Tác chiến điện tử là nghệ thuật của sự vô hình. Hay chí ít, là những phần vô hình của phổ điện từ và những tín hiệu được truyền qua nó.
Trong bài viết dưới đây, trang mạng C4ISRNET đã có cuộc trao đổi với chuyên gia nghiên cứu Samuel Bendett tại Trung tâm Phân tích Hải quân về năng lực tác chiến điện tử của Nga.
Năng lực tác chiến điện tử (EW) của Nga đang đặt ra cho các lực lượng Mỹ và NATO ở châu Âu năng lực đặc biệt nào?
Công nghệ tác chiến điện tử của Nga là một công nghệ đã phát triển và chín muồi, nó vẫn tiếp tục được đầu tư sau khi Liên Xô sụp đổ.
Mặc dù công nghệ Mỹ có thể từng vượt trội so với công nghệ tương tự của Liên Xô, nhưng về cơ bản người Mỹ đã "bỏ xó" năng lực EW từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, do Moscow không còn đặt ra cho họ mối đe dọa như trong giai đoạn trước năm 1991.
Vì thế, trong vài năm qua, người Mỹ đột nhiên phải đối mặt với năng lực đã bị hao mòn của họ khi so sánh với công nghệ EW và hình thái các hoạt động của Nga.
Nói một cách khách quan thì Mỹ vẫn có thể bắt kịp năng lực của Nga hiện nay nhưng cần thời gian.
Năng lực tác chiến điện tử của Mỹ đã suy yếu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (Ảnh minh họa). Ảnh: US Army
Mối đe dọa đó đã thay đổi trong 5 năm gần đây?
Trong 5 năm qua, Nga đã thử nghiệm và đánh giá nhiều công nghệ EW khác nhau. Họ cũng đang đặt mình trong bối cảnh phương Tây có thể tiến hành tấn công điện tử bất cứ lúc nào để thực hành nhiều hoạt động tác chiến, kỹ-chiến thuật và quy trình khác nhau.
Như thế, binh lính của họ có thể học cách xoay xở khi thiếu vắng những công nghệ ngày càng phổ biến trên chiến trường, như GPS của Mỹ hay GLONASS của Nga.
Đã từng có ghi nhận nào về bất cứ hệ thống EW mới được Nga triển khai trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, như ở Nga và Ukraine hay chưa?
Tại Ukraine, đã có những báo cáo về sự xuất hiện của tổ hợp tác chiến điện tử Leer-3 được tích hợp với UAV Orlan.
Tại Syria, nơi quân đội Nga đã thử nghiệm gần 200 công nghệ quân sự khác nhau, đã có ghi nhận về hệ thống tác chiến điện tử Krasukha và Moskva, cũng như tổ hợp Leer-3 đã đề cập ở trên.
Hệ thống tác chiến điện tử RB-341V "Leer-3" của Nga. Ảnh: vitalykuzmin.net
Ở Syria, Nga đang đặt nên tảng cho cái gọi là "phòng thủ nhiều lớp", trong đó các hệ thống EW hoạt động phối hợp với các radar cảnh báo sớm và các tổ hợp phòng không như Pantsir-S.
Chính lớp phòng thủ này đã giúp Nga đánh chặn một "bầy đàn" UAV hồi tháng Một năm nay. Nó vẫn đang tiếp tục bảo vệ các căn cứ quân sự, cũng như phương tiện tác chiến của Nga tại quốc gia này.
Có hệ thống EW nào mà Mỹ và NATO nên đặc biệt chú ý không?
Tại Syria và Biển Đen, Nga đang thu thập một lượng lớn tín hiệu tình báo từ tất cả các phương tiện tác chiến của phương Tây – tên lửa, máy bay, cho tới các hệ thống tín hiệu điện tử khác.
Điều này có thể đặt ra mối đe dọa tiềm tàng đối với vị thế thống trị công nghệ của phương Tây, do các hệ thống EW của Nga có thể tìm ra cách đối phó với công nghệ quân sự Mỹ/NATO.
Nga thậm chí từng tuyên bố một số hệ thống EW mà họ triển khai – như Bylina – sẽ thể hiện năng lực trí tuệ nhân tạo dựa trên phương thức Machine Learning (Học máy, có tài liệu gọi là Máy học, là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống "học" tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể).
Phương thức này sẽ đến từ việc thu thập thông tin tình báo tín hiệu của phương Tây.
Các quốc gia NATO đã có bước phát triển nào để đối phó với năng lực EW của Nga chưa?
Hiện mới có một số cuộc thảo luận về phổ điện từ và nhu cầu bức thiết đối với quân đội Mỹ trong việc tăng cường năng lực công nghệ cho các hệ thống EW của họ.
Cần phải hiểu rằng Nga đang tìm cách tích hợp năng lực EW của họ vào toàn bộ lực lượng tác chiến, và họ đang học cách tiến hành các chiến dịch EW phòng thủ và tấn công để vô hiệu hóa sự thống trị công nghệ của phương Tây trong các hệ thống tác chiến trên biển, trên không, trong không gian, trong các loại đạn dẫn đường chính xác.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha 4 của Nga