Trung Quốc: Đối thủ chung để Mỹ không ngăn cản Ấn Độ mua S-400 của Nga?

Anh Tú |

Các mối lo ngại liên quan đến việc Ấn Độ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga một phần xuất phát từ lý do kỹ thuật nhưng cũng có phần xuất phát từ động cơ chính trị.

Việc Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga đã đặt nước này vào tình thế khó khăn trong bối cảnh các quan hệ chiến lược quốc tế đang chứng kiến những diễn biến phức tạp.

Trong lúc Bộ Quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị đệ trình đề xuất mua hệ thống S-400 lên Ủy ban An ninh Nội các (CCS), nhiều quan chức nước này vẫn còn rất chia rẽ về việc liệu New Delhi có nên thúc đẩy thương vụ trước bối cảnh Washington đe dọa cấm vận và cảnh báo về những tác động ngược tới hoạt động chuyển giao công nghệ quân sự của Mỹ cho Ấn Độ. 

Các quan chức Chính phủ Ấn Độ cho biết, New Delhi và Moscow đã kết thúc đàm phán và một dự thảo hợp đồng trị giá 5,5 tỷ USD đang được soạn thảo để trình lên CCS. Tuy nhiên, một nguồn tin của Không quân Ấn Độ lại cho rằng, chưa chắc New Delhi đã dám "chống lệnh" Washington để mua hệ thống tên lửa. 

"Lý tưởng nhất, thương vụ này nên được đưa ra bàn luận trong cuộc họp thượng đỉnh thường niên giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 10 tới", một quan chức cấp cao Ấn Độ đề xuất. 

Chia sẻ trên tờ Hindu, nghiên cứu viên cao cấp về không gian vũ trụ quân sự Douglas Barrie thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London nhận định, các mối lo ngại liên quan đến hệ thống S-400 một phần xuất phát từ lý do kỹ thuật nhưng cũng có phần xuất phát từ lý do chính trị. 

"Khi được vận hành đúng cách, S-400 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa cực kỳ uy lực. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả, tổ hợp này cần phải được tích hợp với các hệ thống và thiết bị phòng không khác, chẳng hạn như các trạm radar do chính nước bán cung cấp", ông Barrie lý giải. 

"Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh nếu một số thiết bị tích hợp lại được mua từ Mỹ hoặc một quốc gia phương Tây nào đó. Bởi khi đó, mức độ tích hợp cần thiết có thể sẽ không thể thực hiện được vì những mối lo ngại về an ninh". 

Trung Quốc: Đối thủ chung để Mỹ không ngăn cản Ấn Độ mua S-400 của Nga? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

Chuyên gia Frank O’Donnell của Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer thuộc Đại học Harvard đồng thời cũng là chuyên viên Chương trình Nam Á thuộc Trung tâm Stimson lại cho rằng, New Delhi nhiều khả năng sẽ không bị cản trở bởi mối đe dọa cấm vận từ Mỹ khi xúc tiến thương vụ S-400. 

"Rất có thể, Washington sẽ sớm rút lại đe dọa và âm thầm chấp thuận thương vụ nếu các nhà ngoại giao Ấn Độ tìm được cách giải thích cho các đối tác Mỹ thấy, việc mua S-400 sẽ giúp hai nước tăng cường các khả năng nhằm đối phó với những động thái hung hăng của Trung Quốc trong khu vực", ông O’Donnell nói. 

Những ngày gần đây, nhiều quan chức cấp cao Mỹ đã tỏ rõ quan điểm về thương vụ dự kiến của Ấn Độ. Phát biểu tại New Delhi tuần trước, nghị sĩ Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ nói rằng, "hiện đang có rất nhiều quan ngại từ phía Mỹ về hệ thống S-400, cả ở Chính quyền và Quốc hội". 

Nghị sĩ Harry Cueller thuộc Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện Mỹ còn chỉ rõ, Ấn Độ muốn chia sẻ nhiều công nghệ hơn và muốn cùng hợp tác sản xuất với Mỹ nhưng vẫn đề nằm ở chỗ, "nếu chúng ta cung cấp nhiều công nghệ cho Ấn Độ và họ lại mua S-400 thì thực sự rất đáng lo ngại bởi có sự tham gia của bên thứ ba và nguy cơ họ có thể tiếp cận được một số công nghệ". 

Thương vụ S-400 không chỉ là vấn đề hóc búa trong quan hệ Ấn - Mỹ - Nga. 

Tuần trước, Saudi Arabia cũng đã lên tiếng đe dọa sẽ áp dụng các hành động quân sự nếu nước láng giềng Qatar xúc tiến hợp đồng mua S-400 từ Nga. 

Việc Thổ Nhĩ Kỹ quyết định mua hệ thống phòng thủ tiên tiến này của Nga bất chấp phản đối từ Mỹ cũng đã trở thành chủ đề nóng bỏng thời gian qua. 

S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại