Phóng tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc muốn chuyển thông điệp gì tới Mỹ?

Trung Phạm |

Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 mới nhất chỉ diễn ra vài ngày trước khi phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tới Trung Quốc tham dự các cuộc đàm phán.

Bí mật phóng thử tên lửa DF-41 lần thứ 10

Trung Quốc dường như đang tiến gần hơn tới việc triển khai vũ khí chiến lược mới nhất và có khả năng sát thương mạnh nhất khi vào cuối tháng 5 vừa qua nước này đã tiến hành vụ phóng thử lần thứ 10 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 (Dongfeng-41).

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, vụ phóng thử DF-41 diễn ra ngày 27/5 tại Trung tâm vũ trụ Taiyuan ở phía Bắc Trung Quốc và tên lửa đã bay vài nghìn dặm trước khi đáp xuống một địa điểm trên sa mạc Gobi phía Tây.

"Chúng tôi đã biết về các vụ phóng thử gần đây và tiếp tục theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển vũ khí của Trung Quốc nhưng chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết", Trung tá Thủy quân lục chiến Christopher Logan, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết trên tờ Washington Free Beacon.

Vụ phóng thử diễn ra trong bối cảnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng căng thằng xung quanh việc Bắc Kinh tăng cường quân sự hóa trên Biển Đông cũng như trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp cứng rắn đối với hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Vụ thử nghiệm ngày 27/5 đánh dấu lần thứ 10 Trung Quốc phóng thử DF-41, loại tên lửa sẽ được trang bị 10 đầu đạn hồi quyển phân hướng độc lập tấn công mục tiêu (MIRV).

DDF-41 là tên lửa đạn đạo liên lục địa cơ động, có khả năng tấn công mọi mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Chính khả năng cơ động và che giấu vũ khí của nó đang đặt ra những thách thức to lớn đối với chương trình răn đe hạt nhân chiến lược của Mỹ.

Trước đây, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin, DF-41 có khả năng mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân riêng rẽ, mỗi đầu đạn có sức công phá 150 kiloton hoặc 1 đầu đạn duy nhất với sức công phá lên tới 5,5 megaton. Cần biết rằng, 1 kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT và 1 megaton tương đương với 1 triệu tấn TNT.

Việc Trung Quốc bổ sung thêm các đầu đạn cho tất cả hệ thống ICBM cho thấy một sự gia tăng đáng kể số lượng đầu đạn trong kho vũ khí có khả năng tấn công mọi địa điểm trên lãnh thổ Mỹ.

Vụ phóng thử mới nhất nêu trên đã không được các phương tiện truyền thông chính thống ở Trung Quốc đề cập.

Tháng 12/2017, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin DF-41 là một trong những vũ khí mới uy lực nhất của Trung Quốc, sẽ được đưa vào trang bị đầu năm 2018 và có tầm bắn từ khoảng 14.000 - 15.000 km.

Phóng tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc muốn chuyển thông điệp gì tới Mỹ? - Ảnh 1.

Hình ảnh DF-41 xuất hiện trên truyền hình Trung Quốc tháng 11/2017

Trung Quốc muốn chuyển thông điệp gì tới Mỹ?

Giống như những lần phóng thử trước đây, vụ thử nghiệm DF-41 lần này dường như cũng được Trung Quốc lên kế hoạch để chuyển tải thông điệp chính trị tới Mỹ. Vụ phóng mới nhất chỉ diễn ra vài ngày trước khi phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tới Trung Quốc tham dự các cuộc đàm phán.

Hôm Chủ Nhật (3/6), Trung Quốc đã phát đi tuyên bố cảnh báo, nếu chính quyền Trump thúc đẩy kế hoạch áp thuế 50 tỷ USD nhằm vào các hàng hóa của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ từ bỏ các hiệp định thương mại đã ký kết.

"Nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc đánh thuế, tất cả các kết quả kinh tế và thương mại đạt được giữa hai bên sẽ không còn hiệu lực", Tân Hoa xã cho biết.

Vụ thử tên lửa DF-41 gần nhất trước vụ thử hôm 27/5 diễn ra vào 6/11/2017, chỉ hai ngày trước khi Tổng thống Donald Trump tới thăm Bắc Kinh mà theo đánh giá của các chuyên gia quân sự cũng là động thái phô diễn sức mạnh có chủ đích.

Trong báo cáo công bố năm 2017, Trung tâm Tình báo Không gian và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASIC) cho biết, DF-41 là loại ICBM cơ động mới có khả năng mang theo các đầu đạn MIRV.

"Số lượng đầu đạn trên các tên lửa ICBM của Trung Quốc có khả năng đe dọa Mỹ dự kiến sẽ tăng lên hơn 100 trong vòng 5 năm tới", báo cáo của NASIC nhấn mạnh, đồng thời cũng chỉ rõ Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc "sẽ tiếp tục sở hữu chương trình tên lửa đạn đạo chủ động và đa dạng nhất thế giới".

Theo NASIC, "đơn vị này đang phát triển và thử nghiệm các tên lửa tấn công, nâng cấp chất lượng các hệ thống và phát triển nhiều biện pháp đối phó với các hệ thống phòng thủ tên lửa".

Rick Fisher, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược Quốc tế nhận định, vụ phóng thử lần thứ 10 vừa qua của Trung Quốc là một dấu mốc rất quan trọng.

"Vụ thử cho thấy loại ICBM nhiên liệu rắn cơ động này đã tiến rất gần tới triển khai thực tế, cả với phiên bản trên xe phóng và trên đường ray", Fisher bình luận.

"Do tên lửa đã được thử nghiệm mang tới 10 đầu đạn nhỏ nên nhiều khả năng DF-41 cũng có thể sẽ trở thành phiên bản đầu tiên của Trung Quốc có thể mang theo các đầu đạn phóng lướt siêu thanh (HGV), hạt nhân và phi hạt nhân", Fisher cho biết thêm.

Phóng tên lửa mang 10 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc muốn chuyển thông điệp gì tới Mỹ? - Ảnh 2.

DF-41 có khả năng mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân riêng rẽ

Khi được triển khai trong những năm tới, các đầu đạn HGV sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng mà nước Mỹ đang rất nỗ lực phát triển qua chương trình "Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu" (PGS).

Hơn nữa, DF-41 dự kiến sẽ góp phần đẩy nhanh kế hoạch chế tạo tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ kế tiếp JL-3 của Trung Quốc nhằm trang bị cho tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type 096. Theo kế hoạch, Bắc Kinh sẽ đưa loại tàu này vào sử dụng đầu những năm 2020.

"Việc Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa các khả năng tấn công hạt nhân và phi hạt nhân liên lục địa có nguy cơ làm suy yếu chương trình răn đe hạt nhân của Mỹ. Trong khi đó, rất nhiều đồng minh của Mỹ cũng phải dựa vào sự bảo vệ của những chiếc ô này", Fisher nói.

"Washington phải nhanh chóng tái triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật ra các mặt trận hoặc một số đồng minh của Mỹ phải chọn giải pháp trang bị khả năng răn đe hạt nhân trước bối cảnh mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc đang gia tăng".

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng Ba vừa qua, tướng Không quân John Hyten, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược cho biết, việc Nga và Trung Quốc tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân chính là nguyên nhân để Mỹ phát triển tên lửa hành trình hạt nhân phóng từ trên biển.

"Chính mối đe dọa từ cả Nga và Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ phải phát triển tên lửa hành trình phóng từ biển", tướng Hyten nói.

Đầu năm 2018, phát biểu trên tờ Free Beacon, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho biết, kế hoạch chế tạo các đầu đạn nhân có sức công phá thấp của Mỹ xuất phát từ việc Trung Quốc triển khai ở quy mô lớn các tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm gần cũng như từ chương trình tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa của Nga.

Để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ đã đề xuất triển khai một loại tên lửa mới phóng trên biển, từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm.

Các đầu đạn mới nhỏ hơn, có thể phát triển từ các đầu đạn hiện có trong kho vũ khí của Mỹ, đã được Lầu Năm Góc đề xuất trong báo cáo Đánh giá Vị thế Hạt nhân (NPR) đưa ra hồi tháng 2/2018.

Bản đánh giá này cảnh báo Trung Quốc đang thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân ở quy mô lớn, gồm cả việc triển khai tên lửa DF-41 trong tương lai mà Lầu Năm Góc gọi là CSS-X-20.

"Trung Quốc tiếp tục gia tăng số lượng, khả năng và năng lực bảo vệ các lực lượng hạt nhân của họ", NPR viết, và đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố bí mật tuyệt đối xung quanh chương trình này. Trong báo cáo NPR, Bộ Quốc phòng Mỹ coi DF-41 là một trong những mối đe dọa chính.

Truyền hình Trung Quốc công bố hình ảnh vụ phóng tên lửa DF-21D

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại