Chuyên gia Yuri Sytnik, thành viên Ủy ban Phát triển Hàng không trực thuộc Tổng thống Nga, tuyên bố rằng, trong tương lai rất gần Nga có thể tự chủ hiện đại hóa máy bay vận tải An-124 Ruslan và nối lại quá trình sản xuất dưới một thương hiệu khác.
Dưới đây là bài bình luận của hãng tin Sputnik (Nga) liên quan đến vấn đề này. Bài viết có tiêu đề: "Chạy nước rút tránh xa nền văn minh: Ai đã 'ăn cắp' máy bay Ruslan của Ukraine"
An-124 Ruslan (tên hiệu NATO: Condor) là máy bay vận tải đường dài 4 động cơ đã được phát triển dưới thời Xô Viết tại Phòng thiết kế Antonov ở Kiev. Vào tháng 12/1982, máy bay Ruslan đã thực hiện chuyến bay đầu tiên. Loại máy bay này đã được sử dụng cho đến đầu năm 1987.
An-124 là loại máy bay vận tải lớn nhất thế giới với trọng tải lên tới 120 tấn, khối lượng cất cánh tối đa 392 tấn. Trên thị trường quốc tế vẫn có nhu cầu về Ruslan.
Dù hiện nay có loại máy bay thậm chí còn nặng hơn - máy bay vận tải 6 động cơ An-225 "Mriya" (dịch từ tiếng Ukraine "Giấc mơ") với trọng tải lên tới 250 tấn, khối lượng cất cánh tối đa lên đến 640 tấn, nhưng đến nay chỉ duy nhất 1 chiếc loại này còn hoạt động. Ngoài ra, không phải tất cả các sân bay có thể chấp nhận một phi cơ khổng lồ như vậy.
Trong khi đó, Ruslan hiện có tới 43 chiếc và chúng có thể hạ cánh tại tất cả các sân bay thuộc loại cao nhất.
Máy bay vận tải An-124 Ruslan. Ảnh: Sputnik
Năm 2006, Ban Hợp tác Kinh tế của Ủy ban Ukraine-Nga đã quyết định tiếp tục thực hiện dự án An-124. Sau đó, vào tháng 8/2007, hai bên đã ký kết thỏa thuận về việc nối lại quá trình sản xuất hàng loạt máy bay Ruslan tại nhà máy chế tạo và bảo dưỡng máy bay ở Ulyanovsk.
Công ty vận tải hàng không Volga-Dnepr của Nga đã lên kế hoạch đến năm 2030 sẽ đặt mua 100 chiếc An-124-100M-150 phiên bản nâng cấp.
Trong một thời gian nhất định dự án này đã phát triển khá thành công. Rồi người Mỹ và… niềm hãnh diện của người Ukraine đã can thiệp vào dự án!
Giám đốc Phòng thiết kế Antonov đã thông báo rằng, công ty ông được phép tham gia đấu thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ về việc cung cấp phi cơ tiếp dầu trên không trị giá 50 tỷ USD. Điều đó ám chỉ rằng, sự hợp tác với "đối tác mới từ phương Tây" sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với Nga.
Cuộc đấu thầu đã được tổ chức. Song, phòng thiết kế Antonov bị thất bại ngay trong phiên đầu của cuộc đấu thầu. Trong khi đó, các công việc theo dự án chung với Nga đã bị "đình chỉ".
Sau đó, ở Ukraine đã xảy ra cuộc đảo chính năm 2014. Chính quyền mới ở Kiev theo chủ nghĩa dân tộc và thân phương Tây đã tuyên bố chấm dứt hợp tác kinh tế với Nga. Kết quả là công ty Antonov đã sụp đổ.
Tuy nhiên, bất chấp những cơn bão chính trị, vẫn có nhu cầu lớn về máy bay An-124. Do đó, phía Nga đã quyết định tự chủ hiện đại hóa và sản xuất nó dưới một thương hiệu khác. Nga có đủ cơ sở pháp lý và kỹ thuật để làm như vậy.
Theo các chuyên gia, ngay hiện nay An-124 có thể được gọi là sản phẩm quốc gia với chi tiết máy bay "made in Russia 95%". Moskva không còn quan tâm đến những tuyên bố của Kiev rằng Nga "không thể và không có quyền làm như vậy".
Trước đây, Ukraine đã là một trong những nước cộng hòa Xô viết phát triển nhất với ngành công nghiệp mạnh. Nhưng, nước này đã tự lựa chọn con đường phát triển hiện nay.
Kiev đang tập trung nỗ lực để "gia nhập châu Âu" và từ bỏ di sản của Liên Xô. Vâng, như thường nói, mỗi người tự quyết định hạnh phúc của riêng mình. Do đó, việc An-124 bắt đầu được sản xuất tại Nga là hợp lý hơn.
Bầu trời Ukraine trở nên hoàn toàn xa lạ với Ruslan. "Cuộc chạy nước rút" của Ukraine dẫn đến kết quả tránh xa nền văn minh.