nhận lô máy bay chiến đấu Sukhoi Su-57 được sản xuất hàng loạt đầu tiên vào năm 2020. Đây là dòng máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 được Nga thiết kế và chế tạo nội địa. Không quân Nga cũng sẽ triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân Tupolev Tu-95MS trong năm nay.

Các lực lượng không quân của Úc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục giới thiệu các phi đội máy bay chiến đấu F-35A Lightning II trong năm 2020. Không quân Hàn Quốc (ROKAF) sẽ nhận thêm 3 máy bay không người lái (UAV) Northrop Grumman RQ-4 Block 30 Global Hawk trong nửa đầu năm 2020.

Su-57 ở góc nhìn cận cảnh từ máy bay vận tải Antonov An-12

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại