Theo các phóng viên của tờ báo Đức Die Welt, những mẫu xe tăng A7V từng tham chiến ở Pháp vào mùa Xuân năm 1918 giờ đây lại được tái hiện trong mẫu xe tăng hiện đại nhất của nước này: Leopard 2.
100 năm trôi qua, cũng vào mùa Xuân, 3 chiếc xe tăng A7V lại lăn bánh trong cuộc tập trận trên thao trường cách không xa thành phố Muenster ở phía bắc nước Đức. Chúng được gọi là những cỗ máy công nghệ cao với tất cả niềm tự hào và giao cho nhiệm vụ "răn đe" (thậm chí là "hù doạ" - Abschreckung theo tiếng Đức) người Nga tại vùng cận Baltic.
Bởi vì từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bất ngờ nổ ra và Crimea gia nhập Nga, các nước vùng Baltic như Estonia và Litva cảm thấy bất ổn trước mối đe dọa từ phía người hàng xóm khổng lồ.
Leopard mới có những tính năng gì?
Các nhà báo Đức viết về chiếc xe tăng mới "Leopard 2 A7V" với tất cả sự thán phục. Đây là đại diện tiêu biểu nhất của dòng xe tăng thành công nhất của Đức. Lính Đức coi nó là "huyền thoại bánh xích". Nó được trang bị hệ thống điện tử tối tân nhất, kết nối mạng với các cỗ máy và những đơn vị bộ binh khác.
Với trọng lượng 60 tấn, Leopard có thể đạt được vận tốc tối đa 70km/h và là một trung tâm điện toán cơ động. Xe có cơ chế truyền dữ liệu dạng số, thiết bị tính toán đạn đạo xác định đường bắn của viên đạn được bắn ra từ nòng pháo 120mm.
Chỉ huy xe tăng điều khiển con mãnh thú này bằng cần điều khiển, có thể nhìn toàn cảnh thông qua hệ thống ống ngắm cả ban đêm cũng như ban ngày. Một máy phát điện giúp cho chiếc xe tăng duy trì hoạt động kể cả khi động cơ không hoạt động. Hệ thống điều hoà sẽ giúp tổ lái không phải lo lắng về điều kiện khí hậu.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, chiếc xe tăng này cũng tồn tại không ít khiếm khuyết.
Khẩu pháo nòng trơn không thể sử dụng các tên lửa điều khiển giống như các xe tăng hiện đại của Nga. Trên nóc của tháp modul chiến đấu là khẩu súng máy 12,7mm – thua xa khẩu đại liên trên các xe thiết giáp của Nga, nhưng kèm vào đó là khẩu súng phóng lựu 76mm.
Kinh nghiệm tham chiến tại Syria, nơi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị mất hơn 7 chiếc "Leopard" đã khiến các kỹ sư Đức phải bổ sung lớp giáp thụ động ở phần trước, 2 bên sườn, tháp pháo và bụng của chiếc xe tăng này.
Tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2A7 được thiết kế tối ưu cho tác chiến đô thị
Leopard có "ngán" gì không?
Đó vẫn là súng phóng lựu chống tăng RPG-7, loại vũ khí từng là khắc tinh của nhiều cỗ xe tăng. Khẩu súng phóng lựu vác vai cũ kỹ của Liên Xô từng được sử dụng từ năm 1961 đã làm mất đi hình ảnh của các xe tăng Đức tại Syria.
Khi người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chiến dịch đánh chiếm thành phố Al-Bab để không cho người Kurd liên kết lại với nhau, các phần tử IS đã gây ra một cuộc "thảm sát" thực sự đối với những xe tăng "Leopard" mà Thổ Nhĩ Kỳ mua của Đức. Có nhiều con số thiệt hại khác nhau được đưa ra, thêm thắt cũng có, che dấu cũng có, nhưng chắc chắn không dưới 7 chiếc.
Tất nhiên, các tổ lái không phải là người Đức mà là người Thổ và các xe tăng này cũng không phải là những phiên bản nâng cấp mới nhất. Nhưng các phần tử khủng bố cũng không sử dụng những tổ hợp Kornet-D (tổ hợp tên lửa chống tăng của Nga) và thậm chí cũng chẳng phải là Aglen (súng phóng lựu chống tăng RPG-26 của Liên Xô).
Bởi vậy, hiện nay nhiệm vụ kỹ thuật đặt ra đối với người Đức khi nâng cấp Leopard chính là giải quyết vấn đề liên quan tới súng phóng lựu RPG-7 và hơn thế nữa.
Ngoài tất cả những gì đề cập ở trên, Leopard 2 A7V vẫn còn một yếu điểm chính mà gần như tất cả các xe tăng hiện đại, ngoài T-14 Armata, đang gặp phải – đó là không gian chung phía sau lớp giáp.
Khi đạn của địch bắn trúng thân hay tháp pháo thì nhiều khả năng sẽ vô hiệu hoá toàn bộ chiếc xe tăng cùng tổ lái. Vậy mà hệ thống bảo vệ chủ động của chiếc xe tăng Đức cũng không hề được nhắc đến, ngoài việc chỉ đề cập tới màn khói ROSY giúp bảo vệ chiếc xe tăng trước vài quả tên lửa chống tăng.
Tất nhiên, Leopard 2 hoàn toàn có thể là chiếc xe tăng xứng tầm, sở hữu động cơ khoẻ, khả năng hoạt động trên mọi địa hình, tính cơ động cao với các hệ thống điều khiển hoả lực hiện đại. Leopard tất nhiên hơn hẳn Abrams: cơ động hơn, dễ xoay sở hơn.
Tuy nhiên, các xe tăng hiện đại của Nga cũng không hề kém cạnh, thậm chí còn tốt hơn. Chưa nói tới Armata mà Leopard không phải là đối thủ.
Cho nên, "sự vượt trội của lớp giáp mới trên cỗ xe tăng Đức là ảo tưởng do chính các nhà báo Đức dựng lên mà thôi…" chuyên gia quân sự có danh tiếng của Nga, ông Victor Litovkin chia sẻ.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến tại Syria