Chuyên gia cảnh báo: Nhiều người đang uống nước sai cách, có thể gây ngộ độc nước

Thảo Nguyên |

Nước là một trong những thành phần cơ bản của sự sống, chiếm khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể người trưởng thành. Nhưng uống nhiều nước đôi khi lại không tốt, có thể gây hạ natri máu.

Uống cả lít nước một lúc có thể gây ngộ độc

PGS Phạm Văn Hoan – Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, có một số thông tin cho rằng một ngày có thể uống 8 cốc nước tuy nhiên chúng ta không cần uống quá nhiều như thế bởi thực tế nước không chỉ từ nước ta uống vào mà trong quá trình ăn, từ các thực phẩm như 1 quả táo cũng tương đương với 1 cốc nước.

Mọi người thường truyền tai nhau sáng ngủ dậy uống một cốc nước để thanh lọc cơ thể, "tưới" nước cho các cơ quan hoạt động sau một đêm ngủ dài. Tuy nhiên các chuyên gia khẳng định việc uống nước quan trọng nhưng không phải lúc nào cũng đúng mà việc uống nước cần đúng khoa học. PGS Hoan cho biết có người nghĩ rằng nó tốt nên sáng chưa ăn gì đã uống cả lít nước.

PGS Hoan cho biết nếu uống quá nhiều nước rất nguy hiểm có thể khiến hạ natri máu, gây tử vong hay còn gọi tử vong do ngộ độc nước.

Chuyên gia cảnh báo: Nhiều người đang uống nước sai cách, có thể gây ngộ độc nước - Ảnh 1.

Natri là một chất điện giải cần thiết giúp duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và quanh các tế bào. Natri cũng rất cần thiết cho chức năng của cơ bắp và não bộ. Natri cũng tham gia vào quá trình duy trì ổn định huyết áp. Hạ natri máu xảy ra khi nước và natri không cân bằng, nói cách khác, đó là khi có quá nhiều nước và có quá ít natri.

Biểu hiện của hạ natri máu người bệnh cảm thấy yếu, mệt mỏi hoặc ít năng lượng, đau đầu, buồn nôn và nôn mửa, chuột rút hoặc co thắt cơ, lú lẫn, kích thích.

Khi nào cần uống nước

Để biết cơ thể thiếu nước, PGS Hoan cho biết mọi người có thể nhìn qua nước tiểu của mình. Nếu nước tiểu có màu hơi vàng trong và có màu sáng trắng là nước tiểu bình thường. Màu nước tiểu sậm màu là cơ thể thiếu nước cần bù nước để không ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Nếu cơ thể xuất hiện cảm giác khát nước lúc đó đã bị mất nước ít nhiều. Bình thường, nước trong cơ thể của chúng ta bị mất qua đi tiểu, qua da, qua phổi và qua phân.

Theo PGS Hoan, mất nước là một hậu quả nghiêm trọng của việc không uống đủ nước. Triệu chứng của tình trạng mất nước cấp tính sẽ rất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ mất nước.

Chuyên gia cảnh báo: Nhiều người đang uống nước sai cách, có thể gây ngộ độc nước - Ảnh 2.

Mất nước có thể gây cản trở chức năng nhận thức và tinh thần, những người bị mất nước thường rơi vào trạng thái mê sảng (delirium). Mất nước có thể làm rối loạn và phức tạp thêm việc điều trị một số bệnh khác. Mất nước sẽ làm tăng nguy cơ mắc biến chứng do nghẽn mạch huyết khối, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, sỏi thận, tăng thân nhiệt, táo bón và tụt huyết áp tư thế đứng.

Biến chứng khi mất nước sốc nhiệt (heat injury): Trong trường hợp không uống đủ nước khi luyện tập thể thao cường độ cao hoặc làm việc nặng. Sốc nhiệt có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng và có thể đe dọa tính mạng.

Các vấn đề về tiểu tiện và thận: Mất nước kéo dài hoặc mất nước liên tục tiếp diễn có thể gây viêm đường tiết niệu, sỏi thận và thậm chí là suy thận.

Co giật: Các chất điện giải (kali, natri) giúp vận chuyển các tín hiệu thần kinh giữa các tế bào. Nếu mất cân bằng điện giải (do mất nước), việc truyền tín hiệu sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc co thắt cơ không tự chủ và đôi khi có thể dẫn đến trạng thái mất ý thức, bất tỉnh.

Sốc giảm thể tích: Là một trong số những biến chứng nghiêm trọng nhất của tình trạng mất nước, đôi khi có thể đe dọa tính mạng. Sốc giảm thể tích xảy ra khi lượng máu trong cơ thể quá thấp (do mất nước) dẫn đến tụt huyết áp và giảm lượng oxy trong cơ thể.

Uống bao nhiêu nước là đủ

Các nghiên cứu về cân bằng nước cho thấy nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6 lít nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (khoảng 1,7 lít).

Với người trưởng thành, nhu cầu nước một ngày của nam giới khoảng 2,5 lít/ngày nếu nam giới có mức độ lao động thể lực mức nhẹ và có thể tăng lên tới 3,2 lít/ngày nếu hoạt động thể lực ở mức độ trung bình, thậm chí có thể tăng lên tới 6 lít/ngày nếu người trưởng thành hoạt động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng.

Nghiên cứu về sự thay thế nước trong cơ thể (water turnover) chứng minh rằng, lượng nước thay thế trong một ngày khoảng 3,3 lít với nam giới ít vận động và 4,5 lít với nam giới thường xuyên hoạt động. Với những người có cường độ vận động cao, lượng nước thay thế một ngày có thể lên tới 6 lít.

Lượng nước thay thế cho phụ nữ trong vòng 1 ngày thường sẽ ít hơn từ 0,5-1,0 lít so với nam giới cùng tuổi.

Khi cơ thể bắt đầu già hóa đối với cả 2 giới, mức độ hoạt động thể chất sẽ giảm đi và khả năng điều hòa nước trong cơ thể cũng giảm đi do giảm chức năng thận và giảm cảm giác khát nước. Tuỳ vào từng độ tuổi, từng thể trạng và nhu cầu nước còn phụ thuộc vào thời tiết, vì thế PGS Hoan khuyên mọi người có thể tự đánh giá mức độ thừa, thiếu nước của cơ thể mình.

Với người Việt Nam, theo PGS Hoan, năm 2016, Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra khuyến nghị nhu cầu nước một ngày cho người Việt Nam là 40ml/kg cho người hoạt động thể lực nặng. Nếu bạn nặng 60kg tương đương với 2,4 lít nước một ngày.

Với người hoạt động thể lực bình thường là 35 ml/kg tương đương cân nặng 60 kg là gần 2.1 lít nước. Với trẻ em từ 11 - 20kg là 1 lít nước cộng với 50ml/kg (ví dụ bé nặng 12 kg tương đương 1,1 lít nước). Trẻ em trên 21 kg là 1,5 lít nước cộng thêm 20ml/kg cân nặng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại