Sau 8 tháng tạm dừng hoạt động, chiều ngày 22/3 đơn nguyên Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) đã chính thức đi vào hoạt động. Tính đến sáng nay, đơn nguyên này sẽ tiến hành chạy 2 ca, với mỗi ca chạy là 12 bệnh nhân.
BS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, với 12 máy chạy thận hiện nay được trang bị tại khoa, nếu ngày lẻ chạy 3 ca, ngày chẵn chạy 2 ca thì chúng tôi mới chỉ đáp ứng 70 bệnh nhân trên tổng số 130 bệnh nhân trước đây chạy thận thường quy tại bệnh viện.
Như vậy, số bệnh nhân còn lại sẽ phải tiếp tục việc chạy thận của mình tại BV Đa khoa Thành phố Hòa Bình, hoặc xuống các bệnh viện ở Hà Nội để chạy thận.
Đối với những người bệnh được quay trở lại chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sau 8 tháng tạm người, đa số họ đều cảm thấy mừng, vì từ nay không phải di chuyển một quãng đường dài hoặc phải thuê nhà ở Hà Nội để chạy thận.
Bác Bùi Duy Nhân (68 tuổi) cho biết, lúc đầu khi nghe tin bệnh viện hoạt động chạy thận trở lại, chính bác Nhân và những bệnh nhân khác cũng rất hoang mang, lo lắng. Những câu hỏi về chất lượng hệ thống liệu đã đảm bảo hay chưa luôn thường trực trong đầu.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã kịp thời trấn an, đồng thời cho biết hệ thống đã được kiểm tra an toàn và có sự hỗ trợ từ các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, khi đó các bệnh nhân mới thực sự yên tâm.
"Tôi là một trong số những người đầu tiên chạy thận ngày 22/3. Khi biết có các bác sĩ các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai về hỗ trợ, chúng tôi rất yên tâm và mong rằng, việc chạy thận nhân tạo sẽ được triển khai tại bệnh viện tỉnh. Dù sao thì ở đây hệ thống trang thiết bị cũng hoàn thiện, đầy đủ và thuận tiện hơn cho chúng tôi trong việc đi lại", bác Nhân chia sẻ.
Bệnh nhân Tiến rưng rưng nước mắt khi chia sẻ về việc BS Hoàng Công Lương bị truy tố.Ảnh 3: C
Còn bệnh nhân Hoàng Văn Tiến 52 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình cũng không giấu được xúc động khi được quay lại chạy thận tại bệnh viện. Bệnh nhân Tiến cho biết, việc khởi động lại đơn nguyên chạy thận sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều, đặc biệt là trong việc tiết kiệm chi phí.
Khi được hỏi về sự cố xảy ra 8 tháng trước, cũng như việc bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố, bệnh nhân Hoàng Văn Tiến cho rằng, đó là sự cố ngoài ý muốn, chứ không phải bác sĩ Lương chỉ ý gây ra.
"Thật sự tôi luôn mong bác sĩ Lương được tiếp tục làm việc, bác sĩ Lương là người hiền lành, chú đáo và luôn nhiệt tình với người bệnh", bệnh nhân Tiến vừa nói, vừa gạt đi những giọt nước mắt lăn dài trên gò má.
Đa số các bệnh nhân được hỏi về sự cố y khoa nghiêm trọng đã từng xảy ra tại Đơn nguyên thận nhân tạo, ai cũng buồn và không muốn nhắc đến những chuyện buồn đã qua. Tất cả các bệnh nhân chỉ mong muốn, đây sẽ là bài học đắt giá và hy vọng sẽ không bao giờ xảy ra trường hợp tương tự.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, bản cáo trạng và quyết định truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương về tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chưa thật sự thuyết phục.
Các bệnh nhân chạy thận ở BV Đa khoa Hòa Bình đều nhận định bác sĩ Lương làm việc vì người bệnh và mong muốn bs Lương tiếp tục được chữa bệnh cứu người.
Theo ông Quang, việc kiểm tra nước tinh khiết RO để chạy thận phải qua thiết bị chuyên ngành mới xác định được. Trong khi đó, bác sĩ Lương chưa được đào tạo thì không thể kiểm tra được. Vì vậy, dù có kiểm tra thì bác sĩ Lương cũng không thể biết được nước RO đã đảm bảo hay chưa.
Thậm chí, nếu bác sĩ Lương có kiểm tra, báo cáo thì các bệnh nhân vẫn có chất lạ vào cơ thể và đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong.
"Đối chiếu với cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Hòa Bình thì nội dung gây đến hậu quả nghiêm trọng đối với bác sĩ Lương là chưa thật sự thuyết phục", ông Quang nói.