Mỹ có trong tay "con mắt nhìn thấu tất cả", tàu ngầm Nga-Trung chạy đâu cho khỏi nắng?

QS |

Tác giả Edward Chang tin rằng mặc dù đã hoạt động lâu năm nhưng cỗ máy bay này vẫn có thể tiêu diệt các tàu ngầm tốt nhất của Nga-Trung.

Tính tới năm 2018, có một số máy bay đã phục vụ trong quân đội Mỹ tới 50 năm hoặc hơn. Tính năng ưu việt vốn có, cùng các gói nâng cấp công nghệ, đã cho phép những hệ thống cũ kỹ này tiếp tục hoạt động hiệu quả trong thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21.

Một trong số đó là Lockheed P-3 Orion, hiện đang trong biên chế Hải quân Mỹ. Ban đầu được thiết kế là máy bay tuần tra biển và tác chiến chống ngầm, P-3 sau đó đã được cải tiến thành phương tiện bay đa nhiệm, chứng minh được giá trị trong những nhiệm vụ nằm ngoài khả năng cốt lõi mà nó vốn được định hình.

Vì thế, có thể nói P-3 là một trong những máy bay đa năng nhất trong quân đội Mỹ.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, cây viết tự do chuyên về quốc phòng-quân sự và chính sách đối ngoại Edward Chang cho rằng dù đã hoạt động một thời gian dài nhưng P-3 vẫn hoàn toàn có đủ khả năng tiêu diệt các mẫu tàu ngầm tốt nhất của Nga và Trung Quốc.

Lý do mà cây viết này đưa ra là những tính năng ưu việt, cũng như những khả năng "rất có giá trị" mà P-3 đã thể hiện trong suốt quá trình hoạt động.

Mỹ có trong tay con mắt nhìn thấu tất cả, tàu ngầm Nga-Trung chạy đâu cho khỏi nắng? - Ảnh 1.

Máy bay tuần tra P-3 Orion.

Tính năng ưu việt

Cụ thể, theo Edward, P-3 Orion ra mắt vào năm 1962 với tên gọi ban đầu là P3V-1, được chế tạo dựa trên khung thân của máy bay thương mại L-188 Electra. Một tháng sau, quân đội Mỹ đã định danh lại hệ thống, và P3V-1 trở thành P-3A.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Orion chủ yếu giữ vai trò tác chiến chống ngầm và tuần tra biển, theo dõi các tàu ngầm của Liên Xô và sẵn sàng tiêu diệt chúng nếu cần.

Tuy nhiên, sự linh hoạt của nó sớm được phát hiện; một số máy bay P-3 đã được chuyển đổi để phù hợp với các vai trò quân sự và phi quân sự chuyên biệt, trong đó có nghiên cứu khoa học, khí tượng học, duy trì an ninh biên giới và hải quan, cũng như trinh sát điện tử (ELINT).

Vai trò cuối cùng trong danh sách trên (ELINT) đã thúc đẩy sự ra đời của phiên bản EP-3 Aries. Năm 2001, tại đảo Hải Nam, một chiếc EP-3 của Hải quân Mỹ từng xảy ra va chạm với máy bay chiến đấu của Trung Quốc tại đây, khiến phi công Trung Quốc thiệt mạng.

Phi hành đoàn của Mỹ hạ cánh an toàn nhưng toàn bộ 24 thành viên đã bị phía Trung Quốc bắt giữ trong 10 ngày.

Nhiều quốc gia khác cũng công nhận tính năng ưu việt của P-3 và kết quả là mẫu máy bay này đã tham gia phục vụ 18 quốc gia khác ngoài Mỹ.

Danh sách khách hàng nước ngoài của P-3 khá đa dạng, từ các đồng minh đáng tin cậy của Mỹ như Australia cho tới những kẻ thù "không đội trời chung" của họ như Iran (mặc dù thương vụ được thực hiện dưới thời vua Iran, khi nước này vẫn còn là đồng minh của Mỹ).

Ở thời kỳ đỉnh điểm, có tới 24 phi đoàn P-3 hoạt động trên khắp nước Mỹ, cùng với đó là 13 phi đoàn Dự bị Hải quân, 3 đơn vị thử nghiệm & đánh giá, 1 phi đoàn phát triển hải dương học, cùng 2 phi đoàn "các dự án đặc biệt" với các hoạt động được bảo mật cao.

Hiện nay, lực lượng Trinh sát và Tuần tra biển (MPR) chỉ còn một nửa quy mô trước đây.

Những chiếc P-3 còn phục vụ đã được chia vào hai nhóm Tuần tra – Trinh sát Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Trong đó nhóm MPR Đại Tây Dương gồm Không đoàn Tuần tra và Trinh sát số 11, nhóm Thái Bình Dương gồm Không đoàn số 1, số 2 và một phần số 11.

Không giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, lực lượng MPR đóng quân hầu hết tại căn cứ không quân hải quân Jacksonville ở Đại Tây Dương và căn cứ không quân hải quân đảo Whidbey ở Thái Bình Dương.

Mặc dù ban đầu có tổng cộng 18 phi đoàn ở cả 2 nhóm, nhưng sự xuất hiện của ứng viên thay thế - Boeing P-8A Poseidon – đã khiến số lượng phi đoàn P-3 giảm xuống chỉ còn 3, toàn bộ đóng quân tại căn cứ đảo Whidbey.

Đó là 3 phi đoàn VP-1 "Screaming Eagles", VP-40 "Fighting Marlins", và VP-46 "Grey Knights" – những phi đoàn "già" thứ hai trong quân đội Mỹ.

Song, bên cạnh đó, vẫn còn 2 phi đoàn Dự bị Hải quân, 1 phi đoàn "các dự án đặc biệt" đóng tại căn cứ Thủy quân lục chiến Mỹ ở Hawaii, và phi đoàn VP-30 ở Jacksonville (gồm cả hai loại máy bay P-3 Orion và P-8 Poseidon).

Ngoài ra, không thể không kể đến các máy bay EP-3E Aries II vẫn tiếp tục hoạt động trong phi đoàn VQ-1 "World Watchers" ở căn cứ Whidbey.

Bên trong máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion

"Con mắt có thể nhìn thấu tất cả"

Do phần lớn được xem là phương tiện hỗ trợ nên kể từ khi được đưa vào biên chế, các máy bay Orion đã tham gia gần như tất cả các cuộc xung đột quân sự lớn có sự can dự của Mỹ.

Tháng 10/1962, chỉ 2 tháng sau khi đi vào hoạt động, các máy bay P-3 đã tiến hành đợt tuần tra vùng biển gần Cuba để triển khai lệnh phong tỏa chống lại quốc gia này trong suốt cuộc khủng hoảng tên lửa.

Trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, các máy bay P-3 thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên chiến trường và đã chứng tỏ nó là một phương tiện tác chiến rất có giá trị. Các kíp lái Orion đã phối hợp tấn công các tàu hải quân Iraq, góp công phá hủy hàng chục tàu chiến mặt nước của quân đội này.

Khi Liên Xô sụp đổ vào cùng năm đó, quân đội Mỹ đã giảm nhu cầu sử dụng máy bay P-3 nhưng không giảm nhẹ vai trò căn bản của nó. Thay vào đó, P-3 cần phải thể hiện những khả năng khác ngoài tác chiến chống ngầm và tuần tra để vượt ra ngoài những giới hạn mà môi trường phòng thủ hậu Chiến tranh Lạnh đã tạo ra.

Hai năm sau đó, P-3 đã chứng tỏ được giá trị của nó khi hỗ trợ lực lượng Các chiến dịch Đặc biệt của Mỹ ở Somalia.

Trong trận đánh Mogadishu, P-3 đã cung cấp cái nhìn toàn cảnh về trận chiến, chứng minh nó là "con mắt có thể nhìn thấu tất cả" ở phía sau các binh lính đang tác chiến trên mặt đất. Theo thời gian, khả năng này càng trở nên quan trọng hơn.

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2001, cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ các máy bay P-3 trong công tác săn lùng các phần tử khủng bố al-Qaeda và tiêu diệt các tay súng Taliban.

Mặc dù là phương tiện tác chiến trên biển nhưng các gói nâng cấp thông qua chương trình Nâng cao năng lực tác chiến chống mục tiêu nổi (AIP) đã cho phép Orion quan sát tốt hơn tình hình trên bờ biển, cả những vùng địa hình đồi núi của Trung Á.

P-3 không chỉ hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm Mỹ, mà còn tìm kiếm các kẻ địch núp trong vùng địa hình trắc trở và các hang động mà chúng chiếm giữ, thông qua thiết bị dò hồng ngoại.

Cuộc chiến chống khủng bố đã làm gia tăng nhu cầu đối với P-3, ngay cả khi quân đội Mỹ hiện có trong tay nhiều phương tiện tình báo, trinh sát, giám sát (ISR), từ máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm E-3 Sentry, tới máy bay tác chiến điện tử E-8 và các loại UAV.

Hiện nay, P-3 vẫn tiếp tục chứng tỏ được giá trị của nó trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Phiên bản nâng cấp mới nhất của P-3 được trang bị nhiều cảm biến và thiết bị điện tử tinh vi, trong đó có radar khẩu độ tổng hợp với độ phân giải cao.

Ngoài vũ khí chống ngầm, phiên bản mới nhất còn mang theo các loại tên lửa AGM-65F Maverick, AGM-84G Harpoon ICR, AGM-84K SLAM-ER ATA, và 11 bom thông minh GBU-32(V)2/B.

Mặc dù P-8 là mẫu máy bay tinh vi hơn nhưng lại thiếu đi một số tính năng đã khiến P-3 trở thành phương tiện tác chiến không thể thiếu của quân đội Mỹ. Ví dụ khả năng mang vũ khí của P-8 khá hạn chế, nó không thể triển khai tên lửa Maverick hay bom thông minh JDAM.

Về phương tiện tác chiến chống ngầm, P-8 không có thiết bị phát hiện điểm từ tính bất thường (MAD - dùng để phát hiện sự xáo trộn bất thường của từ trường Trái đất do tàu ngầm di chuyển trong lòng biển gây ra) , dù Hải quân Mỹ khẳng định điều đó sẽ không cản trở khả năng săn tàu ngầm của nó.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cây viết Edward Chang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại