Ngày 3/10, tờ Southfront xuất bản bài viết: "New weapons and the new tactics which they make possible: Three Examples" (tạm dịch: Các vũ khí và chiến thuật mới mà họ đã hiện thực hóa: 3 ví dụ) của nhóm phân tích The Saker.
Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan về các tiến bộ trong công nghiệp quốc phòng gần đây của Nga cũng như lợi thế của chúng cùng với nghệ thuật tác chiến đổi mới trong các cuộc xung đột tiềm tàng tương lai, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Những "kẻ hủy diệt" máy bay không người lái?
Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của lực lượng Houthi ở Yemen gần đây vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi đã cho thế giới thấy rằng những chiếc máy bay không người lái (UAV) "thô sơ" có thể là mối đe dọa thực sự.
UAV hiện là mối đe dọa đối với mọi quốc gia và mọi lực lượng vũ trang. Tuy nhiên cho tới hiện tại chỉ có người Nga là phát triển đầy đủ và hiệu quả khả năng chống UAV.
Hãy bắt đầu bằng UAV "thô sơ" mang theo chất nổ và những thiết bị tối cần thiết để xây dựng chúng (theo các chuyên gia quân sự Nga):
"Một số linh kiện máy tính bao gồm một CPU 486, các thanh RAM khoảng 1 Mb, một ổ cứng 1Gb và một số cảm biến (giá thành cực kỳ rẻ) để nhận các tín hiệu định vị từ các hệ thống GPS của Mỹ, GLONASS của Nga hoặc cả hai (được gọi là nền tảng GNSS)".
Hiện trường và các loại UAV, tên lửa đã được sử dụng trong vụ tập kích cơ sở dầu mỏ Saudi hôm 14/9.
Phiến quân Syria, được tài trợ và huấn luyện bởi các "lực lượng nước ngoài" đã tấn công căn cứ của Nga ở Khmeimim bằng những UAV như vậy trong nhiều năm. Theo chỉ huy phòng không Nga ở Khmeimin, hơn 120 UAV đã bị bắn hạ hoặc vô hiệu hóa chỉ trong hai năm qua.
Rõ ràng, người Nga là những người hiểu rõ nhất "lòng tốt" của các lực lượng nước ngoài nói trên và vấn đề quan trọng nhất được rút ra là: Tên lửa phòng không không phù hợp để chống lại mối đe dọa đến từ UAV
Một số chuyên gia đã tự hỏi tại sao tên lửa Patriot PAC-2 của Arab Saudi không bắn hạ UAV của Houthi. Đây là câu hỏi hoàn toàn sai lầm vì tên lửa phòng không sẽ không hiệu quả trong việc phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng UAV.
Đây không phải là về vấn đề hiệu suất kém của Patriot. Ngay cả khi triển khai độc lập, hệ thống S-400 của Nga cũng sẽ khó có hiệu quả cao nếu chống lại UAV.
UAV "thô sơ" thường được phiến quân Syria sử dụng để tấn công sân bay Khmeimim.
Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì các các đặc điểm chính của UAV như nhỏ, nhẹ và được tạo thành từ các vật liệu phản xạ tối thiểu các tín hiệu radar.
Việc di chuyển của chúng rất chậm, nhưng điều này không làm cho việc bắn hạ chúng dễ dàng hơn, mà hoàn toàn ngược lại vì hầu hết các radar được thiết kế để theo dõi và tiêu diệt các mục tiêu bay nhanh (máy bay, tên lửa đạn đạo...).
UAV cũng có thể bay rất thấp và có khả năng ẩn nấp. Thậm chí UAV còn bay thấp hơn các loại tên lửa hành trình bay bám địa hình.
Cuối cùng là giá thành của UAV cực kỳ rẻ, tên lửa trị giá hàng triệu USD sẽ bị lãng phí vào một chiếc UAV có giá 10-20 USD (cấu hình "hiện đại" nhất cũng chỉ khoảng 30.000 USD) mà vẫn không hiệu quả vì UAV có thể tấn công với số lượng lớn vượt xa số lượng tên lửa.
Rõ ràng để đối đầu với UAV chỉ có các loại vũ khí như pháo phòng không hoặc hệ thống tác chiến điện tử (về lý thuyết có thể tiêu diệt UAV bằng vũ khí laser, tuy nhiên do cần nhiều năng lượng nên đây không phải là giải pháp tối ưu). Ở Khmeimim, người Nga có cả hai.
Các hệ thống phòng không Nga triển khai ở Syria.
Vũ khí chống UAV lý tưởng sẽ là hệ thống Pantsir, nó kết hợp giữa khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu đa kênh (quang điện tử, radar, dữ liệu tình báo...) và một khẩu pháo mạnh.
Pantsir thậm chí còn có các tên lửa tầm trung mạnh mẽ có thể hạ gục các mục tiêu là các máy bay trinh sát hỗ trợ cuộc tấn công bằng UAV. Pantsir cũng không đơn độc trong cuộc chiến này, nó được bổ
s ung các hệ thống chiến tranh điện tử đáng gờm khác được triển khai ở Syria.Tại sao chúng hiệu quả? Hãy nhìn vào những điểm yếu của UAV
Đầu tiên, UAV phải được điều khiển từ xa hoặc có các hệ thống định vị. Rõ ràng tín hiệu điều khiển từ xa có thể bị gây nhiễu bởi các thiết bị chế áp điện tử ở gần mục tiêu hơn do tín hiệu mạnh hơn nhiều.
Ngay cả một tín hiệu mạnh được truyền đi xa cũng có khả năng trở thành tín hiệu yếu hơn. Về lý thuyết, người ta có thể sử dụng kỹ thuật để khắc phục điều đó (ví dụ như chuyển tần số) nhưng sẽ làm tăng đáng kể trọng lượng và giá thành của UAV (các viên pin sẽ phải lớn và nặng do cần nhiều năng lượng hơn).
Thứ hai, một số UAV dựa vào tín hiệu định vị vệ tinh (GPS/GLONASS) hoặc dẫn đường quán tính. Vấn đề là tín hiệu vệ tinh có thể bị giả mạo và dẫn hướng quán tính thường không chính xác hoặc nặng hơn và đắt tiền.
Một số tên lửa hành trình tiên tiến sử dụng hệ thống dẫn đường TERCOM phù hợp với chế độ bay bám địa hình, nhưng lại quá đắt đỏ đối với UAV hạng nhẹ và rẻ tiền (những tên lửa này và các máy bay mang theo chúng là những mục tiêu mà S-300/S-400 được thiết kế để tiêu diệt).
Thậm chí còn có nhiều công nghệ dẫn đường tên lửa hành trình khác lạ mắt và cực kỳ đắt tiền, nhưng những thứ đó chỉ đơn giản là không thể áp dụng cho các vũ khí như UAV với lợi thế lớn nhất của chúng là công nghệ đơn giản và chi phí thấp.
Tổ hợp tác chiến điện tử Krasukha-4 Nga ở Syria.
Máy bay chiến đấu thế hệ 5+ và UAV thế hệ 5-6
Trong khi một số người ở Ấn Độ tuyên bố (có thể vì lý do chính trị và để làm hài lòng Mỹ) rằng Su-57 không phải là máy bay thế hệ 5 với lý do loạt sản xuất đầu tiên được lắp động cơ thế hệ thứ 4 và vì Su-57 không có RCS (diện tích phản xạ radar) nhỏ như F-22 Raptor.
Thì người Nga và Trung Quốc đang tranh luận với nhau rằng liệu Su-57 là máy bay thế hệ 5, 5+ hay thậm chí là chiếc đầu tiên của thế hệ thứ 6?
Một điều quan trọng đó là tin đồn xuất phát từ quân đội Nga về việc Su-57 ban đầu được thiết kế như một UAV. Người Nga đã chứng thực điều này bằng hình ảnh Su-57 bay cùng với máy bay không người lái tấn công (UCAV) tầm xa S-70 mới.
Dưới đây là thông số mà quân đội Nga tiết lộ gần đây về UCAV S-70: Phạm vi hoạt động 6,000 km, trần bay 18.000 m, tốc độ tối đa 1.400 km/h, tải trọng (vũ khí) tối đa 6.000 kg.
Su-57 và S-70 Okhotnik-B đã được thử nghiệm tại Syria.
Các chuyên gia Nga tuyên bố S-70 có khả năng hoạt động độc lập, trong một "bầy UAV" hoặc phối hợp với một chiếc Su-57 có người lái. Trong tương lai, một chiếc Su-57 có thể sẽ điều khiển một loạt S-70.
Rõ ràng với thiết kế giảm tối đa RCS của mình, S-70 sẽ có "khả năng tàng hình" vượt trội hơn so với Su-57 (theo nguồn tin của Nga), Su-57 sẽ điều khiển S-70 như một máy bay tầm xa đột phá phòng không đối phương, thu thập thông tin tình báo và chuyển trở lại cho Su-57.
Nhưng đó không phải là tất cả, Su-57 cũng có thể sử dụng S-70 trong các nhiệm vụ trấn áp các mục tiêu mặt đất (thuật ngữ quân sự là SEAD) và thậm chí thực hiện các cuộc không chiến với máy bay đánh chặn đối phương.
Tốc độ ghê gớm và tải trọng vũ khí tối đa 6 tấn của S-70 mang đến những khả năng thực sự đáng gờm, bao gồm cả việc triển khai các vũ khí đối hải, đối không và đối đất hiện đại của Nga.
Các ý kiến phản bác thông thường có thể sẽ phản đối rằng ngành công nghiệp máy tính của Nga đã bị bỏ xa bởi phương Tây tuy nhiên tất cả đều vô nghĩa.
Cần nhắc nhở rằng Nga là quốc gia đầu tiên triển khai các radar quét mảng pha thụ động (PESA) tích hợp với hệ thống tìm kiếm và theo dõi bằng tia hồng ngoại (IRST) trên MiG-31.
Các máy bay MiG-31 cùng một phi đội có thể thông tin với nhau qua đường truyền dữ liệu, radar kiểm soát được điều khiển bởi phi công thứ 2. Hơn nữa, những chiếc MiG-31 cũng có thể trao đổi dữ liệu với các máy bay cảnh báo sớm trên không (AWACS) và radar mặt đất.
Và những tiến bộ đó có thể được thực hiện vào đầu những năm 1980, tức là gần 40 năm trước!
Dựa trên thiết kế của MiG-31, Mikoyan đang phát triển máy bay thế hệ 5+ hoặc 6 có tên MiG-41 được cho là có khả năng tác chiến ngoài vũ trụ.
Sự thật là các lực lượng vũ trang Liên Xô triển khai nhiều hệ thống vũ khí tiên tiến từ rất lâu trước khi phương Tây đưa ra thứ tương tự.
Ngày nay, tất cả những gì chúng ta cần làm là phân tích tiếng "rên rỉ" của NATO về khả năng của A2/AD (khu vực chống tiếp cận/chống xâm nhập) để thấy rằng người Nga vẫn đang tiên phong trong khi phương Tây "chỉ có thể mơ ước".
Bây giờ hãy xem lại một số lời chỉ trích gần đây về "khả năng tàng hình" của Su-57.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Su-57 không phải là máy bay dẫn đầu cuộc xâm nhập vào các hệ thống phòng không tiên tiến?
Và nếu từ ngày đầu tiên người Nga đã cho rằng thiết kế RCS phía trước thấp không nhằm thực hiện các mục đích như các thiết kế phụ thuộc hoàn toàn vào RCS thấp ở mọi hướng nhằm tránh bị phát hiện (như F-22 và F-35)?
Điều quan trọng cần ghi nhớ là công nghệ mới cũng tạo ra các chiến thuật mới. Điều này đặc biệt đúng vì có thể F-35 sẽ là một máy bay tham gia không chiến (dogfight) thảm hại trong khi Su-57 có thể là loại vũ khí có khả năng chiếm hoàn toàn ưu thế trên không.
Ngoài các radar chính, Su-57 có một số radar bổ sung cung cấp cho Su-57 tầm nhìn bao quát 360 độ chiến trường, ngay cả khi không sử dụng tín hiệu được cung cấp từ S-70, AWACS hoặc radar mặt đất.
Máy bay tàng hình thế hệ 5 Su-57 và máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B tạo thành đội hình.
Tên lửa "vô hình" trước mắt đối phương
Tên lửa hành trình Kalibr đã xuất hiện trong cuộc chiến ở Syria. Liệu bạn có biết rằng nó có thể khai hỏa từ một container thương mại, giống như những thứ chúng ta vẫn thấy trên xe tải, tàu hỏa hoặc tàu biển chở hàng hay không?
Trong khi Kalibr có tầm bắn từ 50km đến 4.000km và nó có thể mang đầu đạn hạt nhân thì việc triển khai các container này ngay ngoài khơi nước Mỹ trên các tàu biển chở hàng (hoặc chuyển tới Venezuela và Cuba) liệu có gặp khó khăn hay không?
Sẽ khó khăn đến đâu để người Nga phát triển hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển "phiên bản container" sử dụng các công nghệ trong các hệ thống tên lửa Bastion/Yakhont/BrahMos?
Kể từ khi người Mỹ từ bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) người Nga đã phát triển một phiên bản mặt đất của tên lửa Kalibr và sẵn sàng triển khai ngay khi Mỹ triển khai bất kỳ tên lửa tương tự ở châu Âu.
Thực tế là Nga đã hoàn thiện cả một gia đình tên lửa đạn đạo và hành trình có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có khả năng "tàng hình" và có thể được triển khai ở bất cứ đâu trên hành tinh, trên bất kỳ tàu hàng dân sự, dưới bất kỳ lá cờ nào có thể tưởng tượng ra được..
Một Container chứa tên lửa Kalibr của Nga.
Khả năng này thay đổi hoàn toàn tất cả các chiến lược răn đe/ngăn chặn của Hoa Kỳ. Những người hiện bị mắc kẹt trong tư duy thời Chiến tranh Lạnh và các hoạt động chiến tranh bất đối xứng ở Afghanistan, Iraq, Syria, Yemen, Libya, Mỹ Latinh và Châu Phi.
Dưới các khả năng quân sự nói trên, các tàu chiến NATO ở Biển Đen có thể ngăn chặn Nga hay không?
Trên thực tế, tất cả những con tàu này có giá trị với người Nga trong việc huấn luyện binh linh bằng những "mục tiêu trực quan". Nhưng nếu một cuộc chiến nổ ra, thời gian để con tàu nói trên chìm xuống đáy Biển Đen chỉ tính bằng phút.
Việc tàu chiến NATO hoạt động trong Biển Đen hoàn toàn không có nhiều ý nghĩa.
"Bài học xương máu" mà Mỹ sẽ phải đối mặt trong tương lai?
Chắc chắn Nga sẽ không tham gia một cuộc chiến toàn diện thay mặt cho Iran (hoặc bất kỳ quốc gia nào khác trên hành tinh). Nhưng Nga rất có thể sẽ "chán ngấy" Mỹ và phương Tây và bán cho Iran bất kỳ tên lửa nào mà họ muốn mua.
Mỹ và Israel vẫn có khả năng công nghệ và theo thời gian, các chuyên gia Mỹ có thể dần dần triển khai các hệ thống có khả năng chống lại các vũ khí nói trên, nhưng điều đó hoàn toàn bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
Mỹ và Israel thử nghiệm tên lửa chống tên lửa đạn đạo Arrow.
Họ chắc chắn là có đủ tiền, khi xem xét rằng nước Mỹ chi cho quốc phòng lớn hơn so với toàn bộ phần còn lại của thế giới cộng lại. Vậy vấn đề là gì?
Công chúng Mỹ cần tự hỏi tại sao tất cả những "đồ chơi" trị giá hàng tỷ USD mà họ đã trang bị trong những thập kỷ qua không mang lại dù chỉ một "chiến thắng cuối cùng"?
Ông Trump trong chiến dịch tranh cử của mình đã cố gắng đưa ra quan điểm đó và ngay lập tức bị tấn công vì không hỗ trợ quân đội "giỏi nhất trong lịch sử" và đã phải nhanh chóng "thay đổi thanh điệu".
Kết quả là ngay cả những vũ khí trong trang bị của Mỹ thậm chí còn chưa thể có khả năng như những vũ khí tương tự đã được Nga thử nghiệm.
Hoa Kỳ, trong lịch sử của mình, đã triển khai một số hệ thống vũ khí có đẳng cấp thế giới về công nghệ như xe jeep và F-16. Tuy nhiên chúng được thiết kế cho chiến tranh, cho chiến trường trong thế giới thực chứ không phải để làm giàu cho những người đã rất giàu có.
Do đó quốc gia tạo ra và triển khai một vũ khí hiệu quả như F-16 hiện sản xuất F-35. Từ quan điểm của Hoa Kỳ, F-35 là một "thành công tuyệt vời" chứ không phải là một "con voi biết bay".
F-35 được mệnh danh là "con voi biết bay", cụm từ dùng để chỉ những dự án tốn kém nhưng không hiệu quả.
Chi phí khổng lồ không phải là lỗi ở sự bất tài của các chuyên gia Hoa Kỳ, hay sự u mê của các nhà phân tích quân sự. Thay vào đó, nó là bằng chứng về lòng tham vô hạn và sự tự tôn của giai cấp thống trị nước Mỹ.
Đáng buồn thay, một trong những cách tốt nhất để học những bài học quan trọng, là bằng một thất bại đau đớn hoặc thảm khốc. Nước Nga ngày nay sẽ không thể tồn tại nếu không có sự khủng khiếp của "dân chủ" dưới thời Eltsin những năm 1990.
Trong cuộc chiến tranh Chechnya lần 1, người Nga đã gặp khó khăn ngay cả trong việc tìm ra một trung đoàn có khả năng chiến đấu và họ phải sử dụng các tiểu đoàn kết hợp. Điều này có thể cũng sẽ xảy ra với nước Mỹ.
Hệ thống tên lửa đạn đạo trong container của Nga.