Hầu hết các loại hải sản đều sở hữu hàm lượng dinh dưỡng quý giá và phong phú. Đó cũng là lí do khiến nhiều người yêu thích các món ăn chế biến từ loại thực phẩm này.
Tuy nhiên, nếu thưởng thức hải sản một cách tùy tiện, người dùng sẽ phải đối mặt với những mối nguy hại khôn lường về sức khỏe.
1. Ăn hải sản chưa chín: Nguy cơ nhiễm mầm bệnh và ký sinh trùng
Đa số các loại hải sản đều có chứa vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, loại vi khuẩn có khả năng kháng nhiệt rất cao và chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ hơn 80 độ C.
Hơn nữa, môi trường nước, nơi các loại hải sản sinh sống có chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Trong quá trình đánh bắt, vận chuyển và chế biến, hải sản cũng có nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh từ bên ngoài.
Vì vậy, loại thực phẩm này nên được nấu trong nước sôi khoảng 4-5 phút mới có thể được "sát trùng" hoàn toàn.
Các chuyên gia y tế cũng kiến nghị mọi người không nên ăn các loại hải sản sống hay hải sản ngâm rượu, tẩm ướp, chế biến chưa chín để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Nếu muốn thưởng thức những món ăn từ hải sản sống, hãy chắc chắn rằng nguồn hải sản tươi mới và đảm bảo vệ sinh. (Ảnh minh họa).
2. Hải sản có vỏ khi không còn tươi: "Ổ chứa vi khuẩn"
Bản thân các loài nhuyễn thể như sò, hến… đã mang trong mình nhiều mầm bệnh. Cơ thể của nhóm này còn có khả năng phân giải protein rất nhanh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi chết, chúng sẽ trở thành "ổ vi khuẩn", đồng thời sản sinh ra rất nhiều độc tố.
Chưa dừng lại ở đó, những loại hải sản có vỏ không còn tươi mới sẽ sản sinh ra nhiều gốc tự do – chất gây ung thư và nhiều loại bệnh khác đối với cơ thể con người.
Bởi vậy, khi mua các loại hải sản có vỏ, bạn nên chú ý lựa chọn những loại tươi ngon và nhanh chóng chế biến, hạn chế để lâu.
Bên cạnh đó, người có tiền sử dị ứng hải sản hoặc mang thể trạng dị ứng nên đặc biệt chú ý khi ăn các loại nhuyễn thể.
3. Vừa ăn hải sản vừa uống bia rượu: Cẩn thận bệnh gout
Nhiều người thường có thói quen dùng các loại hải sản làm "đồ nhắm" mỗi khi uống bia rượu. Các món ăn chế biến từ loại thực phẩm này cũng thường xuyên xuất hiện trên các bàn tiệc cùng bia, rượu.
Trên thực tế, các loại tôm, cua, cá… khi đi vào cơ thể sẽ tạo nên nhiều acid uric. Lượng acid uric dư thừa quá nhiều trong cơ thể chính là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh gout.
Không chỉ vậy, rượu bia còn có các chất đẩy nhanh quá trình hình thành acid uric, gây ra nhiều bất lợi đối với sức khỏe con ngươi.
Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo mọi người không nên ăn hải sản trong lúc uống rượu bia để giảm nguy cơ mắc bệnh gout cũng như nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Bia rượu hoàn toàn không phải là thức uống lý tưởng trong một bữa ăn có hải sản. (Ảnh minh họa).
4. Hải sản và hoa quả: Cặp "bài trùng" gây đau bụng
Các loại hải sản như cua, tôm, cá… thường chứa hàm lượng cao protein và canxi. Trong khi đó, hoa quả lại rất giàu acid tannic.
Tác hại đầu tiên của việc ăn hải sản cùng hoa quả chính là cản trở quá trình hấp thụ protein của cơ thể.
Không chỉ vậy, canxi trong hải sản kết hợp với acid tannic trong hoa quả sẽ tạo thành canxi không hòa tan gây kích thích tiêu hóa, dẫn tới các phản ứng như đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và một số triệu chứng ngộ độc khác.
Chính vì vậy, bạn nên ăn riêng 2 loại thực phẩm "xung khắc" này và thưởng thức chúng cách nhau 2 tiếng.
5. Uống trà sau khi ăn hải sản: Nguy cơ cao mắc sỏi thận
Mặc dù là thức uống tráng miệng được ưa thích của nhiều người dân châu Á, nhưng việc uống trà sau khi ăn hải sản lại không hề được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích.
Nguyên nhân là bởi lá trà cũng có đặc tính tương tự như hoa quả - rất giàu acid tannic.
Uống trà ngay sau khi vừa ăn hải sản sẽ cản trở quá trình hấp thu protein và tạo thành canxi không hòa tan, gây đau bụng và tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Thời điểm tốt nhất để thưởng thức trà sau khi ăn hải sản là khoảng 2 tiếng.
6. Hải sản đông lạnh: Đừng dại chế biến bằng cách luộc, hấp
Khác với các loại thịt, trong hải sản chứa rất nhiều loại vi khuẩn có thể chịu được nhiệt độ thấp. Bởi vậy, bất kỳ loại hải sản nào cũng nên được chế biến ở trạng thái tươi ngon.
Vì thế, việc ướp đá hay bảo quản hải sản trong tủ lạnh không thể triệt tiêu được các vi khuẩn và mầm bệnh mà chỉ tạm thời làm chậm lại các hoạt động của chúng.
Nếu để trong tủ lạnh lâu ngày, hàm lượng vi khuẩn sẽ tăng nhanh, đại bộ phận protein cũng sẽ bị biến tính. Khi đó, hải sản không chỉ không giữ được hương vị thơm ngon mà còn mang nhiều mối nguy hại đối với sức khỏe, càng không thích hợp chế biến bằng cách luộc, hấp.
Ngược lại, nếu được chế biến bằng cách phương pháp dùng nhiệt độ cao như chiên, rán, hải sản không những có được hương vị thơm ngon mà còn tiêu trừ được các loại vi khuẩn.
7. Hải sản và vitamin C: Cặp đôi "xung khắc"
Một số loại hải sản như tôm, cua, nghêu, sò… đều có chứa hàm lượng lớn asen pentavalent. Bình thường những chất này không gây hại, nhưng nếu ăn kèm với lượng lớn thực phẩm giàu vitamin C lại trở thành mối nguy đối với sức khỏe.
Bởi khi asen pentavalent kết hợp với hàm lượng vitamin C cao (khoảng hơn 500mg) sẽ tạo thành asen trioxide. Chất độc "khét tiếng" này còn được biết tới với tên gọi "thạch tín".
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng vitamin C hấp thu từ 50 quả táo nhỏ hoặc 30 quả lê, hay 10 quả cam, 3kg rau củ sẽ đủ liều lượng để kết hợp với asen pentavalent tạo thành thạch tín.
Bởi vậy, trong lúc ăn hải sản nên tránh xa hoa quả, cũng cần hạn chế ăn rau dưa để tránh gây hại cho cơ thể.
Các loại hoa quả giàu vitamin C và hải sản từ lâu đã là một cặp đôi "xung khắc" nổi tiếng trong giới thực phẩm. (Ảnh: nguồn Internet).
8. Hải sản đông lạnh: Hãy chế biến thật kỹ!
Đối với hải sản đã được nấu chín, bạn có thể để trực tiếp vào tủ lạnh, sau đó đun nóng là có thể dùng tiếp.
Tuy nhiên, đối với các loại hải sản tươi được bảo quản đông lạnh, bạn nên giã đông trước khi chế biến, sau đó nấu chín thật kỹ.
Cần lưu ý rằng các loại hải sản tươi sống đều là dạng thực phẩm có protein phân hủy rất nhanh, tốt nhất nên chế biến và thưởng thức trong vòng một ngày từ khi mua về, không nên bảo quản trong thời gian quá lâu.
*Theo CNYS