Trong những ngày gần đây, hệ thống phòng thủ tên lửa tân tiến S-400 của Nga đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, đặc biệt là trên các trang thông tin và diễn đàn chuyên về quốc phòng - quân sự.
Nhiều quốc gia vốn là đồng minh hay bạn bè thân cận của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ, bất chấp những đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, vẫn quyết tâm "mua bằng được" S-400. Điều gì thực sự đã khiến Washington "nổi cơn thịnh nộ" như vậy?
S-400 Triumph là hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất của Nga hiện nay, được thiết kế để tấn công rất nhiều loại mục tiêu khác nhau. Tổ hợp này có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu ở khoảng cách lên tới 400 km và tên lửa đạn đạo là 60 km.
Điểm nhấn đặc biệt của S-400 là hệ thống này có khả năng bắn ít nhất 4 loại tên lửa phòng không, tương ứng với từng loại mục tiêu khác nhau. Đó là chưa kể Nga hiện vẫn đang bổ sung thêm cho S-400 các loại đạn tên lửa mới nhưng vẫn còn giữ bí mật về tính năng của chúng.
Tháng 4 năm ngoái, Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, binh lính thuộc các đơn vị phòng không nước này đã được trang bị một lô tên lửa mới cho S-400 với khả năng tấn công cả các mục tiêu bay ở quỹ đạo thấp.
Mỗi tổ hợp S-400 gồm ít nhất 6 bệ phóng, một xe chỉ huy, một đài radar cơ động và một số xe vận tải, tiếp đạn. Hệ thống có thể phát hiện các mục tiêu tấn công trên không từ khoảng cách 600 km và đủ khả năng khai hỏa đáp trả cùng lúc 36 mục tiêu.
Quá trình tái nạp đạn tên lửa cho S-400. Ảnh: Sputnik
Tại sao Mỹ bị "ám ảnh" với S-400?
Nhiều thương vụ xuất khẩu S-400 thời gian qua đã làm xáo trộn các bên liên quan trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không này của Nga đã vấp phải sự chỉ trích kịch liệt từ phía Mỹ. Washington lo ngại rằng, hành động của Ankara sẽ làm mất đi khả năng tương thích với các hệ thống theo chuẩn NATO.
Bất chấp sức ép, thậm chí là đe dọa từ Washington, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết theo đuổi S-400, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đóng băng kế hoạch mua tiêm kích F-35 của Mỹ.
Nhiều quốc gia khác cũng vấp phải những phản ứng tương tự từ Mỹ khi bày tỏ ý định mua các hệ thống S-400 tiên tiến của Nga. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ Mac Thornberry cảnh báo sẽ áp đặt giới hạn bán vũ khí cho Ấn Độ nếu New Delhi xúc tiến thương vụ này với Nga.
Tuy nhiên, các quan chức Ấn Độ đã phản ứng cứng rắn với tuyên bố rằng "không nước nào có thể ra lệnh cho họ mua hay không mua vũ khí gì", đồng thời nhấn mạnh New Delhi sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch mua S-400 bất chấp có thể bị Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.
Việc Mỹ bị "ám ảnh" với hệ thống S-400 có thể được giải thích bằng lý do Washington muốn tìm mọi cách để chống lại Nga hay các nhu cầu mua vũ khí Nga tăng cao sẽ làm tổn hại tới lợi ích của Mỹ trên thị trường vũ trang thế giới.
Nhưng vẫn còn có một lý do khác giải thích tại sao hệ thống phòng không này của Nga lại có sức hấp dẫn đến thế: Đơn giản, bởi S-400 tốt hơn!
Patriot do Mỹ chế tạo - hệ thống được đánh giá là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với S-400, sở hữu các khả năng kém ấn tượng hơn nhiều.
Tốc độc tấn công mục tiêu của S-400 nhanh hơn Patriot gấp 2 lần. Tầm hoạt động của Patriot cũng ngắn hơn, cả với các mục tiêu khí động lực và tên lửa đạn đạo.
Tất nhiên, khả năng chiến đấu của Patriot có thể được tăng cường khi bổ sung thêm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - tổ hợp cũng do Mỹ chế tạo nhưng chỉ được thiết kế để chuyên đối phó với tên lửa đạn đạo.
Cầu hỏi đặt ra ở đây là, tại sao các quốc gia đồng minh của Mỹ phải đổ tiền ra mua hai hệ thống, trong khi chỉ cần trang bị một hệ thống S-400 là đã có thể đảm trách được cả hai nhiệm vụ: tiêu diệt mục tiêu khí động học và tên lửa đạn đạo?
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph tham gia diễn tập tại Crimea