Theo trang mạng Business Insider, Trung Quốc vừa cho công bố những bức ảnh đầu tiên về một loại máy bay phản lực thiết kế theo kiểu tiêm kích tàng hình không người lái với tên gọi "Hắc Kiếm" (Dark Sword).
Việc Trung Quốc phát triển các máy bay chiến đầu tàng hình đã từng khiến giới hoạch định chiến lược quân sự Mỹ quan ngại nhưng những hình ảnh mới nhất này lại đem đến một mối lo lắng khác bởi nó cho thấy một khái niệm tác chiến hoàn toàn mới, thậm chí có thể sẽ trở thành một ác mộng đối với Mỹ.
Tiết lộ nêu trên cũng làm dấy lên những tiếng nói cảnh báo về khả năng Trung Quốc đang tiến rất gần tới vị trí có thể làm lung lay vị thế thống lĩnh sức mạnh không quân của Mỹ.
Justin Bronk, chuyên gia về tác chiến trên không của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận xét: "Nhìn vào những gì được công bố thì Hắc Kiếm đã cho thấy một khái niệm thiết kế rất khác biệt so với ý tưởng chế tạo các máy bay chiến đấu không người lái của Mỹ".
Nghiên cứu kỹ lưỡng các hình ảnh của Hắc Kiếm, Bronk cho rằng, dường như dòng máy bay mới nhất này đã được Trung Quốc thiết kế với mục đích tối ưu hóa tính năng cơ động nhanh và bay ở vận tốc siêu thanh chứ không đặt trọng tâm vào việc tối đa hóa khả năng tàng hình.
"Trung Quốc đã thiết kế chiếc máy bay với thân hình dài hơn, yếu tố giúp nó đạt độ ổn định khi leo cao hoặc bổ nhào. Với cấu hình cánh đuôi đứng theo kiểu F-22, dường như máy bay được chế tạo theo hướng tối ưu vận tốc siêu thanh và khả năng không chiến", chuyên gia Justin Bronk nhận xét.
Dù là nước đi tiên phong về chế tạo máy bay không người lái nhưng chính Mỹ cũng đã bị bất ngờ trước việc chúng dễ dàng được quân sự hóa và sử dụng chiến đấu tại Trung Đông. Bây giờ, một lần nữa Mỹ dường như lại bị bất ngờ trước kế hoạch của Trung Quốc về dòng tiêm kích không người lái - ý tưởng mà Mỹ từng đưa ra nhưng đã từ bỏ.
Mỹ hiện đang thúc đẩy phát triển loại UAV trang bị cho các tàu sân bay nhưng lại không còn coi trọng chế tạo tiêm kích tàng hình không người lài mà thay vào đó, chuyển sang phát triển dòng máy bay tiếp nhiên liệu trên không, không đòi hỏi gì nhiều về yếu tố tàng hình hay khả năng sống sót cao.
Ý tưởng thiết kế dòng máy bay không người lái tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin
Hắc Kiếm: Cơn mộng đối với Mỹ?
Nằm ở khu vực Thái Bình Dương và bị "bao vây" bởi các đồng minh của Mỹ nên xét về mặt địa lý, Trung Quốc hoàn toàn có lý do để phát triển một dòng tiêm kích tấn công nhanh.
"Loại máy bay kiểu này có thể cơ động tới các khu vực mục tiêu rất nhanh. Nếu được sản xuất với số lượng lớn mà lại không cần phải đào tạo phi công thì ở kịch bản tồi nhất, chúng sẵn sàng đón nhận các tên lửa bắn ra từ các máy bay Mỹ. Còn ở kịch bản tốt nhất, chính chúng sẽ trở thành các tiêm kích rất hiệu quả", Bronk diễn giải.
"Nếu Trung Quốc có thể sản xuất được rất nhiều, khi đó chính số lượng sẽ trở thành chất lượng".
Trong viễn cảnh này, các lực lượng Mỹ sẽ phải chiến đấu với các máy bay tiêm kích tàng hình bay ở vận tốc siêu thanh và không hề biết sợ. Về mặt lý thuyết, chúng có thể cơ động ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn các máy bay có người lái vì không cần đến phi công trên khoang.
Tuy vậy, Bronk cũng cho rằng, có thể ở một căn phòng kín cửa nào đó, các kỹ sư Mỹ cũng đang miệt mài xây dựng kế hoạch chế tạo một máy bay chiến đấu không người lái để lấy lại thế cân bằng. Mỹ hoàn toàn có khả năng chế tạo số lượng lớn các tiêm kích không người lái kiểu này chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Và cũng có khả năng, Hắc Kiếm của Trung Quốc chỉ giống như chiếc "thùng rỗng kêu to" hay kiểu chiêu trò quảng cáo quá lời.
Thế nhưng, điểm vẫn rất cần lưu ý ở đây là, Mỹ có thể đã tìm được giải pháp đối phó với Hắc Kiếm nhưng còn giữ bí mật, hoặc bản thân loại máy bay này cũng chỉ là cái bóng nhưng khái niệm thiết kế mới cho thấy, Trung Quốc thực sự đã rất nghiêm túc trong việc thách thức vị thế thống lĩnh sức mạnh không quân toàn cầu của Mỹ.
MQ-25A Stingray - UAV Mỹ vô hiệu hóa tên lửa của Trung Quốc