Kế hoạch triển khai bí mật tên lửa hạt nhân và hàng chục ngàn quân nhân Liên Xô đến Cuba cách đây 56 năm vẫn được coi là một trong những chiến dịch quân sự tuyệt vời nhất trong lịch sử nước Nga, theo RBTH.
Trong lịch sử, kế hoạch này vẫn được biết đến với sự kiện tạo nên Khủng hoảng tên lửa Cuba và thường được xem là khoảnh khắc mà Chiến tranh Lạnh tiến gần nhất đến một cuộc xung đột hạt nhân.
Lên kế hoạch
Năm 1962, Chiến tranh Lạnh nổ ra đã khiến tình hình thế giới trở nên căng thẳng và Liên Xô bị đe dọa bởi Mỹ, quốc gia có nhiều vũ khí hạt nhân hơn hẳn. Người Mỹ có 6.000 đầu đạn có khả năng nhắm mục tiêu vào lãnh thổ Liên Xô, trong khi Moscow ở phía ngược lại chỉ có 300 đầu đạn.
Điện Kremlin cảm thấy bản thân có thể bị tổn thương bất kỳ lúc nào từ tên lửa hạt nhân mà Mỹ đặt ở Tây Đức, Hà Lan và Bỉ. Nhưng thậm chí còn nguy hiểm hơn là các tên lửa được đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1961, giúp phương Tây có thể tấn công Moscow chớp nhoáng chỉ trong 10 phút. Nếu chiến tranh nổ ra, Liên Xô sẽ không có thời gian để phản công.
Tại thời điểm này, Moscow bắt đầu tìm đến sự hợp tác từ người anh em Cuba, quốc gia xã hội chủ nghĩa do lãnh tụ Fidel Castro đứng đầu. Sau khi Havana quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của người Mỹ, Washington đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế.
Hợp tác với Liên Xô là cách tốt nhất để Cuba có thể chống chọi lại áp lực dồn nén từ bên ngoài và nhận được nguồn viện trợ lương thực, nhiên liệu và vũ khí như máy bay, xe tăng.
Trong lúc quan hệ giữa Cuba và Mỹ căng thẳng, Moscow thuyết phục lãnh đạo Fidel Castro rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể buộc Tổng thống John Kennedy đối xử với người dân Cuba một cách bình đẳng. Do đó, nhà lãnh đạo Cuba đồng ý triển khai các tên lửa của Liên Xô trên lãnh thổ của mình.
Rủi ro khó lường
Nguyên soái Ivan Bagramyan.
Mỹ luôn theo dõi kỹ càng mọi chuyến hàng đến Cuba, đó là lý do vì sao Liên Xô phải vận chuyển tên lửa trong bí mật. Nguyên soái Ivan Bagramyan đã lên kế hoạch cho một chiến dịch bí mật, mã hiệu là "Anadyr" (một thành phố ở miền Bắc nước Nga). Tên mã này được cho là dễ gây nhầm lẫn cho tình báo Mỹ.
Những người lính tham gia được cung cấp giày, ván trượt và được thông báo rằng họ sẽ đến Chukhotka. Trong khi đó các tên lửa hạt nhân được ngụy trang như những thiết bị nông nghiệp. Chỉ có một số rất ít quan chức Liên Xô hàng đầu mới biết mục đích thực sự của sứ mệnh này.
Người đầu tiên bay tới Cuba là các sĩ quan quân đội chịu trách nhiệm lắp ráp các hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, các chuyến đi tiếp theo nhằm mang 50.000 quân nhân khác tới quốc gia Nam Mỹ lại không phải một điều dễ dàng.
Các con tàu chở lính đã khởi hành hàng loạt từ 8 cảng của Liên Xô. Những người người lính đã phải trải qua nhiều tuần trú ngụ dưới boong tàu để không bị các máy bay giám sát của Mỹ phát hiện. Con tàu đầu tiên cập bến Cuba là vào ngày 10/7/1962.
Hành trình dài
Con tàu ngụy trang của Liên Xô mang tên lửa đến Cuba.
Ngay bản thân những người lính cũng không biết họ đang đi đâu và đến thuyền trưởng của họ cùng chỉ biết được điểm đến thực sự sau một tuần khởi hành. Chỉ huy con tàu sẽ nhận được ba phong bì niêm phong sẽ chỉ dẫn các tuyến đường, mỗi lộ trình chỉ được mở từng phong bì theo trình tự nghiêm ngặt.
"Đầu tiên, thuyền trưởng được lệnh chuyển hướng qua cảng Bosporus, sau đó lập hải trình tới Gibraltar và chỉ khi ra đến Đại Tây Dương, ông mới biết được điểm đến cuối cùng của mình là Cuba", Alexander Feklisov, một nhà nghiên cứu Liên Xô nói với RBTH.
Thiếu tá Nikolai Obidin nhớ lại trong cuốn hồi ký của mình: "Theo lệnh cấp trên, chúng tôi từ từ mở ra phong bì bí mật. Ở đó, nó được viết: 'Đến Cuba, cảng Havana’. Thật là quá bất ngờ! Đó là lý do tại sao Raul Castro, Bộ trưởng Quốc phòng của họ đã đến Moscow trước đó.
Nhưng ngay sau khi chúng tôi vượt qua vùng Azores, máy bay Mỹ bắt đầu bay qua đầu chúng tôi. Họ bay rất thấp, rõ ràng đã hiểu rằng có điều gì kỳ lạ đang diễn ra.
Sau đó, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy tàu hải quân của họ. Tàu đầu tiên đến và sau đó hai tàu khác cũng chờ tới. Họ nhấp nháy đèn và hỏi qua radio: 'Hãy cho chúng tôi biết điểm đến của bạn và hàng hóa trên tàu là gì'. Chúng tôi trả lời: 'Hàng hóa là đồ thương mại, chúng tôi đến nơi mình cần phải đến'".
Do tính chất bí mật của nhiệm vụ, các quân nhân Xô Viết giả vờ là dân thường. Sau khi thực hiện một số hình thức kiểm tra, các máy bay trinh sát của Mỹ đã bị thuyết phục rằng đây chỉ là các tàu chở than và khách du lịch. Đã không có bất kỳ sơ hở nào trên các con tàu mang vũ khí hạt nhân và binh lính. Cứ thế, những tên lửa đầu tiên đã đến Cuba vào đầu tháng 9.
Kế hoạch bại lộ
Máy bay tuần tra P2V Neptune của Mỹ bay trên một tàu chở hàng của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Bằng nhiều cách ngẫu nhiên, vận may luôn mỉm cười với Liên Xô. Vào ngày 9/9, người Trung Quốc bắn hạ một máy bay trinh sát của Mỹ trong không phận nước này, kéo sự chú ý của Washington về châu Á. Phải đến ngày 14/10, máy bay trinh sát U2 quay trở lại Cuba mới phát hiện ra các tên lửa của Liên Xô.
"Những bức ảnh chụp bởi máy bay do thám đã gây sốc cho các tướng lĩnh Mỹ. Vào ngày 16/10, Tổng thống Kennedy đã biết được vị trí các bệ phóng tên lửa được lắp đặt. Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba chính thức bắt đầu vào ngày 16/10", theo nhà nghiên cứu Feklisov.
Vào ngày 20/10, Mỹ ra quyết định phong tỏa toàn bộ Cuba và triển khai hải quân ra trận chỉ vài ngày sau đó. Ngày 25/10, Mỹ công bố bằng chứng về việc Liên Xô triển khai tên lửa tại Cuba trong một phiên họp của Liên Hợp Quốc.
Liên Xô sau đó ra lệnh cho tất cả các tàu ở Đại Tây Dương trở về nhà. Các tên lửa R-14 của Liên Xô đặt ở Cuba thời đó được cho là có thể phá hủy mọi mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ ngoại trừ các bang vùng Tây Bắc.
Khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, có 36 tên lửa hạt nhân của Liên Xô được triển khai tại Cuba.
Các cuộc đàm phán bí mật giữa Mỹ và Liên Xô bắt đầu vào ngày 26/10, và một thỏa hiệp đã đạt được: Washington hứa sẽ loại bỏ tên lửa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và Moscow hứa rút tên lửa khỏi lãnh thổ Cuba.
Với việc mối đe dọa tên lửa rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Xô coi Chiến dịch Anadyr đã thành công một cách vượt ngoài mong đợi. Vào năm 1963, hàng trăm sĩ quan Liên Xô được trao thưởng vì chiến công này.